Trung Quốc dọa có thể rút khỏi Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) nếu Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết đi ngược quan điểm của Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông, vốn doPhillipines khởi xướng.
Hãng thông tấn Kyodo ngày 20.6 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết trong thời gian qua, Trung Quốc đã tuyên bố với các nhà ngoại giao ASEAN rằng nước này “không loại trừ” khả năng rút khỏi UNCLOS, xem đây là biện pháp trả đũa nếu PCA ra phán quyết đi ngược lại quan điểm của Trung Quốc.
Vụ kiện do Philippines là nguyên đơn, kiện về tính pháp lý của tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông.
Được biết Bắc Kinh phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996.
Các nguồn tin ngoại giao mà Kyodo dẫn đánh giá rằng Trung Quốc đang lo sợ phán quyết tồi tệ nhất cho nước này từ phía PCA, vốn áp dụng công ước UNCLOS trong các quyết định của mình. Trung Quốc lo rằng PCA sẽ chỉ ra các tuyên bố chủ quyền dựa trên yếu tố lịch sử mà Trung Quốc đưa ra là không có cơ sở luật pháp quốc tế, từ đó vô hiệu hóa cái mà Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn” nước này đơn phương vẽ ra, bao trùm gần hết Biển Đông.
Mà cũng chẳng riêng gì Trung Quốc, hầu hết các chuyên gia quốc tế, các chính trị gia ở các nước, dẫu chẳng liên quan gì đến tranh chấp Biển Đông, cũng cho rằng Trung Quốc đuối lý, rằng phán quyết của PCA sẽ bất lợi cho Trung Quốc.
Cho tới nay, Trung Quốc vẫn lặp đi lặp lại rằng nước này sẽ không bao giờ chấp nhận phán quyết của PCA. Đúng là phán quyết này không có hiệu lực bắt buộc thi hành. Nhưng Trung Quốc không bao giờ có thể xem nó như không.
Hành động kiện Trung Quốc ra tòa của Philippines được hàng loạt quốc gia ủng hộ, bao gồm Mỹ và Nhật trên cơ sở xem đây là một biện pháp giải quyết bất đồng và giảm thiểu căng thẳng một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế.
Sự bất hợp tác của Trung Quốc với PCA cho tới nay (Trung Quốc từ chối tham gia vào phiên tòa) và tệ hơn, nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết của phiên tòa, sẽ càng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tham vọng của nước này trong việc trở thành một cường quốc, một “tay chơi” được tôn trọng trên chính trường quốc tế. Muốn thế, đầu tiên họ phải là một nước biết tôn trọng luật pháp quốc tế và một nước hành động có trách nhiệm.
Kiều Oanh - Thanh Niên