Rạng sáng nay 29.3, đội U.23 Việt Nam đã thua Kyrgyzstan 4-5 trong loạt sút luân lưu sau khi hòa 0-0 và lợi thế hơn người từ phút 84 do cầu thủ Kyrgyzstan bị truất quyền thi đấu bởi nhận thẻ vàng thứ 2.

Từ Doha Cup: Chỉ có người Việt mới giúp bóng đá Việt phát triển

Đặng Hoàng | 29/03/2023, 10:40

Rạng sáng nay 29.3, đội U.23 Việt Nam đã thua Kyrgyzstan 4-5 trong loạt sút luân lưu sau khi hòa 0-0 và lợi thế hơn người từ phút 84 do cầu thủ Kyrgyzstan bị truất quyền thi đấu bởi nhận thẻ vàng thứ 2.

Ba trận thua cả ba, xếp vị trí cuối 10/10 tại Doha Cup, đây là kết quả phản ánh đúng thực trạng của bóng đá Việt Nam (BĐVN), và kết quả này lại rất tốt cho tương lai của BĐVN!

Ông Park Hang-seo là HLV giỏi, không ai có thể phủ nhận. Nhưng ông Park Hang-seo sẽ không thể thành công nếu như ông đến Việt Nam không phải vào thời điểm BĐVN vừa tham dự vòng chung kết U.20 World Cup 2017 với một thế hệ cầu thủ xuất sắc nhất, đồng đều nhất trong lịch sử BĐVN.

Những Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu, Đức Huy (Hà Nội); Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn, Hồng Duy (HAGL); Tiến Linh (Bình Dương), Xuân Mạnh (SLNA), Hà Đức Chinh (Đà Nẵng), thủ môn Bùi Tiến Dũng (Thanh Hóa), trung vệ Bùi Tiến Dũng (Viettel)... và Phan Văn Đức (SLNA) cầu thủ được phát hiện tại Giải U.21 năm 2017. Tất cả những cầu thủ này đều thi đấu chính thức hoặc thường xuyên vào sân thi đấu từ vị trí dự bị ở đấu trường V-League từ khi dưới 20 tuổi. Chính họ là bộ khung của đội U.23 tạo nên hiện tượng tại Giải U.23 châu Á 2018 với vị trí á quân.

Quan trọng hơn nữa, chính bầu Đức, khi đó là Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính đã thân chinh qua Hàn Quốc để trải thảm đỏ mời ông Park Hang-seo đến Việt Nam làm việc. Nếu bầu Đức không quyết liệt, quyết đoán, thậm chí HAGL Group còn chịu toàn bộ kinh phí để có được chữ ký của ông Park, thì BĐVN sẽ không thể có vị thế mới nếu như khi đó đã có những tính toán đưa một HLV Việt Nam lên làm HLV trưởng các đội U.23, tuyển quốc gia Việt Nam.

Kể lại câu chuyện của hơn 5 năm về trước, để thấy rằng những bước tiến ngoạn mục vượt ngoài dự đoán của BĐVN dưới triều đại HLV Park Hang-seo có sự đóng góp quan trọng, thậm chí là quyết định của những người điều hành VFF (như bầu Đức); của những sự đóng góp từ xã hội qua các học viện, lò đào tạo bóng đá trẻ HAGL, Hà Nội, Viettel, SLNA, Bình Dương, PVF…; qua Báo Thanh Niên rồi Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên khi tổ chức các giải U.19, U.21 Việt Nam và quốc tế… Cuối cùng là người Việt Nam quyết định chọn đúng HLV Park Hang-seo và giao cho ông đúng vị trí cùng quyền hạn, đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để HLV Park phát huy được tối đa năng lực.

Nhắc - nhớ lại để hiểu hơn: Chỉ có người Việt Nam mới có thể giúp BĐVN phát triển!

