Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLaw, nhiều hoạt động đấu thầu, nhất là các gói thầu của các đơn vị công thường chứa nhiều tiêu cực, không khách quan. Nhiều gói thầu có giá trị thường bị sắp xếp cho những doanh nghiệp thân hữu trúng thầu.

Từ vụ Nhật Cường, giải pháp nào bịt lỗ hổng trong đấu thầu?

04/12/2019, 12:20

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLaw, nhiều hoạt động đấu thầu, nhất là các gói thầu của các đơn vị công thường chứa nhiều tiêu cực, không khách quan. Nhiều gói thầu có giá trị thường bị sắp xếp cho những doanh nghiệp thân hữu trúng thầu.

Nhiều lãnh đạo Sở KH-ĐT Hà Nội bị khởi tố liên quan đến Nhật Cường - Ảnh: Internet

Ngày 3.12, bên hành lang kỳ họp thứ 11 HĐND TP.Hà Nội khóa 15, trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến một số cán bộ của Sở KH-ĐT Hà Nội vừa bị bắt tạm giam do liên quan đến vụ án Nhật Cường, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết cơ quan điều tra đang vào cuộc và sẽ có kết luận cụ thể.

"Nguyên tắc cơ quan điều đã làm rồi thì phải để cơ quan điều tra, còn mình phải hợp tác với cơ quan điều tra" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói và cho biết các phần mềm do Nhật Cường cung cấp như dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, phần mềm đăng ký doanh nghiệp, phần mềm đăng ký kinh doanh qua mạng... vẫn hoạt động bình thường.

Trong phần thảo luận tại tổ, theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, khi bắt đầu xây dựng chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin của TP.Hà Nội đã mời các tập đoàn lớn, các công ty làm công nghệ thông tin vào, công khai các dự án. Thời điểm đó, Viettel đồng ý xây dựng trung tâm công nghệ thông tin, FPT nhận nghiên cứu giao thông thông minh, GMC thì xây dựng bản đồ số về đất đai.

“Còn Nhật Cường nhận xây dựng dịch vụ công, là cái khó nhất, vì phải lọ mọ từ phường, xã gặp cán bộ để hiểu quy trình công tác thì mới số hóa được nó. Những việc đó chẳng ai làm" - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết và nói tự tin về chương trình công nghệ thông tin này, Hà Nội khởi động chậm, nhưng có thể đón đầu để tiếp cận với phiên bản 2.0, 3.0 mà hiện thế giới đang triển khai.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho hay: "Hà Nội sẽ xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh, tích hợp với phòng chống tội phạm, phục vụ báo chí, nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng biển số xe, bản đồ úng ngập… tất tần tật ở trong này. Đề án này đã giao cho các quận, huyện xây dựng dự án camera giám sát, thành phố xây dựng trung tâm điều hành. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành trong tháng 6.2020".

Cũng trả lời về vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, cho biết Sở này đang tranh tra, rà soát lại việc đấu thầu, đã có báo cáo với Thành ủy Hà Nội và UBND TP.Hà Nội.

Trước đó, vào cuối năm 2016, Sở KH-ĐT TP.Hà Nội đã có Quyết định Phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói thầu “Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội của Sở KH-ĐT - năm 2016”.

Kế hoạch đấu thầu gói thầu này được thực hiện dựa trên đề nghị của Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh số 01 - Sở KH-ĐT TP Hà Nội. Đây là đơn vị bà Phạm Thị Kim Tuyến từng làm người phụ trách phòng.

Giá trị gói thầu là hơn 42,9 tỉ đồng được lấy từ nguồn vốn chi sự nghiệp khoa học công nghệ (nghiệp vụ ngoài định mức) năm 2016. Thời gian thực hiện hợp đồng là 270 ngày, tính từ ngày kí hợp đồng.

Công ty Nhật Cường và Công ty Đông Kinh đã liên danh để thực hiện đấu thầu. Gói thầu được mở thầu ngày 23.12.2016, đơn vị trúng thầu là liên danh Nhật Cường – Đông Kinh. Hợp đồng được ký sau đó 3 ngày vào ngày 26.12.2016.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLaw, từ vụ việc này, có thể thấy nhiều hoạt động đấu thầu, nhất là các gói thầu của các đơn vị công thường chứa nhiều tiêu cực, không khách quan. Nhiều gói thầu có giá trị thường bị sắp xếp cho những doanh nghiệp thân hữu trúng thầu.

Theo ông Hà, nguyên nhân là do công tác tổ chức đấu thầu đang vẫn có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng.

“Trước đây chúng ta chỉ chú ý đến việc giám sát tổ chức, cá nhân thực hiện thầu mà chưa tính đến việc phải giám sát cả chính cơ quan quản lý thầu. Trong khi vụ việc trên cho thấy chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm tổ chức đấu thầu”, ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, trong thời gian xảy ra sai phạm, bên mời thầu đã có sự “ưu ái” cho Nhật Cường khi để Nhật Cường trúng gói thầu hàng trăm tỉ đồng trong khi công ty này có nhiều những dấu hiệu không minh bạch. Chỉ đến nay, khi việc vi phạm này gây ra hậu quả nghiêm trọng, những cá nhân sai phạm mới được phát hiện và xử lý.

“Việc thông thầu, các công ty sân sau của quan chức trúng thầu những dự án lớn đang là một vấn nạn, việc hoàn thiện pháp luật đấu thầu chưa đủ mà quan trọng là công tác hậu kiểm. Khi phát hiện những tiêu cực cần xử lý nghiêm”, ông Hà nêu.

Luật sư này cũng cho rằng, các dự án có vốn đầu tư của Nhà nước hiện nay được quản lý đầu tư theo quy trình khép kín. Bộ, ban ngành, địa phương nào cũng có dự án và cũng có doanh nghiệp trực thuộc, doanh nghiệp “thân quen”, vì thế, việc xảy ra tiêu cực trong đấu thầu để giành dự án cho công ty thân quen là không thể tránh khỏi.

“Thực trạng này khiến dư luận hết sức lo ngại về tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh cũng như đặt những dấu hỏi lớn về “lợi ích nhóm” trong hoạt động đấu thầu. Để tạo môi trường cạnh tranh minh bạch trong đấu thầu, rất cần sự xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những đối tượng vi phạm. Tránh tình trạng dù có kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng việc xử lý chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc” dẫn đến nhờn chế tài”, ông Hà nhấn mạnh.

Đưa vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng

Trước đó, ngày 29.11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và các đơn vị có liên quan.

Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 28.11.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở KH-ĐT TP.Hà Nội và các đơn vị có liên quan.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt, khám xét với ông Nguyễn Tiến Học (cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), bà Phạm Thị Kim Tuyến (Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) và Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh).

Ngoài ra, bị can đang bị truy nã Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Nhật Cường, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường, cũng bị khởi tố bổ sung tội danh này.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ vụ Nhật Cường, giải pháp nào bịt lỗ hổng trong đấu thầu?