Một thời ở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nơi công cộng người ta nhất loạt gọi nhau là đồng chí, cũng buồn cười. Trẻ già đồng chí tuốt. Rồi đến thời, công sở cũng như họ hàng, cứ chú bác, cô dì loạn cả lên, khi kiểm điểm sắp choảng nhau mới gọi nhau đồng chí.

Trăm kiểu xưng hô trong tiếng Việt

16/08/2017, 10:15

Một thời ở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nơi công cộng người ta nhất loạt gọi nhau là đồng chí, cũng buồn cười. Trẻ già đồng chí tuốt. Rồi đến thời, công sở cũng như họ hàng, cứ chú bác, cô dì loạn cả lên, khi kiểm điểm sắp choảng nhau mới gọi nhau đồng chí.

Người xưa rất chú trọng xây dựng nền nếp gia đình, kể từ cách xưng hô - Ảnh: Internet

Xưng hô, tiếng Việt của người Việt

Người phương Tây khi học tiếng Việt, hầu hết đều nói khó nhất là các đại từ nhân xưng. Ngôi thứ phù hợp với tôn ti trật tự. Biểu hiện rõ nhất của việc ngôn ngữ phản ánh đặc tính xã hội, chính là cách thức xưng hô. Một nước ảnh hưởng Nho giáo nặng nề, thì không thể có một từ “I” như của tiếng Anh dùng cho ngôi thứ nhất, một từ “you” dành cho ngôi thứ 2. Không những thế, còn rất nhiều từ địa phương nữa chứ.

Từ khi ra đời, đứa bé gọi “mẹ” rồi gọi “bố”. Từ “bố” có lẽ là từ cổ. “Bố” có từ thời Phùng Hưng. “Bố cái đại vương” có thể là một tổ hợp ghép từ Nôm và Nôm gốc Hán. “Bố cái”, có thể là người bố lớn, chứ không phải là “bố mẹ”, và là nhà vua lớn (đại vương). Có nhiều người cho rằng “cái” là mẹ, rất có thể nhầm, vì “cái” là “to lớn” mới đúng. Nhưng chuyện “cái” không phải chủ đề của bài này.

Các địa phương từ Bắc vào Nam, nhiều bộ phận cư dân dùng từ có nghĩa như “bố, mẹ” khác nhau. Miền Trung có “bọ, mạ”, miền Nam có “ba, má”, “tía, má”. Nông thôn miền Bắc phần nhiều gọi “thày, u” hoặc “thày, bu”. Trung du gọi mẹ là bầm, bủ. Có một số địa phương miền núi phía bắc gọi bố là “bác”. Bố mẹ tôi hồi kháng chiến chống Pháp tản cư lên một huyện ở Thái Nguyên, kể rằng người địa phương thì con gọi bố là bác. Có thể câu ca dao này xuất phát từ vùng gần xứ Lạng: “Ai lên xứ Lạng cùng anh, bõ công bác mẹ sinh thành ra em”. Tôi biết “bác” ở đây là “bố”. Nhưng chắc rất nhiều người không biết điều ấy, mà cho là câu ca dao nói về ông anh của bố và mẹ, ngẫm ra rất vô duyên.

Thời Pháp thuộc, các thành phố miền Bắc gọi bố, mẹ là “cậu, mợ”. Con nhà giàu thì người ở cũng gọi luôn là “cậu nhỏ”. Chả hiểu gốc tích chuyện xưng hô này ở đâu.

Tôi đọc tư liệu về Võ Nguyên Giáp, thấy nói quê ông Giáp gọi bố, mẹ là “thày, thím”. Đến khi viết kịch bản liên quan đến ông Giáp, quá nhiều người phản đối, sau lại đọc có tư liệu bảo vùng đó gọi là “thày, đẻ”. Bây giờ người già chắc còn nhớ, còn lớp trẻ chắc gọi khác đi rồi.

Nhà tôi, có bà mẹ già (vợ cả của bố) thì chúng tôi gọi là “mẹ”, còn mẹ mình thì gọi là “đẻ”. Người lớn ngày xưa quy định thế, gọi lên thấy thân thương, nhưng người khác không quen thì thấy buồn cười.

Các từ chỉ họ hàng ở vùng đồng bằng sông Hồng từ xưa cũng phản ánh thiết chế xã hội. Họ hàng nhà bố thì con trai phân biệt chú, bác, nhưng con gái thì chị hay em bố cũng gọi là cô. Đó là vì xã hội phụ quyền. Ghi gia phả chỉ ghi con trai, còn con gái là theo nhà chồng. Phân biệt chị hay em bố phải gọi kèm theo chồng mới biết. Cô - bác là cô chị bố, cô - chú là cô em bố. Cũng là một kiểu phản ánh xã hội lấy người đàn ông làm chuẩn mực, đàn bà chỉ ăn theo.

Phía họ mẹ thì rất rành rọt: anh em trai mẹ gọi là bác (giống gọi anh của bố), cậu, nhưng chị em gái mẹ gọi là bá, dì. Những vùng Sóc Sơn, Đông Anh (Hà Nội), chị mẹ không gọi “bá” mà gọi là “già” (hay “dà”?). Gọi thế hơi bất tiện khi người còn trẻ mà gọi là “già”.