HLV Park Hang-Seo đến với BĐVN khác xa HLV Philippe Troussier đến với BĐVN

HLV Philippe Troussier chỉ có thuận lợi duy nhất so với HLV Park Hang-seo là ông Troussier từng có 3 năm làm việc, có điều kiện tiếp tiếp xúc bóng đá trẻ Việt Nam và ông hiểu văn hóa cùng phong cách làm việc của người Việt Nam trong môi trường bóng đá.

Thế nhưng, HLV Troussier lại thừa hưởng một V-League 2023 thua sút toàn diện V-League 2018, thời điểm mà HLV Park đến VN; thừa hưởng một hệ thống bóng đá chuyên nghiệp VN “đầu to, đít teo” không giống ai trên thế giới bóng đá; thừa hưởng một lực lượng của ông Park đã sa sút phong độ cùng thế hệ mới với đa số cầu thủ chưa được đá V-League; thừa hưởng môt bộ máy phụ trách chuyên môn, điều hành kém cỏi, cộng thêm căn bệnh thành tích của VPF, VFF khi họ quyết định V-League 2023 dừng 46 ngày để tập trung bóng đá trẻ U.20 rồi dừng tiếp 32 ngày cho đội U.22 chơi SEA Games. Nếu như ông Park đến Việt Nam trong bối cảnh kinh tế phát triển, ngược lại ông Troussier đến Việt Nam trong hoàn cảnh kinh tế nước ta muôn trùng khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cả nền BĐVN.

Và, ngày ông Park ra đi cũng là lúc BĐVN đã chạm ngưỡng: muốn vươn lên tầm cao mới, tầm cao nhóm đầu châu Á để biến giấc mơ có mặt ở vòng chung kết World Cup thành hiện thực thì bắt buộc ngôi nhà BĐVN được xây dang dở từ thời ông Park phải được sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện hơn từ nền móng cho đến nóc nhà.

Nên nhớ sự nghiệp HLV thành công rực rỡ nhất của ông Troussier là những năm tháng ông làm việc ở Nhật Bản. Nhưng tại sao ông thành công?

Ông Troussier đến Nhật Bản khi J-League đã hình thành và ngày càng phát triển, J-League đã nâng tầm đội tuyển Nhật Bản. Ông đến khi Nhật Bản đã tham dự Word Cup 1998 tại Pháp; ông đến đúng thời điểm bóng đá Nhật có thế hệ trẻ tài năng khi giành á quân U.20 World Cup 1999, rồi vào tứ kết Olympic 2000 và phần lớn cầu thủ đội này tham dự đội tuyển quốc gia rồi vô địch Asian Cup 2000. Sau đó, hầu như ai cũng biết, ông Troussier đã dẫn dắt đội Nhật Bản vượt qua vòng bảng để vào vòng 1/8 khi là nước đồng chủ nhà Wolrd Cup 2002.

Có nghĩa là thành công ở Nhật Bản của HLV Troussier ngoài tài năng của ông còn có tiếng nói quyết định không nhỏ của những người làm bóng đá Nhật Bản.

Sẽ khập khiễng khi so sánh giữa hai thời điểm HLV Troussier đến Nhật Bản với HLV Park đến Việt Nam, nhưng thành công của hai ông đều có điểm chung là hai ông đã đến khi cả hai nền bóng đá Nhật Bản và Việt Nam cùng xuất hiện thế hệ cầu thủ trẻ tài năng.

Nhắc lại chuyện hơn 20 năm trước của ông Troussier để chúng ta càng hiểu và thấy rõ hơn ông Troussier sẽ vất vả và khó khăn hơn rất, rất, rất nhiều khi nhận trọng trách làm HLV U.22, U.23, đội tuyển Việt Nam.

Cần kiên nhẫn vì HLV Troussier là giải pháp tốt nhất cho BĐVN

Vì sao Một Thế Giới lại nhận định như thế?

Sẽ không có bất kỳ HLV nào trên thế giới dù có giỏi đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể đưa đội tuyển Việt Nam đến vòng chung kết World Cup khi BĐVN không có hệ thống và không có cấu trúc giải quốc gia tốt.

