Việc tòa án các cấp xét xử dồn dập mấy đại án tham nhũng cũng như việc xử lý kỷ luật trong Đảng vừa qua cho thấy thật đáng lo cho đất nước trước thực trạng tiêu cực, suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ quan chức hôm nay khi họ cấu kết với doanh nghiệp làm ăn bất chính...
Từ vụ cố ý làm trái, trục lợi tại Oceanbank khi họ "liên minh ma quỷ" với PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) rồi cho PVN rút lãi quá mức quy định đến vài trăm tỉ để lo quà cáp cho các nơi đến vụ Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc hội (đoàn Hà Nội), chủ tịch Housing Group, lừa đảo bán nhà trên giấy cho hàng trăm người rồi dùng tiền đó (khoảng 30 tỉ) đi "chạy" cái chân Đại biểu Quốc hội khoá 13 nhằm có một cái lý lịch đẹp như tranh để làm ăn. Đó là chưa kể bà ta còn nắm ngót nghét cả chục cái chức "uỷ viên hội hè" khác của uỷ ban này nọ đến nỗi bà ta ghi kín cả tấm danh thiếp nhằm giải quyết "khâu oai". Thử hỏi làm sao người ta không tin? Mục đích cuối cùng cũng là để làm vỏ bọc đi lòe thiên hạ cho dễ làm ăn mà thôi.
Từ vụ ông Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng kết luận vi phạm nhiều khuyết điểm nghiêm trọng, buộc phải cách chức bí thư cùng các chức vụ cấp uỷ viên khác của thành phố. BCH Trung ương thì cho ông thôi chức uỷ viên Trung ương. Một trong những vi phạm của ông có liên quan đến việc ông sử dụng bất minh nhà, xe của doanh nghiệp.
Trước đó là vụ rùm beng hy hữu qua hàng loạt sai phạm bị bung bét xuất phát từ chiếc xe Lexus 570 biển xanh của Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh. Chính từ đây mà bao nhiêu cán bộ liên đới với con đường quan lộ của Thanh (ở Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang... ) đã bị kỷ luật dính chùm. Tất cả đã bị lôi ra ánh sáng và đang trong vòng tố tụng với biết bao sai phạm không thể hình dung ra của ông ta trong nhiều năm thăng tiến đến kỳ lạ...
Điều này cho chúng ta thấy, mức độ tham nhũng của quan chức ngày nay đã khác xưa nhiều lắm, vừa trắng trợn vừa tinh vi quá! Họ không còn phải ý tứ gì nữa trước thiên hạ như ngày xưa. Chính những biểu hiện suy thoái đạo đức này khiến Đảng yếu đi nhanh chóng mà Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 vừa qua đã cảnh báo hết sức kịp thời, đúng lúc. Nghị quyết nói trên đã được đảng viên và quần chúng đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng khi những vụ việc điển hình đã và đang được lôi ra ánh sáng.
Trong cuốn "Cổ học tinh hoa" của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, một cuốn sách dạy cho con người ta biết sống sao cho phải đạo ở đời, tôi không quên được câu chuyện về vị quan thanh liêm Dương Chấn. Ông được bổ đi làm thái thú quận Đông Lai. Lúc đi phó nhậm, qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước từng được nhờ ông đề bạt mà lên, xin vào yết kiến. Xong, đợi đêm khuya, Vương Mật đem vàng đến lễ. Dương Chấn bảo: “Trước, tôi biết ông là người khá mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, nay lại còn đem vàng tới cho tôi ư?”. Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho, bây giờ đêm khuya không ai biết . Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết.” Vương Mật nghe nói, xấu hổ, lùi ra.
