Hãng tin Reuters ngày 14.12 (giờ Mỹ) dẫn báo cáo của tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho biết: Trung Quốc tiếp tục cài đặt radar tần số cao cùng các cơ sở hạ tầng có thể sử dụng vào mục tiêu quân sự trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trên Biển Đông.

Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa đảo nhân tạo trên Biển Đông

15/12/2017, 14:58

Hãng tin Reuters ngày 14.12 (giờ Mỹ) dẫn báo cáo của tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho biết: Trung Quốc tiếp tục cài đặt radar tần số cao cùng các cơ sở hạ tầng có thể sử dụng vào mục tiêu quân sự trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trên Biển Đông.

Học viên quân sự Trung Quốc ở Đá Chữ Thập - Ảnh: Reuters

Báo cáo của AMTI (thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược-CSIS, Mỹ) nêu các hoạt động quân sự hóa này được Trung Quốc tiến hành trên các cơ sở hạ tầng có diện tích 29 hectare trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Báo cáo nêu trong vài tháng qua, vào lúc các nước chú ý vào cuộc khủng hoảng giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ, Trung Quốc đã xây một hệ thống radar tần số cao mới ở phía bắc Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cũng trong cụm đảo Trường Sa, trên Đá Subi đã xây xong những hầm có thể để trữ đạn cùng các vòm radar, theo báo cáo của AMTI. Trên Đá Vành Khăn, Trung Quốc xây kho ngầm trữ đạn và nhà chứa máy bay, bệ đặt tên lửa và dàn radar.

Tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc tiến hành những hoạt động xây dựng nhỏ, gồm 1 bãi đáp trực thăng và các turbin gió ở đảo Cây và hai tháp radar lớn ở đảo Tri Tôn.

Báo cáo khẳng định đảo Tri Tôn có tầm quan trọng, và vùng biển quanh đảo này đã xảy ra nhiều sự cố giữa Trung Quốc với Việt Nam, cũng là vùng nước mà Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải.

Ở đảo Phú Lâm đã có trụ sở hành chính và quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, và đã có hai lần triển khai máy bay quân sự cất cánh để đến “3 căn cứ không quân ở quần đảo Trường Sa”, theo báo cáo của AMTI.

Hồi cuối tháng 10, quân đội Trung Quốc đã công bố hình ảnh chiến đấu cơ J-11B ở đảo Phú Lâm bay diễn tập. Ngày 15.11, AMTI phát hiện có thể vận tải cơ Y-8 đang bay. Đây là loại máy bay có thể do thám điện tử.

Mỹ và các đồng minh đã phản đối việc Trung Quốc xây và quân sự hóa đảo nhân tạo trên Biển Đông, vì lo ngại Bắc Kinh có kế hoạch sử dụng các đảo này để ngăn chặn việc tiếp cận các tuyến đường biển chiến lược.

Theo Reuters, trong năm 2017, Lầu Năm Góc đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra ở gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trên Biển Đông, dù Mỹ đang muốn nhờ Trung Quốc ép Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Ngày 12.12, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc ngưng xây đảo nhân tạo, và nói không thể chấp nhận việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo này.

Trung Trực (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa đảo nhân tạo trên Biển Đông