Chúng ta đặc biệt là những người phụ trách chuyên môn BĐVN cần nhìn thẳng vào thực trạng BĐVN để có những giải pháp phát triển; ngược lại, BĐVN sẽ sớm trượt dốc không phanh.

Cùng nghe HLV Troussier trả lời truyền thông sau Doha Cup khi đội U.23 Việt Nam thua cả 3 trận với 7 bàn thua và không ghi được bàn thắng nào: "Chúng tôi sẽ trở về Hà Nội với một hành trang đầy ắp những tư liệu, thông tin đánh giá cầu thủ cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong thi đấu. Tất nhiên, sẽ có những quan điểm đối lập, khi U.23 Việt Nam không thắng được trận nào. Nhưng tôi tin U.23 Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng, cho hành trình trước mắt là SEA Games 32 tại Campuchia".

Tôi không thấy tiếc nuối hay hối hận điều gì sau 3 thất bại ở giải U.23 Doha Cup này. Bản thân các cầu thủ U.23 Việt Nam thật sự không được thi đấu nhiều trong 6 tháng đã qua. Họ chưa có được trạng thái tốt nhất, phong độ cao nhất khi tập trung U.23 Việt Nam. Vậy nên với tôi và Ban huấn luyện, U.23 Doha Cup là nơi để các cầu thủ trải nghiệm, có thể cơ hội thi đấu những trận đấu lớn với các đối thủ lớn. Từ những trận đấu này, họ sẽ vỡ ra nhiều bài học cho bản thân, biết được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình. Tôi đã nói, để có được bài học lớn thì sẽ phải trả giá đắt. Xin được nhấn mạnh, U.23 Việt Nam vẫn đang đi từng bước hướng đến SEA Games”.

Từ đây chúng ta thấy HLV Troussier quá hiểu BĐVN, quá hiểu năng lực của các cầu thủ được cho là giỏi nhất của BĐVN hiện nay. Ông cũng hiểu bệnh thành tích của BĐVN nên ông vẫn nhấn mạnh đến SEA Games 32 vào tháng 5 tới, và ông chưa nói đến những mục tiêu cao hơn của BĐVN, vì hơn ai hết, ông quá hiểu đâu là năng lực thật của BĐVN so với mặt bằng Đông Nam Á chứ chưa nói đến tầm châu Á và xa vợi hơn nữa là World Cup.

Do đó ông Troussier là sự chọn tốt nhất cho BĐVN hiện nay, khi chỉ chưa đến một tháng làm việc, ông đã cho người hâm mộ BĐVN thấy nhiều và rất nhiều thứ nghiệp dư bên trong của BĐVN. Ông cũng nói lên được bản chất của BĐVN, đó là: Nhiều người làm bóng đá ở Việt Nam có lực, có tâm huyết nhưng chưa có sự thống nhất. Cần tách bạch rõ giữa những nhà đầu tư tài chính với các nhà chuyên môn. Người có tiền hay đầu tư không phải là người quyết định tất cả, họ chỉ hỗ trợ trước những quyết định của các nhà chuyên môn!

BĐVN nên hiểu rõ vấn đề rất quan trọng này.

Còn những cá nhân hay một nhóm người nào dù tài giỏi đến đâu, dù có là những chuyên gia hàng đầu thế giới hoặc giàu có như thế nào đi chăng nữa cũng chỉ là hỗ trợ cho BĐVN thêm mạnh mẽ.

Nhưng VFF cụ thể là Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Trần Anh Tú có nghĩ đến phương án mời một người Việt Nam nào đủ giỏi, đủ năng lực để tư vấn, để phản biện với HLV Troussier nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho các đội tuyển ông Troussier hiện nay đang phụ trách, thay vì để ông Troussier bơi tự do, bơi đơn độc như hiện nay?

VFF nên nhớ rằng: Chỉ có người Việt Nam mới hiểu, mới tập hợp được sức mạnh để giúp BĐVN thay đổi và phát triển!

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ Doha Cup: Chỉ có người Việt mới giúp bóng đá Việt phát triển