Theo tạp chí The National Interest, máy bay ném bom Nam Xương Q-5 (mang được bom hạt nhân) dù có “tuổi đời” khá lớn, nhưng vẫn là một trong những vũ khí hàng đầu của Trung Quốc.
Giống như chiến đấu cơ J-6, máy bay Q-5 được thiết kế trên cơ sở chiếc MiG-19 (Liên Xô). Theo quyển “Máy bay Trung Quốc: ngành công nghiệp hàng không từ năm 1951” của hai tác giả Yefim Gordon và Dimitry Komissarov, nguyên mẫu Q-5 đầu tiên (và phiên bản xuất khẩu mang tên A-5) ra đời vào năm 1955.
Trong bối cảnh các cường quốc quân sự tiên tiến chuyển từ phát triển súng sang máy bay vào những năm 1950, không ngạc nhiên gì khi quân đội Trung Quốc muốn sở hữu một chiếc phản lực siêu thanh. Hai tác giả Gorodn và Komissarov cho biết: “Các kỹ sư của nhà máy Nam Xương tin rằng vai trò của máy bay trong tương lai sẽ là hỗ trợ cận chiến (CAS). Do vậy, chiếc máy bay ném bom này cần phải có khả năng bay tầm thấp và nhiều hỏa lực, nhưng đồng thời phải đủ sức tiến hành chiến đấu xáp lá cà để tự vệ, hoạt động tốt trên chiến trường và bền bỉ”.
Từ 1958 - 1962, do ảnh hưởng của kế hoạch Đại Nhảy vọt, dự án phát triển Q-5 bị đình chỉ, cho đến năm 1963 mới được khôi phục, 1965 tiến hành bay thử và 1968 bắt đầu sản xuất hàng loạt.
Q-5 có thể bay với vận tốc Mach 1 (1.235 km/giờ), bán kính tác chiến 402 - 596km. Máy bay được trang bị hai khẩu pháo cỡ 23mm cùng 10 giá treo bom, tên lửa, có thể mang được tên lửa không đối không.
Trung Quốc sản xuất khoảng 1.300 chiếc Q-5 và A-5. Hiện không quân nước này vẫn còn sử dụng vài máy bay Q-5, trong khi A-5 đã được xuất sang nhiều nước như CHDCND Triều Tiên, Pakistan, Myanmar, Sudan và Bangladesh.
Cường quốc châu Á đã rất nỗ lực tiến hành nâng cấp và giới thiệu nhiều biến thể của máy bay này. Vào những năm 1990, Q-5 được trang bị nhiều trang thiết bị của phương Tây như động cơ, hệ thống điện tử hàng không. Một phiên bản đáng chú ý của nó là Q-5B mang được tên lửa chống hạm.
Gorodn và Komissarov nhận xét về Q-5I, một phiên bản khác của Q-5: “Khoang chứa vũ khí quá nhỏ đã được dùng tốt hơn, chứa bình nhiên liệu. Điều này làm tăng sức chứa nhiên liệu thêm 70% so với J-6, cải thiện tầm hoạt động 26%, tăng 35% bán kính chiến đấu”.
Chiếc Q-5 hiện đã không còn được sử dụng nhiều trong chiến đấu, nhưng chúng vẫn đang phục vụ trong lực lượng không quân Trung Quốc sau hơn 50 năm có chuyến bay đầu tiên.
Cẩm Bình (theo The National Interest)