TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội, trưởng nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, chỉ ra rằng: “Tượng đài lính Hoàng Sa đáng phải đặt nằm phía bắc (đảo Lý Sơn-PV) để chỉ ra Hoàng Sa nhưng lại đặt nằm phía nam đảo. Đặt phía nam lỡ rồi nên tượng chỉ vô đâu, chỉ vô trụ sở mặt trận tổ quốc. Ý rằng, chúng ta phải làm bài bản, xây dựng bài bản để Lý Sơn phát triển đúng tầm của nó chứ không làm chắp vá được”. Đây là góp ý của TS. Trần Du Lịch trong hội thảo quốc gia định hướng phát tri
Tránh quy hoạch Lý Sơn một cách lộn xộn
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải xác định rõ vai trò, vị thế của Lý Sơn rồi tác động rộng ra là Quảng Ngãi, miền Trung để có định hướng phát triển chính. Từ đó, có những bước hoàn thiện quy hoạch, tránh quy hoạch một cách lộn xộn.
Theo TS. Trần Du Lịch, trong tương lai, Lý Sơn phải là một đảo tiền tiêu quốc phòng, một đô thị hiện đại gắn với truyền thống và có sức hút mạnh mẽ khu vực và thế giới.
Cột cờ tổ quốc trên núi Thới Lới. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Lý Sơn là đảo tiền tiêu có vị trí trọng yếu trên tuyến đường biển Việt Nam, cách đất liền 15 hải lý, cách đường hàng hải quốc tế 90 hải lý, cách đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 121 hải lý, cách đảo Trường Sa khoảng 445 hải lý; lịch sử khai phá, cai quản Lý Sơn và vùng biển Đông 400 năm nay của nước ta đã minh chứng tầm quan trọng của nó. Trong “thế kỷ của đại dương” này, những hòn đảo như Lý Sơn càng có tầm quan trọng đặc biệt.
Tuy nhiên, nói như TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam (thuộc viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) thì, Lý Sơn xưa nay vẫn phát triển nhưng tự mình phát triển nên vẫn nghèo. Cụ thể là tỉ lệ hộ nghèo ở huyện đảo này vào khoảng 25%/, chiếm gần 22 ngàn dân.
Thực trạng hiện tại cho thấy, có rất nhiều việc cần quy hoạch cụ thể, chi tiết và bài bản nhằm tạo tiền đề cho huyện đảo Lý Sơn có đà phát triển khi được đầu tư.
Dù được chính thức cấp điện lưới vào ngày 28.9, hiện tại, hệ thống giao thông ở Lý Sơn vẫn là một điều trăn trở; đường sá còn hỏng hóc nhiều, quy hoạch cảng cá và cảng du lịch tách biệt chưa có.
Về mặt môi trường, Lý Sơn đang ngày có biểu hiện ô nhiễm. Nhiều gia đình trên đảo hiện vẫn chưa có nhà vệ sinh. Các bãi biển bị xả rác rất nhiều. Quy hoạch xây dựng nghĩa địa chưa có nên người dân vẫn chôn cất người chết không tập trung trong khi quỹ đất eo hẹp.
Dễ thấy rằng, dù có lịch sử khai phá lâu đời nhưng thực tế Lý Sơn chỉ được quan tâm đầu tư cách đây không lâu từ khi có “nhân tai” trên biển Đông. Bây giờ, rất nhiều đoàn, chương trình, cơ quan, tổ chức hỗ trợ tỉ này tỉ nọ cho Lý Sơn nhằm hỗ trợ đời sống an sinh, xây dựng đảo tiền tiêu.
Tuy nhiên, chưa có một quỹ nào chính thức từ chính quyền địa phương để tiếp nhận các hỗ trợ hảo tâm của cả nước, chẳng hạn quỹ phát triển Lý Sơn, để có thể điều phối chi tiêu, quy hoạch phát triển Lý Sơn giàu mạnh một cách có hiệu quả.
