Triều Tiên cho biết họ đang tham gia vào cuộc đua phát triển vắc-xin phòng chống COVID-19, một cuộc đua nóng trên toàn cầu hội tụ các bộ óc tốt nhất trong ngành y trên thế giới và các quỹ lên tới hàng tỉ USD.

Triều Tiên chạy đua tìm vắc-xin COVID-19: Ngạc nhiên và không thể xem thường

21/07/2020, 07:22

Triều Tiên cho biết họ đang tham gia vào cuộc đua phát triển vắc-xin phòng chống COVID-19, một cuộc đua nóng trên toàn cầu hội tụ các bộ óc tốt nhất trong ngành y trên thế giới và các quỹ lên tới hàng tỉ USD.

Triều Tiên rất chú trọng phát triển khoa học

Sự ngạc nhiên không hề nhẹ

Nếu thông tin từ Ủy ban Khoa học và Công nghệ Nhà nước Triều Tiên đáng tin, các thử nghiệm lâm sàng cho ứng cử viên vắc-xin tại Triều Tiên đã được tiến hành – và hiện đang tranh luận về cách tiến hành giai đoạn thứ ba, liên quan đến thử nghiệm trên người.

Đối với thế giới bên ngoài, tuyên bố của Triều Tiên có thể xuất hiện đáng ngạc nhiên.

Cuộc đua phát triển vắc-xin cho một dịch bệnh đã lây nhiễm gần 14,5 triệu người và khiến hơn 605.000 người trên toàn cầu tử vong là một trong những thách thức khoa học và công nghệ đáng sợ nhất mà thế giới phải đối mặt trong đương đại. Nó có thể sẽ tiêu tốn một khoản tiền lớn, và các quốc gia đang đầu tư mạnh mẽ để khẳng định vị thế dẫn đầu trong khoa học và niềm tự hào dân tộc.

Tuy nhiên, Triều Tiên bị đánh giá là một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe tồi tàn nhất hành tinh và trong nhiều thập kỷ, họ đã nhờ đến sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cung cấp cho người dân vắc-xin tiêm chủng.

Sau đó, có một thực tế là Bình Nhưỡng đã không công khai thừa nhận bất kỳ sự lây nhiễm nào trong nước. Vậy tại sao một quốc gia không báo cáo bất kỳ một trường hợp nhiễm COVID-19 nào và đang ở trong tình trạng kinh tế khó khăn lại tốn thời gian, tiền bạc và nguồn lực để phát triển vắc-xin?

Không có câu trả lời dễ dàng, nhưng rất có thể đó là sự kết hợp giữa nỗi lo ngại thực sự về COVID-19 cũng như một nỗ lực để thuyết phục người dân Triều Tiên rằng chính quyền sẽ đứng lên hành động để bảo vệ người dân của mình.

Triều Tiên là một trong những quốc gia đầu tiên coi Covid-19 là mối đe dọa nghiêm trọng và có lý do chính đáng để lo xa: hầu hết các chuyên gia tin rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ sẽ nhanh chóng bị quá tải nếu xảy ra đại dịch. Nhiều cơ sở y tế của Triều Tiên không được cung cấp điện hoặc nước máy ổn định. Thuốc và các thiết bị y tế khác cũng thường bị thiếu.

Năng lực xét nghiệm cũng có vẻ là một vấn đề. Theo thông tin từ đại diện của WHO tại Triều Tiên, Bác sĩ Edwin Salvador thì tính đến đầu tháng 7, chỉ có 922 người ở quốc gia có khoảng 25 triệu người đã được xét nghiệm coronavirus,

Trong một email vào thời điểm kể từ khi đại dịch bắt đầu, Salvador cho biết 25.551 người đã bị cách ly ở Triều Tiên và sau đó được thả ra. Hiện có 255 người Triều Tiên vẫn đang bị cách ly tính từ ngày 3.7.

Nhiều chuyên gia y tế độc lập tỏ ra ngạc nhiên với việc Triều Tiên tuyên bố không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào. Các chuyên gia đánh giá coronavirus có khả năng lây nhiễm rất cao và e rằng chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào Triều Tiên mà không bị phát hiện.

