“Tôi xin khẳng định là chính sách thuế có nhiều cách chứ không chỉ điều chỉnh thuế suất, nhất là với sắc thuế tác động lớn đến xã hội như VAT. Lựa chọn đầu tiên là mở rộng đối tượng chịu thuế. Tăng thuế suất là lựa chọn cuối cùng”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói.
Tại tọa đàm “Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 Luật thuế” diễn ra ngày 12.9, bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách Tài chính công - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng về bản chất, thuế VAT đánh vào tiêu dùng cuối cùng của người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người thu hộ. Khi tăng VAT là đánh trên cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa trong nước. Như vậy, về cơ bản không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bà Liên cũng cho rằng về lý thuyết thì tăng VAT cũng có ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, tuy nhiên mức độ thế nào phải phụ thuộc vào quy mô, khối lượng hàng hóa tiêu dùng và các yếu tố vĩ mô khác như lạm phát, cung tiền… Tuy nhiên, theo dự báo chỉ số giá hiện nay ở mức thấp. Với điều kiện vĩ mô hiện tại, yếu tố lạm phát không lớn.
Vị này cho biết, việc sửa đổi 5 Luật thuế cần được nhìn nhận trên tổng thể, tức là khi tăng VAT thì cũng đã giảm thuế thu nhập. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, trong 25 nhóm hàng hóa không chịu VAT thì nhóm thu nhập thấp chủ yếu sử dụng nhóm hàng không chịu thuế hoặc chịu thuế thấp.
Theo khảo sát điều tra mức sống dân cư 2014 do Tổng cục Thống kê công bố, người có thu nhập thấp sử dụng 59,6% thu nhập cho lương thực thực phẩm, còn người thu nhập cao là 39,6%. Trong khi đó y tế, giáo dục và nhóm sản xuất lương thực thực phẩm cũng không chịu thuế, người bán ra chỉ chịu 5% nên việc điều chỉnh thuế lần này sẽ không tác động quá nhiều đến người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, bà Liên cũng lưu ý việc tăng thuế suất phổ thông VAT từ 10 - 12% cũng có tác động nhất định đến người có thu nhập thấp, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương. “Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ khác, chẳng hạn như đã có chính sách hỗ trợ tiền điện, tiền bảo hiểm, học phí…”
Còn theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, có nhiều cách để làm chứ không chỉ điều chỉnh về thuế suất, đặc biệt là đối với sắc thuế có phạm vi tác động toàn xã hội như thuế VAT. “Do đó chúng tôi cho rằng cần cân nhắc trong bối cảnh cần lựa chọn các chính sách khác chứ không phải chỉ tập trung vào điều chỉnh thuế suất thuế VAT”.
Vị này cũng cho rằng khi điều chỉnh thuế suất phổ thôngcần đánh giá tác động kỹcàng, kể cả câu chuyện tác động đến kinh tế xã hội, tác động từng nhóm dân cư, từng nhóm thu nhập, lạm phát và tổng thu ngân sách.
Theo đó, ông Ánh cho rằng chức năng đầu tiên của thuế là tác động đến quá trình phân phối lại thu nhập. “Vậy với việc tăng thuế, việc phân phối lại thu nhập sẽ chịu tác động như thế nào? Tôi cho rằng chúng ta phải có đánh giá định lượng với mô hình chuẩn xác, kết hợp các yếu tố, các biến số kể cả trong 5 luật thuế và các yếu tố bên ngoài thì mới đánh giá được”.
Chức năng thứ 2 là điều tiết kinh tế. “Việc điều chỉnh từ 10% lên 12% sẽ tác động như thế nào đến sản xuất kinh doanh của hàng vạn ngành nghề? đến tiêu dùng của các hộ gia đình? đến các biến số vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng, cán cân thanh toán, cán cân thương mại hay câu chuyện năng lực cạnh tranh?”
Chức năng thứ 3 mới là thu ngân sách. “Đánh giá 3 tác động đó chúng ta mới tìm ra được lý do tại sao điều chỉnh thuế suất phổ thông như vậy và liệu có phương án khác hay không, lộ trình thực hiện như thế nào. Sau khi có kết quả đánh giá một cách khoa học thực tế và rõ ràng thì mới hyvọng trả lời được việc tăng thuế là phù hợp hay chưa phù hợp”.
Ông Đào Huy Giám,Tổng thư kýDiễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam nêu quan điểm:Thuế VAT chiếm 25 - 27% trong tổng thu ngân sách, nhưng trong bối cảnh cải cách hệ thống thuế, thì điều này là chấp nhận được hợp lý với bối cảnh hiện nay.
“Nói rộng ra chút nữa thì với đề xuất VAT tập trung vào hàng hóa, nhưng thu từ hàng hóa dễ hơn dịch vụ, mà với xã hội phát triển thì cấu thành từ dịch vụ lại cao hơn. Đây là điểm cần cân nhắc”, ông Giám nói.
Vị này cũng nhận thấy rằng người thu nhập thấp có kết cấu tiêu dùng trong hàng hóa nhiều hơn, người thu nhập cao thì tiêu dùng nhiều dịch vụ hơn. Do vậy, hiệu quả của bộ máy thuế mà khai thác tốt trong lĩnh vực dịch vụ là trình độ cao hơn. “Ta có đặc điểm phải chú ý ngoài cái chuyện điều chỉnh sắc thuế là nâng cao năng lực tận thu nguồn thuế từ khu vực dịch vụ để chúng ta tạo nguồn, giảm sức ép thu trên hàng hóa”, ông Giám lưu ý.
Hoài Phong