Rất khó để tất cả mọi người có thể thực hiện lối sống bền vững. Nhưng hoàn toàn có thể nếu họ áp dụng lối sống này trên nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hằng ngày và cam kết thực hiện lâu dài.

Trào lưu mặc quần áo cũ để bảo vệ môi trường, theo đuổi lối sống bền vững

Nhật Hạ | 31/10/2023, 18:00

Rất khó để tất cả mọi người có thể thực hiện lối sống bền vững. Nhưng hoàn toàn có thể nếu họ áp dụng lối sống này trên nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hằng ngày và cam kết thực hiện lâu dài.

Khi mọi người chuyển từ thành phố đến vùng nông thôn hoặc ngược lại, họ cần thay đổi tủ quần áo của mình. Thay đổi không gian sống khiến quần áo chúng ta mặc không còn phù hợp với cuộc sống mới. Điều này cũng đúng trong tình hình khủng hoảng khí hậu.

Bối cảnh hiện tại của chúng ta đã thay đổi, kinh tế "hậu COVID-19" đang khó khăn, biến đổi khí hậu đang thay đổi nhanh chóng. Khi quyết định mua món đồ hay vật dụng gì, ngay cả quần áo, chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn về giá trị của nó hơn là tính mới mẻ hay phù hợp sở thích của chúng ta.

Như Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) tuyên bố, nếu chúng ta muốn có hy vọng tránh được một thế giới quá nóng và khó sống thì cần phải làm mọi thứ có thể, ngay bây giờ, để cắt giảm phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển.

Ngành công nghiệp thời trang đóng góp tới 10% lượng khí thải toàn cầu – nhiều hơn cả lượng khí thải hàng không và vận tải thế giới cộng lại. Nó cũng góp phần làm mất đa dạng sinh học, ô nhiễm, gây ra vấn đề về chôn lấp, môi trường làm việc không an toàn...

Vì vậy, thời trang là lĩnh vực mà những lựa chọn của chúng ta ảnh hưởng lớn đến môi trường. Mặc dù hành động của cá nhân sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề trên nhưng nó sẽ giúp ích khi tất cả chúng ta hướng tới sự thay đổi để sống thân thiện với môi trường.

Bài học từ thời chiến

Đây không phải là lần đầu tiên mọi người điều chỉnh cách ăn mặc của mình để đối phó trước nguy cơ từ một cuộc khủng hoảng. Trong Thế chiến thứ II, phong cách quần áo đã thay đổi ở Vương quốc Anh và Úc. Để tiết kiệm những nguồn tài nguyên quý giá, váy được may ngắn hơn, chi tiết tối giản và tập trung vào tiện ích đã trở thành tiêu chuẩn thời kỳ đó. Mọi người thay đổi thẩm mỹ của mình vì tình hình khi đó rất nghiêm trọng và họ muốn “góp phần nhỏ bé của mình” để giúp đỡ tiền tuyến. Đây là một điều cần thiết chung trong thời kỳ nguy nan. Phản ứng thời chiến phản ánh những ưu tiên và giá trị của toàn xã hội cũng như của hầu hết mọi người trong đó. Nói cách khác, mua ít hơn, sửa chữa và tận dụng những gì đã có là một phần của hệ thống giá trị góp phần vào chiến thắng của Đồng minh.

Trong tiểu thuyết và các tác phẩm văn học cùng thời, việc đó được mô tả là không hề dễ dàng và có thể gây chán nản. Tuy nhiên, công chúng nói chung vẫn nhất trí rằng điều đó là cần thiết. Cam kết chung của xã hội đối với nỗ lực chiến tranh đã trở thành một giá trị khiến cho sự hy sinh cá nhân trở nên xứng đáng và thỏa đáng.

anh-man-hinh-2023-10-31-luc-14.09.03.png
Thời trang của phụ nữ trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới II - Ảnh: Imperial War Museum IWM (D 2937), CC BY-NC

Hãy mua sắm ít hơn 

Trong bối cảnh hiện tại, điều hữu ích nhất chúng ta có thể làm là ít mua sắm quần áo mới hơn và mặc chúng lâu hơn.

