Theo đánh giá của giới chuyên gia, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ tích cực hơn so với năm 2020 khi triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Triển vọng kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vắc xin COVID-19

Tuyết Nhung | 05/03/2021, 05:47

Theo đánh giá của giới chuyên gia, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ tích cực hơn so với năm 2020 khi triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống, xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, triển vọng kinh tế thế giới 2021sẽ tích cực hơn so với năm 2020 khi các quốc gia triển khai tiêm đại trà vắc-xin ngừa COVID-19. Theo đó, WB và IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 4-5% trong kịch bản tích cực.

Trong kịch bản bất lợi, nếu tình trạng lây lan của đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp hoặc các chiến dịch tiêm chủng vắc xin bị đình trệ, tăng trưởng toàn cầu sẽ chỉ ở mức 1,6%. Thương mại toàn cầu sẽ khởi sắc hơn so với năm 2020, dự báo đạt mức tăng tưởng 7,2-8%.

Triển vọng kinh tế phụ thuộc nhiều vào vắc xin COVID-19

Trong nước, tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và lô vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên về đến Việt Nam đã mở ra một "bức tranh" kinh tế tươi sáng cho Việt Nam trong năm 2021.

Trao đổi với PV Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế tài chính - TS Cấn Văn Lực cho biết ngày 24.2 vừa qua, lô 117.600 liều vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam và Chính phủ đã có Nghị quyết số 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, trong đó xác định các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin, cơ chế mua và phân phối vắc xin trong cả nước.

vac-xin-covid-19(1).jpg
Lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên về Việt Nam - Ảnh: Internet

TS Cấn Văn Lực cho rằng: "Việc triển khai vắc xin trong thời gian tới là yếu tố quan trọng góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021".

Cụ thể với hoạt động bán lẻ, TS Lực cho biết tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ ước tính đạt 904.500 tỉ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến hoạt động tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh hơn nhờ dịch bệnh dần dược kiểm soát và việc tiêm vắc xin trong thời gian tới nhưng chưa thể trở lại mức của thời kỳ trước dịch COVID-19.

Trong khi đó, sản xuất công nghiệp cũng được dự báo tiếp tục đà phục hồi. 2 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận điều này đã chứng minh cho sự phục hồi của ngành sản xuất công nghiệp.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%; riêng ngành khai khoáng tiếp tục giảm 11%. Điều này cho thấy cơ cấu tăng trưởng của các ngành sản xuất công nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát triển “xanh” hơn. Bên cạnh đó, chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 2 tăng nhẹ (đạt 51,6 điểm từ mức 51,3 điểm tháng trước). Điều này cho thấy sản xuất chưa bị tác động nhiều bởi việc tái phát dịch COVID-19.

Không chủ quan với lạm phát

Năm 2021, lạm phát được vị chuyên gia này dự báo sẽ tăng trở lại nhưng được kiểm soát tốt nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và bình ổn giá.

"Trong năm 2021, dù không có hiện tượng tăng giá đột biến song Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu. Và trong nước, với đà phục hồi kinh tế khiến giá hàng hóa cơ bản và giá dầu tăng trở lại cùng với lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Mức tăng chỉ của CPI tháng 2 là mức cao nhất trong vòng 8 năm và lạm phát cơ bản bình quân hai tháng đầu năm tăng 0,64% so với cùng kỳ năm 2020, cho thấy áp lực lạm phát đã bắt đầu nhen nhóm. Vì vậy, Việt Nam không thể chủ quan với lạm phát năm nay", TS Lực nhấn mạnh.

Mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, khó lường và không thể chủ quan, nhất là khi có thể phải tới giữa năm 2022, Việt Nam mới có thể đạt được mức miễn dịch cộng đồng (tiêm chủng đạt trên 60-70% người dân). Do đó, trong năm 2021, Việt Nam vẫn phải sống chung với dịch bệnh trong trạng thái “bình thường mới”.

vac-xin-covid-19-1.jpg
Lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên về Việt Nam - Ảnh: Internet

Trước tình hình trên, TS Lực đề xuất Chính phủ cần tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép, trong đó nhiệm vụ phòng chống dịch COVID- 19 hiệu quả vẫn là ưu tiên hàng đầu, bởi đó cũng là điều kiện tiên quyết đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài liên quan
Tiêm đại trà vắc xin COVID-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội Đảng 13
Tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm chủng đại trà vắc xin COVID-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển KT-XH, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
15 phút trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển vọng kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vắc xin COVID-19