Thị trường hàng hóa cúng tiễn ông Công ông Táo đang diễn ra sôi động tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP.Hà Nội, các mặt hàng đa dạng về mẫu mã và giá cả.

Trái cây tăng giá, hàng hóa dồi dào ngày tiễn ông Công ông Táo chầu giời

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 25/01/2022, 11:54

Thị trường hàng hóa cúng tiễn ông Công ông Táo đang diễn ra sôi động tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP.Hà Nội, các mặt hàng đa dạng về mẫu mã và giá cả.

Trái cây quay đầu tăng giá

Còn khoảng 1 tuần nữa đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng giá các loại trái cây trong mâm ngũ quả đã tăng từ 10-40%.

271836926_4436626763108182_5148549892626607609_n.jpg
Trái cây tăng giá nhẹ ngày tiễn ông Công ông Táo

Theo ghi nhận của Một Thế Giới tại các chợ ở Hà Nội, cam canh tăng từ 30.000 lên 60.000 - 70.000 đồng/kg, quýt tăng từ 25.000 lên 40.000 đồng/kg, lê tăng từ 20.000 lên 30.000 đồng/kg, bưởi da xanh đắt thêm 10.000 đồng lên 50.000 - 60.000 đồng/kg, xoài tăng lên 60.000 - 80.000 đồng/kg... Đặc biệt mặt hàng trái thanh long, dù 1 - 2 tuần trước, tình hình ùn tắc ở biên giới, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu khiến loại quả này được bày bán la liệt trên các mặt phố với giá rẻ bèo chưa đến 10.000 đồng/kg, nhưng sáng nay đã "quay đầu" tăng chóng mặt lên đến 35.000 đồng/kg tại các một số cửa hàng.

Chị Vân Anh (ở phường Định Công, quận Hoàng Mai) chia sẻ, chỉ tuần trước đến tuần này mà giá các loại trái cây đã tăng đáng kể. Đặc biệt là ngày cúng ông Công ông Táo, từ chiều qua 24.1 (22 tháng chạp), các mặt hàng trái cây đã đồng loạt tăng giá, tuy nhiên nhu cầu mua sắm của mọi người vẫn gia tăng.

"Tôi mua 1 quả thanh long đỏ, 1 quả lê, 1 quả cam để bày thêm vào mâm ngũ quả trên ban thờ hết 50.000 đồng. Ngày thường còn chưa đến 30.000 đồng. Năm nào cũng vậy, từ 23 tết ông Công ông Táo là các mặt hàng đều đồng loạt tăng giá. Năm nay dù nguồn cung các mặt hàng rau quả đều dồi dào do dịch bệnh không xuất khẩu được nhiều nhưng giá cả vẫn tăng đều", chị Vân Anh nói

Theo một số tiểu thương buôn trái cây, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhiều loại trái cây sẽ được tiêu thụ rất mạnh, đặc biệt là các sản phẩm có trong mâm ngũ quả. Do đó, giá trái cây sẽ khó hạ nhiệt cho tới hết rằm tháng giêng năm 2022. Hiện số lượng trái cây về các chợ dân sinh trên địa bàn TP.Hà Nội đã tăng cao, vì thế lượng hàng cung ứng ra thị trường đã dồi dào. Dự báo, từ 23 âm lịch trở đi, lượng hàng sẽ tăng mạnh và lúc đó giá sản phẩm cũng sẽ được điều chỉnh nhiều hơn so với hiện tại.

Giá cá chép giảm nhẹ

Theo phong tục của người Việt Nam, vào ngày 23 tháng chạp (tức ngày cúng tiễn ông Công ông Táo), ngoài những thứ cho mâm cơm và mâm ngũ quả thì người ta thường chuẩn bị thêm cá chép vàng để đưa tiễn ông Táo về chầu trời. Năm nay, mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng thị trường đồ cúng ông Công ông Táo vẫn sôi động.

271734396_5767507826609265_7662775204671214948_n.jpg
Nguồn cung cá chép vàng dồi dào

Từ ngày 22 tháng chạp (24.1 dương lịch), lượng người đổ về các chợ dân sinh mua cá chép vàng đã tăng cao. Tuy nhiên, năm nay mức giá lại ổn định, không có nhiều biến động. Thậm chí, tại nhiều địa điểm, mức giá cá chép vàng còn giảm nhẹ.

Tại chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), các tiểu thương đã nhập cá chép vàng phục vụ người dân cúng ông Công ông Táo từ ngày 20 tháng chạp. So với mọi năm, số lượng người mua không nhiều, một phần là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mọi người không muốn tụ tập đông ở chỗ phóng sinh, một phần do người dân thay đổi thói quen mua sắm chuyển sang mua cá chép hàng mã, thay cá chép bằng thạch. Trong khi đó, nguồn cung năm nay cũng vì thế mà giảm nhẹ, chỉ đạt khoảng 80% so với năm ngoái.

Theo ghi nhận của PV, giá cá chép vàng loại to có giá 25.000-35.000 đồng/con, cá chép vàng loại nhỏ giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, có nơi giảm khoảng 5.000 đồng/con so với năm ngoái. Bên cạnh cá chép vàng, chép đỏ thì các loại cá chép thường, cá rô, cá quả... cũng được nhiều người mua để phóng sinh.

Vàng mã dồi dào, hoa tươi tăng nhẹ

Dạo quanh một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm, Kim Liên, Hàng Mã, Hàng Bồ, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Định Công, Thành Công... các mặt hàng vàng mã phục vụ lễ cúng ông Công ông Táo được bày bán khá đa dạng như: bộ Táo quân, thần linh, cá chép giấy, quần áo, tiền vàng...

So với mọi năm, năm nay giá cả các đồ hàng mã ổn định, không biến động, nguồn cung dồi dào. Giá bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo có giá từ 30.000 đến gần 200.000 đồng/bộ tùy chất liệu và kích cỡ; quần áo từ 20.000 - 30.000 đồng/bộ, thỏi vàng thần tài có giá 10.000 - 30.000 đồng/lễ...

271793650_307367661437864_1300890619433397878_n.jpg
Mẫu mã và giá cả vàng mã đa dạng

Ngoài ra, một số người cũng mua thêm biệt thự, nhà cao tầng, ô tô, xe máy, tivi, tủ lạnh bằng giấy... để cúng ông Táo. Tuy nhiên, các mặt hàng truyền thống như vàng mã, quần áo, thỏi vàng lại bán chạy hơn nhiều.

Trong khi đó, giá các loại hoa cúng lại tăng nhẹ, như hoa cúc, vạn thọ tăng 8.000 - 10.000 đồng/cành tùy loại, hoa hồng giá 6.000 - 7.000 đồng/cành, hoa lay ơn 120.000 đồng/chục. Còn nhóm hàng thực phẩm như thịt lợn, gà, tôm... giữ giá ổn định, không tăng. Các loại thịt bắp, ba chỉ, sườn non... vẫn ổn định lần lượt 110.000 - 120.000 đồng/kg, 140.000 - 150.000 đồng/kg và 180.000 đồng/kg, tôm sú khoảng 220.000 - 230.000 đồng/kg, cá chép khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg...

Bài liên quan
Có nên cúng ông Công ông Táo bằng cá Koi thay cho cá chép?
Dù tục cúng vàng mã và dùng cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời đã có từ xa xưa nhưng không ít người lại chuyển qua cúng bằng cá Koi Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trái cây tăng giá, hàng hóa dồi dào ngày tiễn ông Công ông Táo chầu giời