Trả lại Lý Sơn những gì vốn có
Một người có thâm niên dày dạn nghiên cứu, tìm hiểu về Lý Sơn như TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục biển và hải đảo Việt Nam, đã phải xót xa mà nói rằng Lý Sơn đã bị mất đi nhiều quá. Muốn phát triển phải trả lại những gì vốn có của Lý Sơn.
Rừng và biển Lý Sơn đã bị mất đi rất nhiều do hoạt động khai thác của con người. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Theo TS. Nguyễn Chu Hồi, Lý Sơn đã mất đi 3 cái cốt lõi.
Mất dưới biển, là mất toàn bộ dãy san hô ở bãi bằng. Theo khảo sát, diện tích phân bố rạn san hô quanh Lý Sơn trên 1.000 ha tính từ bờ đảo xuống độ sâu 300m. Việc lấy đất cát ở các rạn san hô để trồng hành tỏi trên đảo diễn ra từ lâu; tỏi được nhưng san hô mất.
Việc này trái ngược với các nước là lấy bảo vệ thiên nhiên và lấy du lịch làm trục chính phát triển kinh tế đảo; chúng ta trả giá quá lớn và đi không đúng mô hình kinh tế đảo các nước trên thế giới.
Thứ hai, Lý Sơn mất quá nhiều rừng, trên đảo này hiện chỉ có 19,6% diện tích được phủ xanh.
Cách đây khoảng trên dưới 100 năm, diện tích rừng trên đảo chiếm khoảng 70% với hệ thống động thực vật khá phong phú, đa dạng.
Thứ ba, từ việc phá vỡ hệ sinh thái san hô, chúng ta đã mất toàn bộ nghề nuôi trồng thủy sản trên đảo, mất đi những đặc sản mà ngày xưa chỉ có vùng này có để tiến vua.
Lý Sơn hiện chẳng còn gì ngoài cây tỏi!
Theo đó, việc đầu tiên và xuất phát điểm ban đầu để bàn việc đưa Lý Sơn phát triển là trả lại cho nó những gì vốn có. Phục hồi rừng, biển, phục hồi nghề nuôi, tiếp tục phát triển xa bờ theo tình hình biến đổi khí hậu vì cá ngày càng sống xa bờ và phù hợp với tình hình biển đông đang có “nhân tai” nên phải dân sự hóa trên biển.
Ông Hồi cũng đề xuất nghiên cứu giữ nguyên diện tích tỏi và áp dụng khoa học công nghệ để giữ nguyên cát cho vụ mùa sau chứ không lấy thêm cát ở rạn san hô để trồng. Bởi vì, “nếu tính theo kinh tế như các nước phát triển thì nếu giữ được môi sinh biển đảo thì phát triển kinh tế gấp 4-5 lần so với trồng tỏi (năng suất kinh tế từ việc trồng tỏi ở Lý Sơn đạt từ 1,5-2 tỉ đồng/1 ha/năm)”, ông Hồi nhấn mạnh.
Phủ xanh lại đảo, cũng có nghĩa là cứu được vấn đề nước sạch, nguy cơ trong tương lai nếu phát triển Lý Sơn thành một đô thị đảo.
Ra đảo không phải để làm nông nghiệp
Một đảo nhỏ như Lý Sơn chắc chắn không thể phát triển nông nghiệp và lấy nó làm thu nhập chủ lực cho người dân được. Cách đây 40 năm, hòn đảo này rộng hơn 10 km2 nhưng nay bị xâm thực còn khoảng 9 km2; hoạt động xói lở có tác động do con người từ việc đào cát phá vỡ các rạn san hô quanh đảo để trồng tỏi.
Phát triển bền vững cần phải cân bằng lợi ích giữa con người và bảo vệ môi sinh. Chúng ta phát triển kinh tế trên đất liền, kinh tế biển, kinh tế đảo.
Lý Sơn là hòn đảo có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, do đó phải phát triển bền vững, mạnh về kinh tế và giàu về tiềm năng.
Tiềm năng của Lý Sơn là phát triển đánh bắt hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản, làm du lịch.
