Trong tương lai lưới điện kết nối từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore sẽ là một phần của lưới điện xanh liên kết các quốc gia Đông Nam Á.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) ngày 24.11 cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân tới Malaysia từ 21-23.11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Công ty Năng lượng tái tạo TNB.
TNB Renewables là công ty điện lực đa quốc gia của Malaysia và là công ty điện lực duy nhất tại bán đảo Malaysia. Công ty đặt ra mục tiêu và cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững tại Malaysia và trên khắp Đông Nam Á. Hiện công ty quan tâm tới việc hợp tác đầu tư trong lĩnh vực điện gió trên bờ và ngoài khơi, là lĩnh vực rất tiềm năng của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên Hoan nghênh sự quan tâm đầu tư của Công ty Năng lượng tái tạo TNB và các đối tác. Bộ trưởng khẳng định Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió vô cùng lớn với đường bờ biển hơn 3260km.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây ở độ cao 65m, tương đương công suất khoảng 512.000MW. Trong kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII cũng đã dự kiến một số nguồn điện năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới bao gồm điện gió. Những vị trí có tiềm năng xuất khẩu điện ra nước ngoài là khu vực miền Trung và miền Nam.
Bộ trưởng cho rằng trong tương lai lưới điện kết nối từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore sẽ là một phần của lưới điện xanh liên kết các quốc gia Đông Nam Á. Lưới điện xanh ASEAN sẽ kết nối các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia nhằm tăng cường kết nối lưới điện giữa các quốc gia và cung cấp năng lượng tái tạo từ các nước có thế mạnh như Việt Nam, Lào, Campuchia cho các nước có nhu cầu nhập khẩu lớn như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Do đó, Việt Nam đánh giá cao mong muốn hợp tác đầu tư của Malaysia trong lĩnh vực điện gió trên bờ và ngoài khơi. Tuy nhiên, hiện tại, việc triển khai còn có một số khó khăn do Việt Nam chưa có đầy đủ khuôn khổ pháp lý cho việc xuất khẩu điện ra nước ngoài với quy mô lớn và hình thành hệ thống lưới điện cao áp/siêu cao áp kết nối với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, sắp tới, Luật Điện lực sửa đổi sẽ giải quyết các khó khăn, vướng mắc này. Việt Nam nói chung và các địa phương có tiềm năng điện gió luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiến hành nghiên cứu, khảo sát các địa điểm tiềm năng để phát triển dự án nguồn điện năng lượng tái tạo để phục vụ cho đề án xuất khẩu điện xanh.
Về hợp tác Halal (Chứng nhận Halal là hoạt động đánh giá, xác nhận, cấp chứng chỉ cho sản phẩm đạt yêu cầu về các thành phần và đáp ứng các điều kiện theo Tiêu chuẩn Halal), đây là lĩnh vực hợp tác đã được lãnh đạo cấp cao hai nước rất quan tâm và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia đã thống nhất cần thúc đẩy trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về Thương mại Việt Nam – Malaysia tại Hà Nội tháng 7.2024.
Hợp tác trong lĩnh vực Halal có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ giúp tăng cường kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Malaysia mà còn giúp doanh nghiệp hai bên khai thác cơ hội thúc đẩy thương mại với các thị trường khác.
Trên tinh thần đó, nhân chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm, được sự phê duyệt của Bộ trưởng, Vụ Thị trưởng châu Á - châu Phi đã cùng với Cơ quan Hợp tác Halal, thuộc Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia ký Ý định thư về hợp tác Halal. Đây sẽ là văn kiện quan trọng đóng góp cho kết quả chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm và là định hướng để triển khai các hoạt động hợp tác thiết thực trong lĩnh vực này.
Chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Malaysia lần này là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi và bàn các giải pháp tăng cường thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế, thương mại và hợp tác Halal.
Bên cạnh hợp tác chính trị, trong gần 10 năm qua kim ngạch thương mại hai nước tăng từ hơn 8 tỉ USD (năm 2014) lên trên 14 tỉ USD năm 2022, tăng gần gấp đôi sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Hai bên đang phấn đấu đưa kim ngạch song phương đạt 18 tỉ USD trong thời gian tới.
Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia, lãnh đạo các bộ, ngành hai nước đã trao một số văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực, như Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại và Cơ quan Phát triển Ngoại thương Malaysia; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas).