Tại hội thảo “Kinh tế hồi phục - Ngân hàng dẫn sóng và triển vọng của thị trường” do Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tổ chức, các chuyên gia cho rằng áp lực tỷ giá thời gian tới không quá lo ngại.
Tài chính và đầu tư

TS Cấn Văn Lực: Tỷ giá không quá lo ngại

Lam Thanh 20/03/2024 09:47

Tại hội thảo “Kinh tế hồi phục - Ngân hàng dẫn sóng và triển vọng của thị trường” do Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tổ chức, các chuyên gia cho rằng áp lực tỷ giá thời gian tới không quá lo ngại.

Vì sao tỷ giá tăng?

Kể từ đầu năm đến ngày 18.3, đồng tiền Việt Nam đã mất giá khoảng 1,8% so với USD. Giải thích nguyên nhân tỷ giá tăng vào đầu năm 2024, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho biết có 3 nguyên nhân chính.

Cụ thể, đồng USD mạnh lên (tăng 2%) khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thậm chí không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua. Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD so với các đồng tiền khác vẫn ở mức cao.

Lý do tiếp theo, ông Lực cho biết do đầu năm là thời điểm một số doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước. Đây là một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về mua bán ngoại tệ; nguyên nhân cuối cùng là do hiện tượng đầu cơ khi tỷ giá có biến động.

ty-gia-1.jpeg
Tỷ giá tăng từ đầu năm 2024

TS Cấn Văn Lực nhận định, diễn biến tỷ giá tăng không đáng lo quá, bởi mức tăng của đồng USD sẽ chững lại, thậm chí quay đầu giảm khi Fed giảm lãi suất và nền kinh tế Mỹ bắt đầu "ngấm đòn" do tác động từ lãi suất cao.

Theo ông Lực, nguyên nhân khiến VNĐ mất giá trong khi những đồng tiền khác mạnh lên so với USD là bởi VNĐ vẫn là một đồng nội tệ yếu trong khu vực, với khả năng chuyển đổi yếu. Ngoài ra, mặc dù cán cân thanh toán Việt Nam dương, nhưng không nhiều và có một số thời điểm còn âm.

Một động thái đáng chú ý vừa qua là Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 100.000 tỉ đồng.

Chuyên gia Cấn Văn Lực đánh giá động thái hút ròng của NHNN chủ yếu do thanh khoản của hệ thống khá dồi dào. Trong giai đoạn đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng rất chậm và thậm chí còn âm, đồng thời huy động vốn cũng tăng trưởng chậm nhưng cao hơn tín dụng.

luc.jpeg
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực

Dẫn số liệu từ NHNN, chuyên gia cho biết tín dụng đến hết tháng 2 giảm khoảng 1% còn huy động vốn ước tính giảm khoảng 0,7%. Điều này dẫn đến thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh.

Trong phiên ngày 11.3, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm về ở mức 1,17%/năm, giảm mạnh so với mức đỉnh đạt được trong ngày 21.2 (4,14%) và tiến gần về mặt bằng thấp được duy trì trong thời gian dài trong giai đoạn dư thừa thanh khoản trước đó (khoảng 0,14 - 0,15%/năm).

Ông Lực cũng đánh giá thời gian tới NHNN không nhất thiết phải tiếp tục giảm lãi suất. Thậm chí, nếu giảm tiếp, mức độ chênh lệch lãi suất USD/VNĐ giãn ra, lại càng gây áp lực tỷ giá. “Chẳng ai dại gì làm việc đó thời điểm này”, ông Lực nêu và đánh giá áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nặng nề như thời gian trước đây.

Việc NHNN hút ròng không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán

Với thị trường chứng khoán, TS Cấn Văn Lực cũng khẳng định rằng việc NHNN hút ròng không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán bởi đây chỉ là một nghiệp vụ bình thường trong điều hành và nhằm bình ổn tỷ giá chứ không tác động nhiều đến dòng tiền.

Đánh giá về thị trường năm 2024, ông Lực cho rằng khả quan. Trong những tháng đầu năm 2024, VN-Index tăng trưởng mạnh thứ 3 trong các thị trường chứng khoán trong khu vực. Hầu hết các ngành đều ghi nhận diễn biến tăng điểm kể từ đầu năm 2024 đến nay.

ty-gia-2.jpeg
Thị trường chứng khoán dự báo lạc quan trong năm 2024

TS Cấn Văn Lực cho rằng năm 2024 kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm lại nhưng sẽ có những điểm sáng là xu hướng giảm lãi suất và xu hướng chuyển đổi số - tăng trưởng xanh.

Về kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 dự báo đạt lần lượt 5,5% đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự báo sang năm 2025, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 2 trong khu vực.

Dự báo từ các tổ chức uy tín đồng thuận về sự tăng trưởng của Việt Nam từ 5,5% - 6,5%. Lạm phát dự báo có thể cao hơn với kỳ vọng vòng quay tiền trong nền kinh tế hồi phục và tăng lương cơ bản nhưng vẫn ở mức thấp so với thế giới.

Về rủi ro và thách thức chính của kinh tế Việt Nam năm 2024, ông Lực cho biết doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, giải ngân đầu tư công chưa có đột phá, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng gặp nhiều thách thức; rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa; thể chế cho các lĩnh vực mới còn chậm ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ còn diễn ra…

hoang.jpeg
Ông Nguyễn Minh Hoàng – Giám đốc Phòng Nghiên cứu và phân tích chứng khoán Nhất Việt

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc Phòng Nghiên cứu và phân tích chứng khoán Nhất Việt cho biết trường tạo đáy và đi lên trong nghi ngờ khi chính sách tiền tệ đảo chiều. Biến động của VN-Index có tương quan với sự thay đổi của lãi suất điều hành.

Cụ thể, việc hạ lãi suất điều hành hầu hết đều tạo ra những pha tăng điểm mới của thị trường. Diễn biến này đã xuất hiện kể từ cuối năm 2022 khi lãi suất điều hành đã bắt đầu được điều chỉnh giảm.

“VN-Index đã bước vào một pha tăng trưởng mới”, ông Hoàng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
43 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Cấn Văn Lực: Tỷ giá không quá lo ngại