Dương Chấn thật là một ông quan thanh liêm, chỉ chăm việc dân, việc nước, không tham nhũng, không làm giàu cho mình, ông thường nói: “Làm quan mà để được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, chẳng quý hơn tiền của ruộng nương để lại cho chúng ư?” (Hậu Hán Thư). Cuốn sách mới có lời bàn: "Làm quan như ông Dương Chấn, đối với người mình đã đề bạt, không cần ơn, đối với người dân, mình cai trị không ăn lễ, lúc đêm khuya, tấm lòng cũng rõ rệt như lúc thanh thiên bạch nhật, cũng là một ông quan thanh liêm, làm gương cho bọn quan gian tham, lại nhũng muôn đời. Làm quan mà vơ vét cho nhiều, chính mình có chắc đâu sẽ giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Như thì để lại cho chúng cái tiếng thanh bạch, thơm tho muôn thuở, chả hơn là cái của phi nghĩa, chỉ tổ làm cho chúng kiêu sa, dâm dật, rồi đi đến bại vong ư?"
Nhưng đó là chuyện xửa xưa, so vậy e cũng khập khiễng quá. Chỉ lấy một ví dụ về chuyện quà cáp gần đây của một vị tướng thanh liêm nhưng rất "lạc hậu" với thời cuộc, với xã hội (dù phải nể trọng ông). Đó là thiếu tướng nhà văn Nguyễn Chí Trung, một người con xứ Quảng, từng làm trợ lý cho Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Nhà báo Hoàng Hải Vân kể: "Thời làm trợ lý Tổng bí thư, Nguyễn Chí Trung không vợ con, không nhà cửa, nơi ông ở là một căn phòng của tạp chí Văn nghệ quân đội, cơ quan cũ của ông. Nhà văn Nguyễn Bảo, Tổng biên tập tạp chí này hồi đó kể tôi nghe, có lần tạp chí in một tác phẩm của ông bị sai có mấy chỗ, ông đề nghị hủy bỏ in lại và rút tiền tiết kiệm của mình giao cho tạp chí để bù tiền giấy và công in, tạp chí nói không cần phải như vậy, nhưng ông nhất định phải trả tiền. Nguyễn Chí Trung trong sạch đến mức như thế đó. Có lần nhà thơ Thanh Thảo đùa với ông, "cứ tết là tôi đến nhà ông, có ai biếu rượu ngoại hay của ngon vật lạ gì ông không nhận thì tôi sẽ lấy mang về hết", ông ngây thơ bảo, chết chết làm thế không được đâu! Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng hay đùa với ông như vậy, ông mắng: Thằng này nói bậy!
Khi ông Lê Khả Phiêu gặp khó khăn trong công việc, ông (Nguyễn Chí Trung) bảo tôi (HHV) đi chỗ này chỗ kia nghe ngóng, nắm bắt giúp ông và không quên nhắc tôi khi đến đâu thì nhớ mang theo một chùm nhãn để biếu. Ông nhắc chuyện đó với giọng đầy lúng túng, vì đối với ông, biếu một chùm nhãn là đỉnh cao của hối lộ mà tư cách con người được phép. Tất nhiên tôi không hối lộ cho ai một chùm nhãn nào và chẳng đi nghe ngóng điều gì .
Còn hôm nay, đã có biết bao vụ quan chức nhận hối lộ bằng xe sang, bằng biệt thự lộng lẫy mà vẫn tưng tửng như không thì đáng sợ thật. Và rồi khi không nuốt trôi, bị người ta khai báo, họ mới phải trả lại như chúng ta đã biết qua vụ việc ở PVN .
Nhưng tôi tin chắc, cũng vẫn còn nhiều người khác nữa chưa bị lộ chứ không phải là đã hết. Gần đây, chúng ta được chứng kiến sự quyết liệt của Đảng, Chính phủ trong việc làm sạch bộ máy và cán bộ suy thoái. Những việc mà Đảng, Chính phủ cùng các cơ quan kiểm tra Đảng, cơ quan tố tụng của Nhà nước đã và đang làm khiến dư luận rất vui mừng và hy vọng sẽ ngăn chặn được ít nhiều.
Tuy nhiên, đã làm thì nên làm tới tận cùng, không nên ứng xử như vụ Châu Thị Thu Nga muốn khai mà không được khai. Nếu vẫn còn tư duy như thế, tôi e rằng hành vi tham nhũng của quan chức vẫn còn nơi núp bóng và vẫn có thể hoành hành trong xã hội.
Quốc Phong