Người Úc hiện mua rất nhiều quần áo, trung bình khoảng 56 món mỗi năm. Điều đó khiến người Úc trở thành người tiêu dùng hàng dệt may cao thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ và cao hơn 60% so với mức mua cách đây 15 năm. Giá quần áo đã giảm đáng kể trong vài thập niên qua và số lượng quần áo mọi người có trong tủ ngày càng tăng. Nếu chúng ta bớt chạy theo sự mới mẻ và thời trang mà chuyển sang tư duy về sự tối giản, chỉ mua sắm vừa đủ, chúng ta có thể trải nghiệm nhiều hơn về những bộ quần áo đã qua sử dụng, đã được chỉnh sửa...

Đó là một cảm giác rất thoải mái khi mặc lại một bộ quần áo cũ đã mềm mại theo năm tháng và được giặt đi giặt lại nhiều lần. Chúng ta có thể cảm thấy vui khi kéo dài tuổi thọ của quần áo thông qua việc sửa chữa một cách sáng tạo, đặc biệt khi điều đó phù hợp với các giá trị sống của mình, và chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho những việc khác. 

Viện Nóng hoặc Mát (Hot or Cool Institute) có trụ sở tại Berlin (Đức) gợi ý rằng một tủ quần áo gồm 74 bộ quần áo (gồm cả giày không tính đồ lót) thường là đủ cho những người sống ở vùng có khí hậu 2 mùa (ở vùng nhiệt đới) và 85 món đồ cho những người sống ở vùng có khí hậu có 4 mùa (ở vùng ôn đới).

Nếu chúng ta mua từ 10 - 12 món đồ mới mỗi năm, chúng ta có thể thay thế toàn bộ tủ quần áo của mình trong khoảng 7 năm. Mua đồ cũ thay vì mới thậm chí còn tốt hơn vì nó không làm tăng thêm lượng khí thải phát sinh trong sản xuất. Lưu ý là nếu chúng ta mua đồ cũ, chúng ta cũng không nên mua nhiều hơn mức mình cần.

Lựa chọn quần áo phù hợp 

Để sống một cuộc sống đích thực và thỏa mãn theo những cách sâu sắc và có ý nghĩa, chúng ta cần phải thành thật với chính mình. Trong trường hợp tủ quần áo, chúng ta nên đánh giá những lựa chọn của mình trong mối tương quan với những giá trị mà chúng ta nắm giữ. Và nếu chúng ta quan tâm đến việc sống thân thiện với môi trường, chúng ta cần thay đổi thói quen không còn phù hợp với cuộc khủng hoảng khí hậu.

anh-man-hinh-2023-10-31-luc-14.09.18.png
Trào lưu mua quần áo đã qua sử dụng được xem là giải pháp tốt cho hành tinh của chúng ta - Ảnh: AAP

Trên hết, lựa chọn quần áo phù hợp với việc duy trì sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ (so với thời tiền công nghiệp) sẽ có tác động nhỏ và chậm nhưng có ảnh hưởng quan trọng đến môi trường trong tương lai.

Và cuối cùng, chúng ta cần tất cả những người quan tâm đến biến đổi khí hậu để hiểu rằng chính chúng ta - những người tiêu dùng đang là thủ phạm, chỉ với việc mặc quần áo.

Andy Mulcahy, Giám đốc chiến lược và chuyên sâu của Hội bán lẻ trực tuyến IMRG của Vương quốc Anh từng nói rằng: “Nếu muốn có một ngành công nghiệp thời trang bền vững đúng nghĩa, bạn phải khiến mọi người mua ít quần áo hơn, đó là tất cả những gì cần làm. Thế nhưng chúng ta đang không có văn hóa hoặc hệ thống cho nó. Các doanh nghiệp lại được vinh danh khi họ bán được nhiều hơn, kiếm được nhiều tiền hơn và họ sẽ không ngừng làm điều đó.”
Mặt khác, về phương diện văn hóa, mạng xã hội vẫn khiến chúng ta quay cuồng với việc phải có ‘outfit of the day’ (#ootd). Có một áp lực vô hình rằng mình phải trông thật mới mẻ, hấp dẫn mỗi khi đăng ảnh mới.
“Nếu những người nổi tiếng chuyển sang mặc những bộ quần áo giống nhau thường xuyên hơn và mua sắm ít hơn, đồng thời truyền bá thông điệp đó, thì chúng ta sẽ thấy nhiều sự thay đổi hơn”, Mulcahy chia sẻ thêm.

Nguồn: Vietcetera

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
33 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trào lưu mặc quần áo cũ để bảo vệ môi trường, theo đuổi lối sống bền vững