Trang Bloomberg khẳng định chính quyền Mỹ cần tích cực chống ván cờ vây lâu dài để thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc, nếu như Mỹ muốn duy trì tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Á.

Trung Quốc chơi ván cờ vây lâu dài để thâu tóm Biển Đông

09/06/2018, 15:06

Trang Bloomberg khẳng định chính quyền Mỹ cần tích cực chống ván cờ vây lâu dài để thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc, nếu như Mỹ muốn duy trì tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Á.

Dân Hàn Quốc theo dõi cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Triều - Trung - Ảnh: AP

Cờ vây là môn cờ cổ xưa ở Trung Hoa, là một trong "tứ nghệ" cầm - kỳ - thi - họa. Như tên gọi, cờ vây là bao vây, nếu một trong hai người chơi chiếm nhiều “đất” của đối phương thì thắng ván cờ vốn có nhiều nước đi hơn cả cờ vua.

Người chơi giỏi giống tướng tài ra trận đánh giặc, bàn cờ là chiến địa và mục tiêu là chiếm lãnh thổ. Như vậy, người chơi đẳng cấp cao phải giỏi, tính đến tất cả các nước đi phức tạp và biết quý trọng từng quân cờ.

Theo Bloomberg ngày 8.6 (giờ Mỹ), việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12.6 tới là một nước cờ trong ván cờ vây của Bắc Kinh, mặc kệ hai ông Trump - Kim sẽ lo “chiếu tướng” nhau, trong một cuộc gặp giữa hai vị lãnh đạo có tính khí không thể đoán trước được, và là một cuộc gặp được đưa tin rầm rộ nhưng chưa thể rõ sẽ có kết quả thế nào.

Mục tiêu chính của ván cờ vây là "cướp ngôi báu" để làm bá chủ Biển Đông

Như đã nêu, chơi cờ vây cần có chiến lược dài hơi, tiến hành tinh vi để đối phương khó thể đoán ra chiến lược, cũng giống như trọng tâm chiến lược thật sự của Trung Quốc ở Đông Á không phải là bán đảo Triều Tiên, dù đây cũng là một khu vực quan trọng.

Theo Bloomberg, “ngôi báu” đích thực cần phải chiếm trong ván cờ vây của Bắc Kinh chính là Biển Đông vốn được cho là có hàng triệu thùng dầu thô và rất nhiều nguồn khí tự nhiên, đồng thời là một tuyến đường biển quan trọng. Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển Đông, có nghĩa làm chủ mọi thứ, từ không phận, hải phận cho đến nguồn năng lượng dưới Biển Đông.

Trung Quốc từng dẫn những lý do để khẳng định “có chủ quyền Nam Hải từ ngàn xưa”, cách gọi Biển Đông của Bắc Kinh. Nhưng các nước trong khu vực phản đối và hồi năm 2017, Tòa án trọng tài The Hague đã bác tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc.

Nhưng Bắc Kinh không chịu chấp nhận thất bại pháp lý này, họ đã làm mọi cách để thực hiện tuyên bố chủ quyền, như đưa tàu chiến và tàu đánh cá đến Biển Đông thách thức tàu mang cờ nước ngoài, phản đối tàu chiến - máy bay Mỹ và đồng minh đi qua Biển Đông, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo và đang đóng tàu sân bay nhằm quyết tâm chiếm Biển Đông.

Vẫn theo Bloomberg, Trung Quốc có 3 mục tiêu chiến lược cấp thiết dưới đây:

1. Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Biển Đông để sở hữu nguồn dầu - khí.

2. Trung Quốc muốn củng cố tầm ảnh hưởng ở các nước láng giềng, đặc biệt là thu hồi Đài Loan (nếu cần thiết thì phải dùng vũ lực quân sự) và tìm một đối tác nổi bật ở Philippines hoặc Việt Nam.

3. Trung Quốc muốn tiếp tục chia rẽ hai miền Triều Tiên, để Bắc Kinh vẫn duy trì ảnh hưởng với miền Bắc, đồng thời kiềm chế tầm ảnh hưởng của Mỹ ở miền Nam.

Bắc Kinh sẽ tranh thủ cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều để thực hiện các tham vọng trên. Đối với Trung Quốc, kết quả tốt nhất của cuộc gặp là một thỏa thuận, trong đó gạt ý tưởng Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân một tương lai thật xa, nhằm bảo đảm sự tồn tại thật lâu cho chính quyền ông Kim và duy trì tình trạng chia rẽ Triều Tiên với Hàn Quốc.

Trong chiến lược này cũng bảo đảm việc cần Trung Quốc nhanh chóng trở lại bàn đàm phán với Mỹ -Triều (hoặc có thêm Hàn Quốc tham gia). Bắc Kinh cũng sẽ sử dụng tầm ảnh hưởng trên Triều Tiên, để giúp ông Trump có được một dạng thắng lợi bề ngoài, sau đó dẫn đến việc Bắc Kinh kiểm soát Bình Nhưỡng.

Chính quyền Mỹ phải làm gì để duy trì ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương?

Theo đúng lời nhận xét của ông Trump: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một tay chơi bài poker có đẳng cấp cao. Mỹ sẽ đối mặt một số khó khăn. Vì ông Kim sẽ không sớm đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân, và nhằm đạt được ngoại giao với Bình Nhưỡng, Nhà Trắng sẽ phải có chút nhượng bộ về yêu sách Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân lập tức. Nhưng cái giá của kịch bản này sẽ là sự nhượng bộ Trung Quốc.

