Điểm kiến nghị quan trọng được TP.HCM đề cập tới Thủ tướng là lĩnh vực tài chính. TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận giữ nguyên tỷ lệ phần trăm để lại cho ngân sách TP như hiện nay là 23%, kể từ năm ngân sách 2017 và ổn định trong 10 năm, tạo điều kiện để TP chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính trung và dài hạn.

TPHCM kiến nghị phân cấp mạnh cho TP thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thảo Hương | 27/06/2016, 17:21

Điểm kiến nghị quan trọng được TP.HCM đề cập tới Thủ tướng là lĩnh vực tài chính. TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận giữ nguyên tỷ lệ phần trăm để lại cho ngân sách TP như hiện nay là 23%, kể từ năm ngân sách 2017 và ổn định trong 10 năm, tạo điều kiện để TP chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính trung và dài hạn.

Chiều 27.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng sáu tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2016.

Thủ tướng khẳng định TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước và cần tạo điều kiện để thành phố phát triển. Ông phát biểu: “Mỗi lần vào TP. HCM là chúng ta tạo ra những điều kiện về cơ chế chính sách cho TP phát triển chứ không phải “khóa” lại sự phát triển của TP”.

Báo cáo với Thủ tướng, chính quyền TP.HCM cho biết so với cùng kỳ, kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,47%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,3%; du lịch tăng trưởng tốt, khách quốc tế đạt hơn 2,4 triệu khách, tăng 12,2%; xuất khẩu tăng trưởng khá, nếu không tính giá trị dầu thô đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8%; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 6,9%; sản xuất nông nghiệp tăng 5,9%.

Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, tăng 1,79% so với cùng kỳ và tăng 2,23% so với tháng 12.2015. Thu ngân sách đạt 143.965 tỷ đồng, tăng 8,08% số cùng kỳ, đạt 48,26% dự toán. Tình hình thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt khá. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 125.100 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ.

Công tác quản lý đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp nước sạch cho nhân dân, bảo vệ môi trường tiếp tục tạo chuyểnbiến tích cực; các dự án, chương trình thiết thực phục vụ dân sinh được đẩy nhanh tiếnđộ. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao được quan tâm thực hiện; an sinh xã hội được đảm bảo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần thành công cho công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Quang cảnh buổi làm việc- Ảnh chụp qua màn hình TV

Dù vậy, lãnh đạo TP.HCM cho rằng thành phố vẫn có thể phát triển mạnh hơn nữa nếu cóđược một sốcơ chế đặc thù. Trên cơ sở đó, TP.HCM có một loạt kiến nghị.Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Thủ tướng phân cấp mạnh cho TP thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành – lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù hoặc để cụ thể hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế của địa phương.

Cụ thể về lĩnh vực phí và lệ phí: được thí điểm quy định một số khoản thu, khoản chi, phí và lệ phí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương như phí xăng dầu, phí môi trường, phí sử dụng bất động sản và chuyển nhượng bất động sản. Hay về lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, TP muốn được thí điểm quy định về các Hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị phát sinh nhưng chưa được quy định là vi phạm hành chính; quy định mức xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt.

Về tổ chức bộ máy, TP muốn được thí điểm thành lập một số cơ quan chuyên môn, tham mưu giúp việc cho UBND thực hiện một số chức năng nhiệm vụ xuất phát từ đặc thù của đô thịđặc biệt và được phân cấp cho chính quyền cấp dưới thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố, bảo đảm nguyên tắc quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, TP muốn được thí điểm quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức theo Đề án xác định vị trí việc làm được Bộ Nội vụ phê duyệt; tổ chức thi nâng ngạch, chuyển xếp ngạch, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ thu nhập phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và ngân sách thành phố.

Điểm kiến nghị quan trọng khác được TP đề cập tới thủ tướng là lĩnh vực tài chính. TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giữ nguyên tỷ lệ phần trăm để lại cho ngân sách TP như hiện nay là 23%, kể từ năm ngân sách 2017 và ổn định trong 10 năm, tạo điều kiện để TP chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính trung và dài hạn.

Về phân cấp nguồn thu, TP kiến nghị với Thủ tướng một số điều. Thứ nhất, cấp lại cho TP một phần nguồn thu các khoản thuế từ xuất nhập khẩu (dự kiến là 8-10-12%) và thực hiện trong 10 năm. Thứ hai, cho phép TP nghiên cứu cơ chế thu thuế với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế và nguồn thu này không phải điều tiết về trung ương cũng như không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định.

Thứ ba, phân cấp cho Thành phố được thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan thuộc trung ương quản lý và phân chia tỷ lệ phần trăm. Thành phố được hưởng là 50% đối với khoản thu này. Thứ tư, phân chia tỷ lệ phần thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhà nước do trung ương đại diện chủ sở hữu cho Ngân sách Thành phố được hưởng là 50%.

Về cơ chế thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu cho TP từ số tăng thu ngân sách Trung ương, TP kiến nghị giữ nguyên quy định về cơ chế thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu cho TP như Nghị định 124/CP và Nghị định 61/CP hiện nay.

Cụ thể: ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho TP tương ứng 70% số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán đã được giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP còn lại. Năm 2015, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 255.001 tỉ đồng; trong đó số thu ngân sách trung ương hưởng theo phân cấp là 199.771 tỉ đồng. Căn cứ quy định pháp luật, đề nghị Chính phủ thưởng cho TP là hơn 10.000 tỉ đồng.

Về vấn đề an ninh, TP.HCM kiến nghị cho phép lực lượng Công an TP được áp dụng cơ chế đặc thù về tăng cường biên chế, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và các chế độ chính sách của cán bộ chiến sĩ ngang tầm với quy mô địa bàn trọng điểm và đặc điểm phức tạp của TP. Thí điểm bố trí Công an chính quy tại các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Thảo Hương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TPHCM kiến nghị phân cấp mạnh cho TP thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật