Trung Quốc đang tìm kiếm vai trò lớn hơn trong việc mua bán vũ khí ở Trung Đông, nơi thị trường đang phát triển nhanh chóng vì xung đột lan rộng trong khu vực.

Trung Quốc tìm cách len lỏi vào thị trường vũ khí Trung Đông

25/02/2019, 21:30

Trung Quốc đang tìm kiếm vai trò lớn hơn trong việc mua bán vũ khí ở Trung Đông, nơi thị trường đang phát triển nhanh chóng vì xung đột lan rộng trong khu vực.

Máy bay không người lái CH-4 của quân đội Trung Quốc - Ảnh: AFP

Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) hôm 20.2 tuyên bố đã thành lập văn phòng đại diện tại Dubai để mở rộng giao thương trên khắp khu vực vùng Vịnh. Đây là văn phòng nước ngoài đầu tiên của công ty này tại nước ngoài, có nhiệm vụ tập trung theo đuổi các cơ hội kinh doanh cả về quân sự lẫn dân sự.

Bên cạnh việc thiết lập văn phòng đại diện ở Dubai, tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) còn trưng bày mô hình tàu khu trục 20 tấn không người lái thuộc lớp Aegis - JARI USV tại triển lãm và hội nghị quốc phòng thế giới ở thủ đô Abu Dhabi - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), diễn ra vào hôm thứ năm tuần trước (21.2).

Trung Quốc giới thiệu tàu chiến JARI USV tại triển lãm và hội nghị quốc phòng thế giới ở thủ đô Abu Dhabi hôm 21.2 (UAE) - Ảnh: QQ

Tàu chiến JARI USV có chiều dài 15 mét với tốc độ tối đa 42 hải lý/giờ và tầm hoạt động khoảng 500 hải lý. Sở hữu hệ thống điện tử được cho là tiên tiến không thua kém các siêu hạm lớp Burke Arleigh của Mỹ, JARI USV có thể được trang bị pháo kết hợp với tên lửa đất đối không (SAM), tên lửa chống hạm và phòng không, ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ.

Nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, Zhou Chenming cho biết, CSIC đang chế tạo loại tàu này để xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

“Điều này phản ánh thực tế rằng công nghệ phòng thủ của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ. Họ có thể lắp ráp một sản phẩm đáp ứng hoàn toàn các nhu cầu cụ thể của từng khách hàng”, ông Chenming nói.

Cũng tại triển lãm và hội nghị quốc phòng thế giới lần này, Trung Quốc còn giới thiệu thêm một loạt hệ thống vũ khí khác bao gồm xe tăng hạng nặng thế hệ mới VT4, tàu khu trục MRTV 3.000 và tên lửa hành trình tầm trung C-602.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Trung Đông hiện được coi là một trong những thị trường vũ khí sôi động hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 32% số lượng vũ khí sản xuất toàn cầu trong giai đoạn 2013 - 2017. Viện nghiên cứu cũng cho biết nhập khẩu vũ khí trong khu vực tăng 103% từ giai đoạn 2008 - 2012 đến 2013 - 2017 vì hầu hết các nước Trung Đông đều liên quan trực tiếp đến xung đột vũ trang.

Trong khi đó, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang Trung Đông tăng 38% trong giai đoạn 2013 - 2017 so với 5 năm trước. Cường quốc châu Á hiện đang là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới và là đối tác cung cấp vũ khí cho 48 quốc gia. Năm ngoái, Trung Quốc là nhà cung cấp máy bay quân sự không người lái hàng đầu cho các nước Trung Đông, bao gồm cả những nước đang bị chính phủ Mỹ trừng phạt.

Ngoài khách hàng chính là Pakistan, các quốc gia Trung Đông khác cũng đang tích cực tìm đến Trung Quốc để mua vũ khí. Kể từ năm 2014, hơn 30 máy bay không người lái CH-4 đã được bán cho Ả Rập Saudi. Ngoài ra, Trung Quốc gần đây cũng đã bán máy bay không người lái Wing Loong II cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và bán tên lửa đạn đạo Qatar.

Việc Trung Quốc tăng cường giao thương vũ khí ở Trung Đông dấy lên mối quan ngại sâu sắc từ các quốc gia, trong đó có Mỹ và Israel. Trong khi Israel lo lắng về việc xuất khẩu vũ khí sang Iran, Mỹ lại lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực thông qua các hoạt động buôn bán vũ khí và các dự án nằm trong sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tìm cách len lỏi vào thị trường vũ khí Trung Đông