Rắc rối xảy ra với mẫu tượng Người mẹ thắp lửa đoạt giải cuộc thi thiết kế Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa khi có hai người cùng nhận mình là tác giả của mẫu tượng này.


Tranh chấp quanh tượng Người mẹ thắp lửa

Tuoi tre | 01/04/2016, 17:15

Rắc rối xảy ra với mẫu tượng Người mẹ thắp lửa đoạt giải cuộc thi thiết kế Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa khi có hai người cùng nhận mình là tác giả của mẫu tượng này.


Mẫu tượng Người mẹ thắp lửa đoạt giải (mẫu 3D)

Trong cuộc thi thiết kế Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa (dự định xây trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) công bố hồi tháng 12.2015, kiến trúc sư (KTS) Trần Văn Dũng - giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và thiết kế BĐS Việt Tín - được công bố là tác giả của phần thiết kế kiến trúc và mẫu tượng Người mẹ thắp lửa.

Lúc đó, KTS Trần Văn Dũng cũng xác nhận ông là tác giả của mẫu tượng trên. Tuy nhiên, rắc rối nảy sinh khi điêu khắc gia (ĐKG) Lâm Quang Nới lên tiếng rằng phía Công ty Việt Tín của KTS Dũng đã mời ông giúp sáng tác cho phần mẫu tượng. Cho nên, ông mới chính là tác giả của mẫu tượng này.

Sau đó, ông Lâm Quang Nới có gửi văn bản đến Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN - chủ đầu tư của công trình - đề nghị “cải chính tên tác giả”.

Đầu tháng 3.2016, LĐLĐ VN cũng tổ chức một cuộc hòa giải giữa KTS Trần Văn Dũng và ĐKG Lâm Quang Nới. Tuy nhiên, tranh chấp này vẫn khó có thể hòa giải...

Không ai chịu ai

Theo tường trình của cả ĐKG Lâm Quang Nới và KTS Trần Văn Dũng, trước đây hai người có quen biết nhau. Khi gặp tham gia cuộc thi thiết kế Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa, hai bên thỏa thuận là KTS Dũng thiết kế giúp ông Nới phần kiến trúc cho hai đồ án mà ông Nới dự thi.

Đổi lại, ông Nới thiết kế giúp ông Dũng phần mẫu tượng đài dự thi. Kết quả là hai đồ án của ông Nới bị trượt, còn đồ án của KTS Dũng đoạt giải.

Khi ông Nới lên tiếng đòi quyền tác giả mẫu tượng, Công ty Việt Tín của KTS Dũng đã có thư giải trình với LĐLĐ VN. Trong thư, KTS Dũng dẫn ra rằng ĐKG Lâm Quang Nới thực hiện mẫu tượng trên ý tưởng và thiết kế 3D của ông. Và quan hệ giữa Công ty Việt Tín và ông Nới được điều chỉnh theo Luật lao động với hình thức hợp đồng ngắn hạn bằng thỏa thuận miệng.

Cho nên, mẫu tượng được hoàn thành “dựa trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ hoặc hợp đồng giao việc”. Từ đó phủ nhận quyền tranh chấp tác giả của ĐKG Lâm Quang Nới.

KTS Dũng cũng trình bày quá trình ông ra đảo Lý Sơn để lấy ý tưởng. Những mẫu phác thảo người mẹ cầm đèn biển lúc đầu của ông có tham khảo tượng phụ nữ cầm đèn biển như Seaward (Na Uy), Lady of the sea (Mỹ)... nhưng sau đó ông tiếp tục tham vấn họa sĩ Phan Trọng Văn để có ý tưởng mẫu tượng thích hợp nhất.

