TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển cho rằng Trung Quốc có những lo sợ khi đưa vấn đề Biển Đông ra quốc tế. Ví dụ ở các hội nghị tại ASEAN, khi nhắc đến vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc luôn đề nghị Mỹ và các nước không làm to, đồng thời cố gắng giảm nhẹ vấn đề Biển Đông, chạy chọt các thành viên ASEAN để tuyên bố chung không nhắc đến Trung Quốc...
Vài tháng qua, nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động thăm dò phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Là một chuyên gia luôn theo dõi kĩ tình hình trên Biển Đông, TS Hoàng Ngọc Giao đã chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về những hành động phi pháp của Trung Quốc thời gian qua.
- Thưa ông, trong vài tháng nay, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông bình luận gì về hành động leo thang này của Trung Quốc, và vì sao lại là thời điểm này?
- TS Hoàng Ngọc Giao: Hành động của Trung Quốc leo thang cực kỳ nghiêm trọng và thể hiện rõ dã tâm nhất quán là biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Việc này là diễn biến tiếp theo của một chuỗi hành động từ khi họ bắt đầu xâm chiếm Hoàng Sa của chúng ta từ những năm 1954, 1974, 1988 và đến bây giờ.
Những bước đi trước của họ là đặt chân lên các đảo ở bãi đá, các đảo nửa nổi nửa chìm, bước nữa là tôn tạo các đảo ở Trường Sa thành sân bay, kho tiếp liệu. Khi đã xây dựng được kho hậu cần ở đây thì họ bắt đầu tuyên bố quyền lịch sử của họ ở Biển Đông với đường 9 đoạn. Đây là bước tiếp theo nguy hiểm khẳng định dã tâm xâm chiếm biển của họ.
Hiện nay họ đang xâm chiếm biển và thềm lục địa của Việt Nam. Theo Luật Biển, nguyên tắc cơ bản là đất thống trị biển, nghĩa là phần biển phụ thuộc rất nhiều vào diện tích đất liền tiếp giáp với không gian biển đó. Theo nguyên tắc này ta sẽ thấy một điều rất vô lý là phía nam đảo Hải Nam xuống Bãi Tư Chính khoảng 600 hải lý, còn từ phía bờ biển của Việt Nam ra phía ngoài của thềm lục địa chỉ hơn 200 hải lý. Chỉ riêng điều này đã thấy sự vô lý, vô pháp của Trung Quốc.
Tôi nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền, xâm phạm biển của Việt Nam chứ đây không phải là tranh chấp, vì khu vực này hoàn toàn thuộc về Việt Nam.
- Trung Quốc cũng là thành viên của Công ước Luật Biển quốc tế 1982, như vậy, hành động của họ chà đạp lên chính công ước họ đã ký và luật pháp quốc tế?
- Đúng vậy. Trung Quốc cũng là thành viên của Công ước này, nghĩa vụ của họ phải tuân thủ công ước những họ lại làm ngược lại, thậm chí chỉ diễn giải công ước theo hướng có lợi đối với họ.
Tôi nhớ cách đây mấy năm, khi tàu thăm dò của Mỹ đi vào vùng biển gần với đảo Hải Nam nhưng vẫn nằm ở phía công hải nhưng Trung Quốc vẫn cho tàu ra xua đuổi và viện dẫn Công ước 1982. Hiện nay Trung Quốc viện dẫn quyền lịch sử, nhưng công ước không ghi nhận quyền này, và thậm chí Trung Quốc cũng không đủ cơ sở để chứng minh sự hiện diện của họ lâu đời ở đây. Ngay cả chính những bản đồ thời xưa của họ cũng chỉ ghi nhận lãnh thổ đến đảo Hải Nam mà thôi.
Nếu lần này mà họ khẳng định được sự hiện diện của họ ở đây thì chúng ta có thể bị mất không gian quyền chủ quyền, ngư dân mất cơ hội làm nghề biển, mất các lợi ích về kinh tế khác như dầu khí…
- Theo ông, hoạt động này của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam có phải nhằm mục đích tạo ra tình trạng mới, đó là sự tranh chấp ngay trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam, gây sức ép để Việt Nam phải chấp nhận phương án khai thác chung của Trung Quốc? Nếu để Trung Quốc thực hiện được ý đồ này thì tình hình sẽ nguy hiểm thế nào, thưa ông?
