Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn còn tránh dùng từ “đại dịch” (pandemic) để mô tả cuộc khủng hoảng đang gia tăng nhanh chóng hiện nay, thay vào đó nói về “nạn dịch ở các vùng khác nhau trên thế giới”. Tuy nhiên, Tạp chí khoa học Sciencemag.org của Hiệp hội Phát triển Khoa học Hoa kỳ (AAAS) vừa đăng bài về nguy cơ bùng phát quy mô lớn và đặt câu hỏi thế giới cần làm gì trước nguy cơ đó.

Trước nguy cơ đại dịch toàn cầu coronavirus, cần tốc độ, tốc độ!

28/02/2020, 16:36

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn còn tránh dùng từ “đại dịch” (pandemic) để mô tả cuộc khủng hoảng đang gia tăng nhanh chóng hiện nay, thay vào đó nói về “nạn dịch ở các vùng khác nhau trên thế giới”. Tuy nhiên, Tạp chí khoa học Sciencemag.org của Hiệp hội Phát triển Khoa học Hoa kỳ (AAAS) vừa đăng bài về nguy cơ bùng phát quy mô lớn và đặt câu hỏi thế giới cần làm gì trước nguy cơ đó.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn còn tránh dùng từ “đại dịch” (pandemic) để mô tả cuộc khủng hoảng đang gia tăng nhanh chóng hiện nay, thay vào đó nói về “nạn dịch ở các vùng khác nhau trên thế giới”. Nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng, bất kể gọi đó là gì thì cánh cửa để ngăn chặn dịch không cho lây lan rộng hơn gần như chắc chắn đã đóng lại. Tạp chí khoa học Sciencemag.org của Hiệp hội Phát triển Khoa học Hoa kỳ (AAAS) vừa đăng bài về nguy cơ xảy ra đại dịch toàn cầu coronavirus và đặt câu hỏi thế giới cần làm gì trước nguy cơ đó.

Sự lây lan trên toàn cầu của dịch coronavirus đang bắt đầu có vẻ không thể nào ngăn chặn được. Chỉ trong tuần qua, dịch đã bùng phát trên cả nước Iran, rồi lan qua Iraq, Oman và Bharain. Ý phong tỏa 10 thị trấn miền bắc nước này sau khi virus nhanh chóng lây lan ở đó. Một bác sĩ Ý mang con virus này qua đảo Tenerife của Tây Ban Nha – một điểm nghỉ dưỡng ưa thích của dân Bắc Âu, còn Áo và Croatia đã báo cáo những ca nhiễm đầu tiên. Trong khi đó, dịch vẫn đang bùng phát mạnh ở Hàn Quốc còn Nhật Bản có thêm các ca nhiễm tiếp theo sau cuộc cách ly vụng về chiếc du thuyền.

Ở nhiều nơi khác, con virus có thể đang âm thầm lây lan. Một nhóm nghiên cứu bằng mô hình điện toán ở đại học Imperial College London ước tính còn phải phát hiện 2/3 các ca lây nhiễm xuất phát từ Trung Quốc ra các nước khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn còn tránh dùng từ “đại dịch” (pandemic) để mô tả cuộc khủng hoảng đang gia tăng nhanh chóng hiện nay, thay vào đó nói về “nạn dịch ở các vùng khác nhau trên thế giới”. Nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng, bất kể gọi đó là gì thì cánh cửa để ngăn chặn dịch gần như chắc chắn đã đóng lại. Christopher Dye, nhà dịch tễ học ở Đại học Oxford, nói: “Với tôi, dường như con virus này đã trốn thoát khỏi Trung Quốc và đang lây lan rộng rãi. Giờ tôi cảm thấy bi quan hơn nhiều về việc có thể kiểm soát được nó”. Nancy Messonier, người lãnh đạo nhóm phản ứng chống dịch coronavirus thuộc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, cảnh báo hôm 25.2 rằng “dịch có thể gây ra sự đảo lộn nghiêm trọng cuộc sống thường ngày. Chúng tôi yêu cầu người dân hợp tác để chuẩn bị cho tình hình tồi tệ có thể xảy ra”.