ĐKG Lâm Quang Nới - người đã có bề dày trong ngành điêu khắc tượng đài với những tác phẩm nổi tiếng như Chiến thắng Bình Giã, Bà mẹ Thủ Đức, tượng Bác Hồ - Bác Tôn, tượng Bác Hồ trước UBND TP.HCM, gần đây nhất là tượng đài Các chiến sĩ Gạc Ma đang thi công... thì đưa ra ý kiến phản bác:

“Phía ông Dũng nói rằng họ có ý tưởng thì quyền tác giả của họ, tôi xin thưa rằng pháp luật sở hữu trí tuệ không bảo hộ ý tưởng. Tôi chính là người đã nặn nên mẫu tượng đó, vậy chính tôi phải là tác giả. Thỏa thuận lúc đầu hai bên cũng vậy, tôi lo phần tượng.

Còn nói Công ty Việt Tín thuê tôi bằng hợp đồng giao việc ngắn hạn thì tôi chỉ thấy buồn cười. Tôi là người mà cả đời gắn tên tuổi với công việc làm tượng đài, đến nay là tác giả của trên 50 tượng đài khắp cả nước.

Còn ông Dũng là KTS, có kinh nghiệm làm tượng đài nào chưa mà bỗng chốc qua một cuộc thi trở thành tác giả thắng giải!”.

Trước lý lẽ của ĐKG Nới, KTS Dũng nói rằng ông biết làm tượng, là một trong những người đầu tiên đưa tượng vào kiến trúc ở TP.HCM:

“Trước đây, tôi từng làm tượng Ngọn lửa vĩnh hằng ở trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa. Tôi từng làm tượng cá sấu, kỳ đà... trong sở thú, tượng khủng long ở công viên Phú Lâm, tượng Lê Quý Đônở Trường THCS Lê Quý Đôn. Chỉ là tôi không làm lĩnh vực tượng đài danh nhân như ông Nới thôi!”.

Mẫu tượng Bà mẹ thắp lửa mô hình thép rỗng (vẽ 3D)

Nếu tranh chấp thì được thay tượng mới hay không?

Theo KTS Trần Văn Dũng, “hội đồng nghệ thuật cuộc thi phần lớn là KTS. Có anh Vi Kiến Thành (cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm), anh Uyên Huy (chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM) nhưng các anh là họa sĩ, không phải là ĐKG. Cho nên, hội đồng chỉ chấm về mặt ý tưởng, bố cục, phần tượng chưa tính. Sau này đến phần tượng sẽ có một hội đồng riêng gồm các ĐKG”.

Ông Dũng cũng không giấu giếm khi cho biết công ty ông đang làm một mẫu tượng khác thay cho mẫu tượng đang tranh chấp với ông Nới.

Câu hỏi đặt ra là khi một đồ án được chấm giải (bao gồm phần kiến trúc và phần tượng) thì đơn vị thắng giải có quyền thay thế tượng đã chấm bằng một mẫu tượng khác hay không?

Họa sĩ Uyên Huy - thành viên hội đồng nghệ thuật - cho hay:

“Trên nguyên tắc là không. Điều đó không được phép. Có thể chỉnh sửa, nhưng phải là mẫu tượng đó, bố cục đó, tư thế đó... Nếu thay thế bằng một mẫu tượng khác thì hoàn toàn không được”.

Bình luận thêm về câu chuyện tranh chấp này, họa sĩ Uyên Huy cho rằng: “Tôi thấy cả anh Dũng và anh Nới đều có lỗi vì không nói đó là mẫu tượng anh Nới có tham gia làm ngay từ đầu!”.

Tiếp tục trao đổi với ông Trần Thanh Hải - phó chủ tịch LĐLĐ VN, ông cho biết liên đoàn đã tổ chức hòa giải cho hai bên. Vì đây là công trình mang ý nghĩa thiêng liêng nên ông vẫn ưu tiên và mong muốn sự hòa giải giữa ông Nới và ông Dũng. Trong thời gian này ông không thể cho biết gì thêm!

Theo Quang Thi/ TTO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh chấp quanh tượng Người mẹ thắp lửa