Đảo Bé trong cụm đảo Lý Sơn. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
“Tôi nghĩ Lý Sơn phải là một đảo xanh, phát triển kinh tế biển xanh gắn với hoạt động bảo tồn thiên nhiên đối với biển. Ra biển không phải để làm nông nghiệp. Chúng ta phải xác định kinh tế đảo, kinh tế biển, kinh tế đất liền là gì để có hướng đi đúng. Đừng bao giờ lấy nguồn lực từ bên ngoài bơm vào Lý Sơn, đến khi hết bình ô xy đó thì Lý Sơn phải tìm bình ô xy khác”, TS. Nguyễn Chu Hồi chia sẻ.
Theo TS. Trần Du Lịch, muốn phát triển Lý Sơn thì đầu tiên cần phải định hình quy hoạch phát triển những ngành, lĩnh vực gì; sau đó chúng ta xem như một đề án mang tính quốc gia theo mô hình công tư đối tác. Tức là, nhà nước đầu tư mang tính mở đường, có những chính sách bù lỗ cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào.
Trước mắt, chúng ta cần đầu tư nâng cấp những con đường bên trong khu dân cư tạo cảnh quan, nâng cấp nhà máy nước sạch, quy hoạch nghĩa trang, công bố cơ chế cho các doanh nghiệp…Nói chung, với điều kiện khó khăn về cơ sở hạ tầng, diện tích như ở Lý Sơn, nhà nước phải làm trước thì mới thu hút được doanh nghiệp.
Đình làng An Hải cùng hệ thống các di tích quốc gia, các di tích văn hóa phi vật thể, các thắng cảnh sẽ là điểm nhấn du lịch cho Lý Sơn. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Cùng vấn đề này, TS. Trần Đình Thiên, cho biết thêm: “Đất Lý Sơn ít nên để nhiều doanh nghiệp nhỏ vào thì dễ dẫm đạp nhau nên phải chọn nhà đầu tư chiến lược mới có thể thay đổi diện mạo”.
Ông Thiên cũng hiến kế mở rộng đảo bằng việc khuyến khích người dân lấn biển chứ không thể đào hết cát trồng tỏi được.
Một đô thị tiền tiêu trên biển
Quy hoạch xây dựng Lý Sơn giai đoạn 2015-2020 nhằm hướng tới việc phát triển một đô thị đảo giàu mạnh.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng, theo văn bản thống nhất giữa các bộ KH-ĐT, Tài chính, NNPTNT và tỉnh Quảng Ngãi đang trình lên Thủ tướng duyệt thì sẽ đầu tư xây dựng cảng biển, cảng neo đậu tàu thuyền giai đoạn 2, đường cơ động phía đông giai đoạn 2. Xây dựng các dự án như đường cơ động quanh các đảo lớn, đảo bé, xây dựng bệnh viện quân dân y kết hợp, đường vào trung tâm xã An Hải, ra đa tầm xa…
Cảng mới đang được xây dựng ở phía nam đảo lớn. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phục hồi sân bay trên đảo để phục vụ kinh tế, du lịch kết hợp quốc phòng. Các phương thức vận chuyển từ bờ ra đảo cũng được nghiên cứu để tăng cường thêm.
Về chính sách ưu đãi, ngân sách trung ương hỗ trợ cho các dự án trên được ở mức cao nhất; khuyến khích các nhà đầu tư theo phương thức BT, BOT…Ngoài ra, chính quyền địa phương được quyền cân đối vốn, ứng vốn của năm sau để thực hiện nhanh tiến độ các công trình.
Đối với ngư dân sẽ được hỗ trợ chính sách ưu tiên ở mức cao nhất; cán bộ ở Lý Sơn cũng được hưởng trợ cấp khu vực là 0,7%...
Như vậy, với tầm quan trọng của mình, Lý Sơn cần được ưu tiên đầu tư phát triển là một việc cần kíp. Tuy nhiên, để hòn đảo tiền tiêu có đủ sức mạnh vươn xa biển Đông, cần nhất là những quy hoạch cụ thể mang tính lâu dài; việc phát triển kinh tế phải mang tính bền vững gắn với bảo vệ môi sinh như đã phân tích ở trên.
Lê Đình Dũng