Dye và những chuyên gia khác nói đã đến lúc phải tư duy lại phản ứng của ngành y tế công cộng. Cho đến nay, mọi nỗ lực đều tập trung vào việc ngăn chặn: làm chậm lại sự lây lan của con virus trong lòng Trung Quốc, ngăn nó qua các nước khác và khi có bệnh nhân đi qua biên giới thì tích cực phát hiện những người mà bệnh nhân có tiếp xúc và cách ly những người này trong hai tuần. Nhưng nếu con virus, được gọi là SARS-CoV-2, đã lan ra toàn cầu thì những biện pháp hạn chế đi lại sẽ trở nên ít hiệu quả hơn là những biện pháp nhằm giới hạn dịch bùng phát và làm giảm tác động của chúng dù ở đâu, chẳng hạn bằng cách đóng cửa trường học, chuẩn bị bệnh viện, hoặc kể cả bằng những biện pháp cách ly nghiêm ngặt như ở các đô thị lớn của Trung Quốc.

“Những biện pháp ở biên giới sẽ không hiệu quả, thậm chí không khả thi, mà cần tập trung cho các biện pháp giảm nhẹ tác động trong cộng đồng cho tới khi một vaccine được sản xuất với số lượng đủ dùng”, Luciana Borio, một cựu chuyên gia về chuẩn bị sẵn sàng cho phòng vệ sinh học thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói.

Tuy vậy, các chuyên gia y tế công cộng lại bất đồng về tốc độ nới lỏng các hạn chế đi lại, vốn là đặc điểm của giai đoạn đầu của dịch. Đầu tuần này, tổng số các ca nhiễm là hơn 80.000 với 2.705 trường hợp tử vong, trong đó 97% là ở Trung Quốc. Một số nước đã cấm tất cả chuyến bay đi và đến từ Trung Quốc. Mỹ cách ly tất cả ai đến từ Hồ Bắc và không cho nhập cảnh mọi người nước ngoài đến từ Trung Quốc dù ở bất cứ đâu tại nước này hai tuần trước đó. Nhiều nước cũng đề ra thêm các hạn chế đối với Hàn Quốc và Iran.

Các nhà khoa học cho rằng các biện pháp hạn chế đã thành công ở mức độ nhất định. “Nếu chúng tôi không đặt ra hạn chế đi lại, có thể chúng tôi đã chịu nhiều, nhiều, nhiều ca nhiễm hơn số ca đã có” - Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nói.

Nhưng nhiều nhà dịch tễ học nói rằng các biện pháp hạn chế đi lại chỉ mua được ít thời gian và không được WHO khuyến khích. Thông thường người ta cho rằng mọi sự cấm đoán có thể gây ra phản tác dụng, chẳng hạn như cản trở luồng cung cấp vật tư thiết bị y tế và làm xói mòn lòng tin của công chúng. Và khi danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng gia tăng thì những cấm đoán trở nên khó thực hiện hơn và ít có ý nghĩa hơn. Các hạn chế cũng đi liền với cái giá cao phải trả. Nền kinh tế Trung Quốc, cũng như ngành hàng không, đã bị thiệt hại nặng bởi dịch COVID-19. Trung Quốc cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm, từ dược phẩm cho đến điện thoại di động, và sự ngưng trệ sản xuất đã gây ra hàng loạt vấn đề về chuỗi cung ứng. Nhà dịch tễ học thuộc Đại học Harvard, Marc Lipsitch nói: “Sẽ rất khó khăn về mặt chính trị và có lẽ là thiếu thận trọng nếu nới lỏng hạn chế đi lại ngay ngày mai, nhưng trong một tuần nữa nếu tin tức về sự lây lan dịch vẫn như mấy ngày qua thì những hạn chế đi lại sẽ không còn là biện pháp đối phó chính nữa”.

Những nỗ lực nhỏ hơn nhằm kiềm chế dịch vẫn còn cần thiết – Bruce Aylward, quan chức WHO lãnh đạo phái bộ quốc tế tới Trung Quốc trong hơn 2 tuần qua, nói. Trong một báo cáo của phái bộ mà Aylward có tham gia thảo luận nhưng không được phổ biến, nhóm kết luận rằng dịch ở Trung Quốc đã đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ 23.1 – 2.2 và rằng những nỗ lực ngăn chặn quyết liệt của Trung Quốc ở Hồ Bắc, nơi ít nhất 50 triệu dân bị phong tỏa, đã cho các tỉnh khác thời gian chuẩn bị để chống con virus và rốt cuộc có thể đã giúp tránh lây nhiễm cho “hàng trăm ngàn người khác”. “Điều quan trọng là các nước khác suy nghĩ về điều này và xem có thể áp dụng gì đó không, không nhất thiết là phong tỏa toàn bộ mọi nơi nhưng ít nhất là cách tiếp cận nghiêm ngặt như vậy”.