Theo Bloomberg, ông Trump cần phải tránh nhượng bộ chuyện Biển Đông để đổi lấy một thỏa thuận kém giá trị với Triều Tiên, vì nếu làm thế sẽ cho Trung Quốc có lợi thế rất lớn trên khu vực Biển Đông.

Thay vào đó, Mỹ cần kiên quyết phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Biển Đông, và tiếp tục cử tàu chiến - máy bay tiến hành các cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP), cũng như hợp tác chặt chẽ với các đồng minh thân cận - nhất là Úc, Nhật Bản và Ấn Độ - cũng như phải kiên quyết niêm phong cả vũ khí hạt nhân lẫn chương trình tên lửa đạn đạo của ông Kim.

Theo Bloomberg, đó là một chương trình hành động lớn nhưng có thể thực hiện, để phá thế cờ vây của Trung Quốc nhằm đạt mục tiêu chiếm trọn Biển Đông.

Trong khi đó, các nhà phân tích nói chớ vội nghĩ điều dễ dãi này: nếu hai ông Trump - Kim kiến tạo hòa bình và đồng ý phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên, thì toàn khu vực Đông Á có lợi, kể cả Bắc Kinh không còn phải lo ngại bùng nổ chiến tranh ở nước láng giềng, Triều Tiên được dở bỏ cấm vận và sẽ tiến vào thời kỳ ổn định.

Ngược lại, các nhà phân tích an ninh châu Á cảnh báo Trung - Triều về những hậu quả ngoài ý muốn. Nhà nghiên cứu Corey Wallace thuộc Đại học Freie (Đức) nói: “Sự ổn định ở bán đảo Triều Tiên có thể có nghĩa Mỹ tự do hơn trong việc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc”.

Sự cạnh tranh này càng lên cao, khi Mỹ - Trung đang căng thẳng từ việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông.

Trong bài phát biểu ở Diễn đàn đối thoại Shangri-La 2018 (SLD) hồi cuối tuần qua ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố: “Bất chấp Trung Quốc nói điều ngược lại, việc dàn các loại vũ khí này liên quan trực tiếp việc sử dụng quân sự nhằm dọa nạt, o ép” các nước trong khu vực.

Bộ trưởng Mattis còn nói chính phủ Mỹ quyết định hủy lời mời Trung Quốc dự RIMPAC 2018 (tổ chức mùa hè này) là “phản ứng ban đầu”, nhưng trong tương lai, Trung Quốc có thể phải đối mặt với những trừng phạt mạnh mẽ hơn.

Lầu Năm Góc nói hành động khiêu khích của Trung Quốc đã gây căng thẳng ở vùng Biển Đông, nhiều năm sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình hứa không quân sự các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Wallace cùng các nhà phân tích khác nói: giảm căng thẳng ở Triều Tiên sẽ “thả tự do” cho hàng chục ngàn quân Mỹ đang đóng ở Hàn Quốc để bảo vệ nước này. Nhưng họ sẽ không về nước, mà sẽ được đưa đến nhiều vùng ở châu Á -Thái Bình Dương như Nhật, Singapore, Úc và Philippines, nhằm phòng chống tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

Các nhà phân tích còn nói khi bỏ được mối lo ngại Triều Tiên, Mỹ có thể giúp Nhật xử lý vụ tranh chấp quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông (Trung Quốc cũng đòi chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư) hoặc thậm chí có thể bảo vệ Đài Loan khỏi bị Trung Quốc đánh chiếm.

Và khi bảo vệ được các đồng minh, Mỹ có thể kéo thêm nhiều nước vào quỹ đạo của mình, khi Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng khắp châu Á.

Nhà phân tích Sam Roggeveen của Viện Lowy (Úc) nói chính vì Mỹ bận bịu với vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc đã có thể tiếp tục những hành động hung hăng trên Biển Đông, gây sức ép ngoại giao và tập trận quanh Đài Loan, và Trung Quốc còn thách thức Nhật để đòi chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như hiện đại hóa quân đội, lập quan hệ kinh tế sâu sắc quanh châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Roggeveen còn nói hiện Trung Quốc xem chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là “công cụ có ích phục vụ mục tiêu lớn hơn”, chính là phá hoại và chiếm đoạt quyền lực chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Nhà phân tích cao cấp Timothy Heath của tổ chức nghiên cứu RAND Corp (Mỹ) nói Bắc Kinh cũng cần cảnh giác đồng minh lâu năm Bình Nhưỡng sẽ không nghiêng hẳn về người bạn Mỹ mới có: “Sự thân thiện này có thể làm hại quyền lợi Trung Quốc, nếu Triều Tiên bắt đầu quyết định ưu ái Mỹ hơn Trung Quốc để duy trì quan hệ. Như mọi quốc gia ở châu Á, Triều Tiên muốn lập quan hệ ấm nồng hơn với Mỹ, để chống lại quyền lực Trung Quốc”.

Ví dụ: Triều Tiên có thể thương lượng thương mại với Mỹ và phương Tây tốt hơn so với những gì họ nhận được từ Trung Quốc vốn hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng.

Vĩnh Thụy (theo Bloomberg, CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc chơi ván cờ vây lâu dài để thâu tóm Biển Đông