Nông thôn miền Bắc truyền thống có tục người đối thoại thay con hay cháu. Khi chưa có vợ, chồng thì gọi nhau anh chị, mày tao chi tớ. Khi có con, có cháu thì tùy con mình gọi người đó là gì, mình gọi thế. Ví dụ có bạn, khi trẻ thì mày tao, anh chị; khi có con phải gọi người đó là bác, chú, cô, tùy theo tuổi, khi có cháu thì gọi nhau là ông, bà. Tương tự, với người già cũng vậy, cứ có con hay cháu thì trong xưng hô gọi nhau lại nâng cấp một bậc, còn về phía mình thì có thể xưng thay con cháu, hay vẫn xưng ở ngôi mình. Ví dụ, gọi bạn bè là ông, không cần xưng cháu, mà vẫn xưng tôi, xưng em… Hồi xưa xưng hô rất đúng tôn ty và thứ bậc. Ngày nay không nhất thiết như vậy, nên khi nghe hai người xưng hô, không thể đoán được vai bậc của họ trong xã hội.

Khi người ta đến trường học, thời Pháp thuộc còn có vai trò của các cụ đồ dạy chữ nho, nhất nhất học trò gọi thày và xưng con. Rồi đến thời kỳ, ở nhà trường gọi là thày cô, học sinh xưng em. Tôi đã lớn lên trong thời kỳ nhà trường xưng em với thày cô giáo, bây giờ vẫn không sao quen được cách mà con cháu xưng hô ở trường. Bây giờ học mẫu giáo, các cô nhất loạt xưng là mẹ, gọi học trò là con, cũng không phải là hay. Mục tiêu của nhà trường chắc là muốn tỏ ra các cô giáo như mẹ hiền.”Như” thì nên gọi là cô cũng được. Một đứa trẻ dù có nhiều người xưng là mẹ, nó vẫn biết không phải mẹ nó, mà người lớn khó xưng hô. Đứa trẻ mẫu giáo xưng con cũng được, còn đến tiểu học cũng có thể chấp nhận khiên cưỡng, nhưng từ phổ thông cơ sở, lớp 6-7 đến lớn 12 mà các thày cô U30 gọi bọn 15-16 là con, có vẻ không hợp cho lắm. Mà gọi thế chỉ có tăng khoảng cách xa xôi, dễ áp dụng biện pháp trại lính, bố mẹ nói là con cấm cãi. Cải cách giáo dục, có lẽ phải cải cách chính cách xưng hô trong nhà trường.

Một thời ở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nơi công cộng người ta nhất loạt gọi nhau là đồng chí, cũng buồn cười. Trẻ già đồng chí tuốt. Rồi đến thời, công sở cũng như họ hàng, cứ chú bác, cô dì loạn cả lên, khi kiểm điểm sắp choảng nhau mới gọi nhau đồng chí. Cũng là một kiểu tự do vô lối. Công sở nên xưng ngôi thứ nhất là tôi. Chỉ có tôi mà thôi. Còn người đối thoại chỉ có 2 từ: trẻ thì anh-chị, già thì ông-bà. Thế là chuẩn mực mà sao không thể áp dụng được? Mới thấy cái sự xưng hô tưởng dễ mà khó.

Nói về chuyện cung đình phong kiến thời xưa, chuyện xưng hô được quy ước chặt chẽ, xưng hô nhầm có thể bị tội đánh roi hoặc phạt tiền, như kiểu phạt vi phạm giao thông. Chức gì tước gì thì xưng thế nào. Ví dụ Luật Hồng Đức quy định: “Thân vương xưng hô là điện hạ; tự thân vương xưng là phủ hạ; tước công, tước hầu, tước bá, phò mã và viên quan hàm nhất phẩm xưng là các hạ; viên quan hàm nhị tam phẩm xưng là môn hạ; viên quan hàm tứ, ngũ và lục phẩm xưng là đại phu; viên quan hàm thất, bát và cửu phẩm xưng là quan trưởng. Nếu người nào dám xưng hô tiếm lạm càn rỡ cùng người nhận lời xưng hô không chính đáng ấy, đều sẽ phải phạt 50 roi và 10 quan tiền”. Bây giờ có các nhà văn hẳn hoi, viết truyện lịch sử thời kỳ nhà Lê, cho nhân vật xưng hô lung tung beng, độc giả không biết, người viết cũng tưởng thế là hay.

Xưng hô thời hiện đại của Việt Nam bắt đầu đang có sự thay đổi, ngay trên tivi, ở đâu cũng gọi “quý vị”, lại còn kêu rõ to “quý vị ơi, xyz… có phải không ạ?” Thế thì “quý vị” chỉ có nghĩa như… trẻ nhỏ.

Tôi vẫn tin rằng, xưng hô là một biểu hiện văn hóa xã hội. Nếu có bề dày truyền thống, có sự đa đạng văn hóa địa phương, sao không thể kế thừa? Chính quyền có cơ quan văn hóa làm gì, nếu không làm luật xưng hô. Vua Lê Thánh Tôn không rỗi hơi quy định xưng hô trong một bộ luật của vương quốc thịnh vượng thời đó. Hoặc là vì thế mà nước cường thịnh?

Nguyễn Xuân Hưng (nhà văn)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
8 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trăm kiểu xưng hô trong tiếng Việt