Nhưng ở góc độ khác, Triều Tiên rất thích hợp để ngăn chặn các ổ dịch khỏi lan rộng, vì họ có thể nhanh chóng ban hành các biện pháp phong toả mà các quốc gia khác chậm tiến hành hơn. Triều Tiên có thể dễ dàng kiểm soát người nhập cảnh thường chỉ là một số ít khách du lịch, nhà ngoại giao và nhân viên hoạt động nhân đạo còn công dân của họ được kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển trong nước. Những người đào thoát nói người Triều Tiên bình thường muốn đi sang tỉnh khác cần phải xin phép chính quyền địa phương.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un hồi đầu tháng này đã khẳng định rằng những nỗ lực của đất nước ông trong cuộc chiến chống đại dịch đã "thành công rực rỡ", nhưng cảnh báo các quan chức dưới quyền không được tự mãn vì cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu vẫn chưa thuyên giảm.

Không thể coi thường đất nước phát triển được vũ khí hạt nhân

Vẫn chưa rõ về một ứng cử viên vắc-xin nặng ký nào được sản xuất trong chiến lược chống dịch bệnh của Triều Tiên, một đất nước khét tiếng về giữ bí mật với bên ngoài..

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng phải thừa nhận họ đi sau trong cuộc đua vắc-xin rất nóng bỏng trên toàn cầu. Theo danh sách do WHO biên soạn vào thứ tư tuần trước, đã có hơn 140 loại vắc-xin ứng cử viên có triển vọng ở giai đoạn tiền lâm sàng và 23 loại đã bước vào các thử nghiệm lâm sàng. Một số công ty dược phẩm khổng lồ đứng sau các loại vắc-xin này có tài sản còn cao hơn toàn bộ nền kinh tế của Triều Tiên.

Do vậy, xét về mặt tài chính, việc thúc đẩy vắc-xin của Triều Tiên không có gì đáng để ý. Tuy nhiên, tiềm năng kỹ thuật của Triều Tiên sẽ cho thấy những điều khác.

Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên thừa hưởng công nghệ tiên tiến, công nghiệp hóa từ thời kỳ Nhật Bản đô hộ. Hầu hết các tài nguyên thiên nhiên mà người Nhật muốn tại bán đảo Triều Tiên nằm ở phía bắc, đó là lý do tại sao họ xây dựng các nhà máy ở đó còn phía nam là nơi mà Nhật trước đây quy hoạch cho phát triển nông nghiệp.

Bản thân các nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn ôm mộng trở thành một cường quốc công nghệ toàn cầu dưới ánh sáng tinh thần “chủ thể” (Juche) - thường được định nghĩa là "tự lực" nhưng cũng mang hàm ý trừu tượng về niềm tin mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa là sự vượt trội của con người Triều Tiên. Chính vì vậy, họ đầu tư nguồn lực lớn cho khoa học kỹ thuật.

Trong thời kỳ xung đột với Hàn Quốc hoặc Mỹ, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ là ví dụ rõ ràng nhất về điều này. Họ là một trong tám quốc gia từng thử vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Triều Tiên cũng tự phát triển các loại tên lửa đạn đạo tầm xa mà rất ít quốc gia trên thế giới hiện nay chế tạo được.

Triều Tiên cũng khoe những thành tựu đáng tự hào mà chỉ KCNA mới đưa tin rộng rãi như một loại khoai tây mới được phát triển vào tuần trước và việc nhân giống 10 loại rau mới, "ngon" và "năng suất cao". Vào tháng 6, KNCA đưa tin về đập thuỷ điện "hàng đầu thế giới"; những tiến bộ mới trong nuôi cá hồi cầu vồng; nhân giống một loài cá vàng mới; phát minh công nghệ mới tại nhà máy bia Taedonggang; và sản xuất một đèn cực tím mới tốt hơn so với hàng nhập khẩu.

Tất nhiên, việc sản xuất vắc-xin Covid-19 có thể sẽ khó khăn hơn nhiều so với bất kỳ loại nào. Tính đến chiều thứ hai, KCNA vẫn chưa chính thức loan báo về các nỗ lực phát triển vắc-xin của Triều Tiên và tuyên bố duy nhất về tham vọng này đến từ một trang web của chính phủ. Vì sao KNCA chưa đưa tin về “bom tấn” này cũng là điều khó hiểu.

Anh Tú (theo CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triều Tiên chạy đua tìm vắc-xin COVID-19: Ngạc nhiên và không thể xem thường