Ngày 7.7, Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh đến 'dằn mặt' Hồng Kông, một tuần sau khi lãnh đạo Tập Cận Bình cảnh sáo Hồng Kông chớ chống đối chính quyền trung ương.
Khoảng 7 giờ sáng 7.7, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển phía nam Hồng Kông, cùng 4 tàu chiến khác, để phô trương sức mạnh của Bắc Kinh.
Chúng vượt qua hàng chục tàu container hụ còi chào đón. Một nhà báo của tờ Guardian (Anh) đi tàu nhỏ bám theo chiếc Liêu Ninh khoe nhiều trực thăng và chiến đấu cơ trên đường băng khi nó đến Hồng Kông, trước khi bị tàu cảnh sát Hồng Kông chặn không cho đến quá gần.
Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga chào đón đội tàu tại căn cứ hải quân chính của thành phố. Bà nói hy vọng chuyến thăm sẽ kích thích tinh thần yêu nước trong một xã hội đang bị phân hóa.
Giáo sư Willy Lam của Khoa Chính trị Đại học Hồng Kôngnói: “Chuyến thăm của chiếc Liêu Ninh là sự gia tăng nỗ lực bắt nạt Hồng Kông của Bắc Kinh, và nhằm khoe khoang quân đội giữ một vai trò bảo vệ quyền lợi của chính phủ Trung Quốc. Thông điệp ngầm là nếu biểu tình phản đối lớn hoặc khi mọi sự vượt quá tầm kiểm soát, Bắc Kinh sẽ không ngại sử dụng quân nhân đàn áp người bị cho là chống phá đảng và nhà nước Trung Quốc”.
Các quan chức Anh - Mỹ đã bày tỏ quan ngại về sự suy giảm tự do tại Hồng Kông, từ khi thành phố này được trả về Trung Quốc ngày 1.7.2017, cùng với việc quan chức Trung Quốc ngày càng có tầm ảnh hưởng tới chính quyền Hồng Kông.
Ông Lam còn nói: Sự phô trương sức mạnh quân sự nhằm “nhắc nhở phương Tây rằng Bắc Kinh đang kiểm soát, và sẽ dùng mọi biện pháp bóp nghẹt những nỗ lực phá hoại chủ quyền của Trung Quốc”.
Trong chuyến thăm Hồng Kông, ông Tập Cận Bình còn phô trương sức mạnh quân sự, bằng cách chủ trì cuộc duyệt binh, và sự xuất hiện của chiếc Liêu Ninh cùng với sự hiện diện của khoảng 10.000 quân Trung Quốc (hiếm khi mặc quân phục ra đường) đều là những “nhấn nhá” dọa nạt.
Theo Guardian, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tự mâu thuẫn với mục đích chuyến thăm của tàu Liêu Ninh. Ban đầu nói đó là "cuộc huấn luyện thường kỳ", sau đó nói tổ chức chuyến thăm để kỷ niệm 20 năm từ khi Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến vào thành phố, khi Hồng Kông không còn là xứ nhượng địa của Anh.
Trung Trực (theo Guardian)