Trung Quốc đã phát triển một thiết bị lặn không người lái được thiết kế có khả năng hoạt động tầm xa ở Biển Đông trong hơn 1 tháng liên tục.
Thiết bị lặn tự hành (AUV) Whale 2000 vừa hoàn thành cuộc thử nghiệm hoạt động 37 ngày liên tục ở Biển Đông với tầm hoạt động 2.011km, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc cho biết.
Nhiệm vụ của tàu ngầm không người lái là gì vẫn là một bí mật, nhưng theo tờ South China Morning Post, với phạm vi đó, nó có tầm hoạt động dễ dàng bao phủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Tàu ngầm không người lái có hình dạng ngư lôi, dài khoảng 3 mét và nặng 200kg, được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo và một loạt các cảm biến để đo nhiệt độ, độ mặn, độ ion, dấu vết hóa chất, hình ảnh dưới nước và các hoạt động sinh học. Nó có thể lặn sâu 2.000 mét và đạt tốc độ 1,2 mét mỗi giây.
"Phát triển của Sea-Whale 2000 là để đáp ứng nhu cầu khảo sát dưới biển sâu dài hạn ở Biển Đông", tiến sĩ Huang Yan thuộc Viện Nghiên cứu robot của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc cho biết. Nhóm nghiên cứu từ chối giải thích lý do tại sao Trung Quốc chế tạo tàu lặn không người lái ở Biển Đông.
Khoảng 10 năm trước, Bắc Kinh đã triển khai một mạng lưới giám sát đại dương mà họ coi là lớn nhất ở Biển Đông. Hải quân Trung Quốc và nhiều viện nghiên cứu dân sự đã triển khai một số lượng lớn phao và trạm giám sát neo đậu dưới đáy biển. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết mật độ mà họ triển khai trong khu vực hiện nay cao hơn nhiều so với các cơ sở tương tự do Mỹ và các nước khác điều hành.
Thế nhưng, các cơ sở cố định này không thể bao phủ toàn bộ biển và việc bảo trì chúng rất tốn kém. Một số đã chịu hư hại do môi trường hay con người tác động. Các nhà khoa học Trung Quốc nói tàu lặn không người lái tầm xa sẽ giúp ích cho công việc khảo sát của họ nhờ tính năng di động và hoạt động tầm xa.
A.T