- Đây cũng là một khả năng. Họ vào đây nhằm mục đích thôn tính Biển Đông, đồng thời tìm mọi cách đẩy các đối tác ngoài khu vực đang làm ăn với chúng ta. Đồng thời, hiện nay họ cũng đang tạo sức ép trong quá trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) vẫn đang diễn ra, là không chấp nhận sự can thiệp của các nước khác ngoài khu vực. Việc này là thông điệp trắng trợn với các nước ngoài khu vực đang làm ăn tại đây, và các nước chưa làm ăn như Mỹ, Úc, Nhật…
Mới đây, ngoại trưởng Úc Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã cùng ra tuyên bố chung lên án hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng ba nước này đã bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" đối với "các báo cáo đáng tin cậy về những hoạt động gây cản trở liên quan đến các dự án dầu khí có từ lâu đời" ở Biển Đông.
- Vào ngày 19.7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra tuyên bố lên án các hành động của Trung Quốc và đặc biệt đã kêu gọi “tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế” đóng góp vào việc duy trì trật tự, hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Ông nhìn nhận điều này như thế nào? Dường như việc đưa vấn đề Biển Đông ra quốc tế là điều Trung Quốc rất không mong muốn?
- Về phía quốc tế, một số nước có chung lợi ích đã thẳng thắn lên án hành động của Trung Quốc ở nhiều cấp độ như Mỹ, Úc… Đây là điều rất tốt. Tuy nhiên, ta không thể ngồi yên mà đợi quốc tế đến cứu chúng ta được, điều này rất nguy hiểm, mà ta phải rất chủ động.
Trong việc đấu tranh ngoại giao, rất đáng mừng là tại Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tổ chức tại Thái Lan, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ đích danh tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Vấn đề Biển Đông đã đưa vào tuyên bố chung, dù ít ỏi.
Hành vi của Trung Quốc là mang tính xâm lược, đe dọa hòa bình và an ninh xâm lược. Chúng ta đủ căn cứ để đưa vụ việc ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cũng có những ý kiến cho rằng Trung Quốc có quyền phủ quyết ở Liên Hợp Quốc, nhưng ta không nên sợ điều đó, ta chỉ cần cố gắng đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc.
Khi thảo luận tại Hội đồng Bảo an về hành vi của Trung Quốc đe dọa hòa bình và an ninh khu vực là ta đã có thắng lợi về mặt ngoại giao. Chúng ta không lo việc này sẽ gây ra chiến tranh với Trung Quốc, vì chúng ta đã đấu tranh ngoại giao hòa bình chứ không tấn công vũ trang Trung Quốc.
Trong đấu tranh ngoại giao, việc ta khẳng định sự đúng đắn của chúng ta trên trường quốc tế là đã thắng lợi, chứ không hẳn là Liên Hợp Quốc phải ra một lệnh gì đó lên Trung Quốc thì mới thắng lợi.
Ở ASEAN, khi nhắc đến vấn đề Biển Đông thì Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc luôn đề nghị Mỹ không làm to vấn đề này lên; đồng thời họ đã cố gắng giảm nhẹ vấn đề tại Biển Đông, chạy chọt các thành viên ASEAN để tuyên bố chung không nhắc đến Trung Quốc. Điều đó cho thấy phía Trung Quốc cũng có những lo sợ khi đưa vấn đề ra quốc tế.
- Một biện pháp mà nhiều người đưa ra là khởi kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Theo ông, giải pháp nào để Việt Nam đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề này trong thời gian tới?
Chúng ta cần đưa hồ sơ vụ việc này ra tòa án quốc tế. Đồng thời xúc tiến ngoại giao tranh thủ sự ủng hộ của các nước khác. Ta cần gặp gỡ, thông báo về vấn đề này và vận động họ ủng hộ chúng ta. Khi chúng ta đưa ra tòa thường trực như trường hợp Philippines kiện Trung Quốc, dù phía Trung Quốc không tham gia nhưng việc tòa tuyên Philippines chiến thắng đã có rất nhiều lợi ích cho Philippies, đồng thời tạo ra được tiền lệ án. Đây là thắng lợi chứ không nhất thiết tòa phải cưỡng chế Trung Quốc, vì tòa này không thể cưỡng chế được.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập hợp những bằng chứng hung hăng, vi phạm của Trung Quốc gửi đến truyền thông quốc tế và Liên Hợp Quốc; đồng thời cần tăng cường hiện diện cảnh sát biển tại khu vực Trung Quốc đang quấy nhiễu, hỗ trợ tàu thép lớn cho ngư dân đánh cá.
Ta càng nhún nhường thì Trung Quốc sẽ càng lấn tới. Chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ, nếu không Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang. Ví dụ họ đưa giàn khoan xuống thì việc xua đuổi họ lại càng thêm khó khăn.
- Xin cảm ơn ông!
Trí Lâm (thực hiện)