Giá tràm nguyên liệu giảm sâu từ 50 – 60% khiến cho thu nhập của người trồng tràm nguyên liệu ở huyện U Minh (Cà Mau) cũng giảm đi hơn một nữa so với thời điểm trước.

Trăn trở chuyện giá tràm nguyên liệu

Trần Khải | 12/08/2022, 22:45

Giá tràm nguyên liệu giảm sâu từ 50 – 60% khiến cho thu nhập của người trồng tràm nguyên liệu ở huyện U Minh (Cà Mau) cũng giảm đi hơn một nữa so với thời điểm trước.

Hiện nay, giá tràm nguyên liệu sau khi thu hoạch ở huyện U Minh rớt giá thê thảm. Nếu như trước đây, khi đến tuổi thu hoạch, thương lái vào xem và ngã giá mỗi hec-ta trung bình từ 150 – 170 triệu đồng. Cá biệt có trường hợp 200 triệu đồng/hec-ta. Tuy nhiên, mức giá này hiện nay chỉ còn là ký ức của người trồng tràm ở xứ U Minh. Nó trượt giá không phanh đến xót xa, giảm từ 50 – 60%.

anh-1-lac-dac-co-mot-vai-phuong-tien-den-thu-mua-tram-o-xa-nguyen-phich.jpg
Lác đác có một vài phương tiện đến thu mua tràm ở xã Nguyễn Phích

Ghi nhận của PV Một Thế Giới tại khu vực xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, nơi được xem là “chợ tràm” vốn rất nhộn nhịp, tấp nập ven đường quen thuộc ngày nào giờ vắng hoe. Tại đây, tràm nguyên liệu được chất thành đống lớn dọc tuyến đường về trung tâm huyện U Minh nhưng chỉ lác đác vài phương tiện đến mua tràm.

Xa xa, có vài người khuân vác tràm vừa mới thu hoạch từ dưới ghe để chất lên bờ, chờ bán. Không khí lao động chẳng còn hăng hái, nhộn nhịp như trước đây. “Ngày trước nhộn nhịp cỡ nào, hằng ngày tấp nập phương tiện đến mua cây. Giờ vắng tanh, chẳng ai buồn ghé qua ngã giá. Tràm nguyên liệu giờ giảm hơn phân nữa so với thời điểm trước. Do đó thu nhập từ việc làm thuê của tôi cũng giảm theo. Có chỗ do bán không được nên người ta cưa củi để bán tháo. Nhìn mà xót quá!”, một người dân hành nghề khuân vác tràm mướn chia sẻ.

anh-2-cho-tram-vang-hoe.jpg
Cảnh 'chợ tràm' vắng hoe

Tương tự, ông N., một người trồng tràm lâu năm ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh ngán ngẫm: “Chưa khi nào giá tràm nguyên liệu lại rẻ như hiện nay. Ngày trước, bình quân mỗi hec-ta tràm khi thu hoạch có giá từ 160 – 180 triệu đồng. Còn hiện nay, cao nhất mỗi hec-ta chỉ được 70 triệu đồng. Mà phải trồng đến 5 năm mới thu hoạch, bán giá đó thì trừ chi phí, công chăm sóc chẳng lãi được bao nhiêu. Chắc tôi phải chuyển đổi sang trồng keo lai để bán giá cao hơn”.

Chia sẻ với PV về giá tràm nguyên liệu, ông Trần Công Mười, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận tâm tình, nói chung đời sống của người dân trên các lâm phần rừng tràm đều có cuộc sống ổn định, dư dả hơn so với thời điểm tách xã vào năm 2009. Tuy nhiên, có một thực trạng hiện nay giá tràm nguyên liệu rớt giá, giảm sâu chỉ còn khoảng 60 – 70 triệu đồng/hec-ta. Giảm hơn 50% so với thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát”.

anh-3-vi-rot-gia-nen-nong-dan-chang-man-ma-khuan-vac-len-bai-tap-ket.jpg
Vì rớt giá nên nông dân chẳng mặn mà khuân vác lên bãi tập kết

Theo ông Mười, mặc dù tràm rớt giá nhưng bù lại, người dân có thêm thu nhập khá từ việc trồng chuối trên bờ bao đất lâm phần. “Chuối hiện nay được thương lái đến tận nhà thua mua khoảng 2.200 đồng/kg. Riêng bắp chuối được mua với giá 6.000 đồng. Mỗi tháng, nông dân thu nhập 2 lần nên có nguồn thu khá. Việc trồng chuối là lấy ngắn nuôi dài, trong thời gian chờ tràm lớn thì chuối là nguồn thu nhập chính của người dân”, ông Mười cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh hạ cũng thẳng thắng nhìn nhận, khoảng 3 năm trước, thời điểm chưa có dịch COVID-19 thì tràm nguyên liệu có giá rất cao, mỗi đợt thu hoạch người trồng tràm thu tiền tỉ là bình thường. Cao điểm tràm được thương lái mua với giá khoảng 170 – 180 triệu đồng/hec-ta. Giờ giá ấy không còn, cao lắm chỉ 70 triệu đồng/hec-ta là được giá lắm rồi.

nhung-dong-tram-xep-dai-ben-duong-nhung-vang-khach-mua.jpg
Những đống tràm xếp dài bên đường nhưng vắng khách mua

Nguyên nhân giá tràm nguyên liệu giảm được ông Phước chỉ ra rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên khi phục hồi kinh tế, ngân sách không có nhiều dẫn đến thiếu vốn đầu tư nên các công trình dự án chưa được triển khai xây dựng nhiều, từ đó tràm thu hoạch nhưng không có người mua là điều tất yếu. “Cây tràm chủ yêu dùng để làm cừ, gia cố nền móng. Hiện nay, các công trình dự án không nhiều nên nhà thầu không sử dụng cừ tràm trong thi công, hoặc đã dùng các vật liệu khác thay thế. Đó là nguyên nhân khiến giá tràm nguyên liệu giảm sâu. Có nơi, người dân còn cưa làm củi để bán cho các lò nung”, ông Phước cho hay.

Điệp khúc được mùa, mất giá sao cứ quẩn quanh với người nông dân? Bao năm cần cù chăm sóc, họ chỉ mong cây khoẻ mạnh, lớn nhanh để đến ngày thu hoạch bán được giá cao. Nhưng không ai có thể ngờ rằng, thực tế đổi lại chỉ là nỗi thất vọng, bởi giá tràm nguyên liệu rớt thấp thê thảm, khiến ai cũng trăn trở khôn nguôi. Và họ chỉ ngóng trông, mong sao điệp khúc ấy đừng bám víu lấy họ, để họ còn đeo đuổi ước mơ giàu trên chính mãnh đất quê hương của mình.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trăn trở chuyện giá tràm nguyên liệu