Tuy vậy, những hạn chế trong nước của Trung Quốc khiến cho các cá nhân phải trả một cái giá nặng nề, theo Lawrence Gostin, chuyên gia về chính sách y tế toàn cầu thuộc Trung tâm Luật Đại học Georgetown. Ông gọi những chính sách ấy của Trung Quốc là “gây sửng sốt, chưa có tiền lệ và mang tính chất Trung cổ” và nói rằng ông đặc biệt quan tâm tới hạnh phúc thể chất và tinh thần của người dân Vũ Hán, những người bị buộc không được ra khỏi nhà, bị giám sát chặt chẽ và phải đối diện với sự thiếu thốn các dịch vụ y tế. “Đó là điều không thể tưởng tượng được có lẽ ở bất kỳ quốc gia nào, ngoại trừ Trung Quốc”, ông nói. (Ở Ý, lệnh phong tỏa chỉ thực hiện đối với những thị trấn tương đối nhỏ chứ không phải là những đại đô thị).

Trung Quốc đang bắt đầu từ từ gỡ bỏ các hạn chế đối với những khu vực nguy cơ thấp, điều này lại có thể khiến số lượng lớn cư dân đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm, Dye nói. Nếu cuộc sống bình thường được phục hồi ở Trung Quốc, có thể chúng ta phải chờ đợi các ca lây nhiễm gia tăng trở lại, ông thêm.

Các nước khác có thể chỉ áp dụng một số yếu tố trong chiến lược chống dịch của Trung Quốc. Một phân tích cập nhật mà Dye là đồng tác giả kết luận rằng việc ngưng vận chuyển công cộng, đóng cửa các điểm giải trí và cấm các cuộc tụ họp đông người là những biện pháp can thiệp hiệu quả nhất của Trung Quốc. “Tất nhiên, chúng tôi không có bằng chứng trực tiếp vì không có thí nghiệm được kiểm soát thích hợp”, Dye nói, “nhưng những biện pháp ấy chắc hẳn có tác dụng đẩy lùi các ca nhiễm”. Một câu hỏi đặt ra là đóng cửa trường học có tác dụng không. “Chúng ta không biết vai trò của trẻ em trong dịch”, Lipsitch nói, “đó là điều mà bất cứ quốc gia nào có 100 ca nhiễm trở lên phải bắt đầu nghiên cứu”.

Một số nước có thể quyết định không ngăn chặn quá đáng sự lưu thông tự do của người dân, vẫn mở cửa trường học và cửa hàng buôn bán, và không phong tỏa các thành phố. “Đó là một quyết định then chốt liên quan tới sức khỏe công cộng, vì cơ bản mà nói, đó chẳng khác nào như tuyên bố để cho virus lưu thông tự do”, Dye nói.

Để chuẩn bị cho những gì sẽ đến, các bệnh viện cần dự trữ các thiết bị hô hấp và thêm giường bệnh. Tăng cường sử dụng vaccine chống cúm và nhiễm phế cầu khuẩn có thể làm giảm gánh nặng của các bệnh đường hô hấp trên hệ thống y tế và giúp nhận diện các ca nhiễm COVID-19 dễ dàng hơn vì các triệu chứng là tương tự. Các chính phủ có thể đưa ra thông điệp về tầm quan trọng của việc rửa tay và không ra khỏi nhà nếu cảm thấy bệnh.

Dù phần còn lại của thế giới làm gì, điều then chốt là phải hành động sớm, Aylward nói, và hy vọng các nước khác sẽ học bài học từ Trung Quốc. “Bài học lớn nhất duy nhất là: Tốc độ là tất cả. Và các bạn biết tôi lo nhất điều gì không? Là phần còn lại của thế giới đã học được bài học về tốc độ chưa?”, ông thêm.

P.V. (lược dịch)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trước nguy cơ đại dịch toàn cầu coronavirus, cần tốc độ, tốc độ!