Dầu lửa xưa nay vẫn được xem là mặt hàng mang ý nghĩa sống còn với nền kinh tế Ả Rập Saudi, khoảng 2/3 lượng dầu xuất khẩu của nước này tới các khách hàng là các quốc gia châu Á.

Tương lai dầu lửa: Khi Ả Rập Saudi hướng Đông

Nhàn Đàm | 28/03/2017, 18:18

Dầu lửa xưa nay vẫn được xem là mặt hàng mang ý nghĩa sống còn với nền kinh tế Ả Rập Saudi, khoảng 2/3 lượng dầu xuất khẩu của nước này tới các khách hàng là các quốc gia châu Á.

Chuyến công du của nhà vua Ả Rập Saudi là Salman bin Abdulaziz đến các quốc gia châu Á ở thời điểm hiện tại được mô tả như một chuyến thăm thường lệ để tăng cường quan hệ thương mại đã và đang diễn ra giữa Saudi và châu Á, đồng thời cũng được xem là một nỗ lực nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế (khác Mỹ) và thu hút đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Saudi.

Trên thực tế, nó bao gồm tất cả các mục đích nói trên. Dầu lửa từ xưa đến nay vẫn được xem là mặt hàng mang ý nghĩa sống còn với nền kinh tế Ả Rập Saudi, nhưng tương lai sau chuyến đi này thì dường như là không.

Một thực tế là khoảng 2/3 lượng dầu xuất khẩu của Ả Rập Saudi tới các khách hàng là các quốc gia châu Á. Điều này kết hợp với mộtthực tế khác là tại Trung Đông hiện nay Mỹ đang dần chuyển hướng sang một mối quan hệ với Iran và giảm dần vai trò của Saudi tại khu vực, đã khiến cho tầm quan trọng của châu Á đang trở nên lớn hơn nhiều trong con mắt của các nhà lãnh đạo tại Riyadh.

Bằng việc bắt đầu các thỏa thuận đầu tư với Malaysia, Indonesia, Nhật Bản và Trung Quốc, Ả Rập Saudi đang hy vọng tạo ra được sự đa dạng trong nền kinh tế của mình, cũng như sự hiện diện có tầm quan trọng ngày càng lớn hơn tại khu vực châu Á. Quan hệ hợp tác giữa Saudi và châu Á đã trở nên quan trọng hơn trong một thập kỷ qua, và được tăng cường đáng kể vào năm 2016 khi châu Á chính thức vượt qua Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn nhất với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.

Ở thời điểm hiện tại, 83% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản là từ vùng Vịnh, trong đó khoảng hơn 1/3 là từ Ả Rập Saudi. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước khá tốt từ thời điểm những năm 1938, khi các phái viên Saudi đến thăm Nhật Bản và được phép mở một nhà thờ Hồi giáo ở Tokyo.

Toyota Land Cruiser là chiếc SUV bán chạy nhất và nổi tiếng nhất tại Saudi, và Toyota Motor thì đang được Saudi yêu cầu thực hiện sản xuất một số dòng xe nhất định thông qua nội địa hóa.

Các mục tiêu khác của Saudi trong chuyến thăm Nhật Bản lần này là đưa nước này trở thành một trung tâm sản xuất phụ tùng cho ngành công nghiệp xehơi toàn cầu, và đưa tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Điều này đang biến vụ IPO của Saudi Aramco trở thành thương vụ IPO lớn nhất thế giới với sự cạnh tranh khốc liệt từ các sàn chứng khoán New York, London, Hong Kong và Singapore, và giờ đây là cả Tokyo nữa.

Vai trò và tầm quan trọng của Trung Quốc trong chiến lược của Saudi ở chuyến công du lần này lại tỏ ra khác hẳn. Trung Quốc hiện là một trong số những thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Mỹ.

Trung Quốc hiện cũng đang có nhu cầu bảo đảm nguồn cung về năng lượng trong quá trình phát triển của mình, và điều này cho phép Saudi củng cố sự hiện diện của mình ở thị trường châu Á trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ phía Nga.

Dù lượng dầu xuất khẩu của Saudi vào Trung Quốc hiện tại còn cao hơn vào thị trường Mỹ, nhưng Trung Quốc hiện nay lại có xu hướng gia tăng mua thêm dầu từ Nga hơn là từ Saudi như một cách đa dạng hóa nguồn cung. Vì thế, chuyến thăm Trung Quốc của nhà vua Salman được kỳ vọng sẽ đảo ngược tình hình, và thực tế là các hợp đồng có tổng trị giá lên tới 65 tỉ USD đã được ký kết giữa hai nước, với phần lớn là các hợp đồng trong lĩnh vực năng lượng.

Một vấn đề quan trọng khác là bản kế hoạch xây dựng một hành lang vận tải biển thương mại kéo dài tới châu Âu của Trung Quốc, trong đó Ả Rập Saudi giữ một vai trò không hề nhỏ. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ xây dựng một loạt các cảng biển chiến lược kết nối nước này với Ấn Độ Dương, Biển Đỏ, kênh đào Suez và đích đến là cảng Piraeus tại Hy Lạp.

Trong khi đó, vận tải cũng được xem là một lĩnh vực quan trọng trong bản kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Saudi với mục tiêu tăng thứ hạng vận tải toàn cầu từ mức 52 trong năm 2016 lên vị trí 25 vào năm 2030. Theo thống kê, khoảng hơn 10% thương mại hàng hải toàn cầu mỗi năm được vận chuyển qua Biển Đỏ - vùng biển mà Saudi giữ một vai trò gần như quyết định.

Cònvới các thị trường Indonesia và Malaysia, Ả Rập Saudi lại hướng tới việc tập trung vào lĩnh vực lọc dầu. Khác với Nhật Bản và Trung Quốc, đây là chuyến thăm Indonesia lần đầu tiên của một vị vua Ả Rập Saudi trong vòng 47 năm qua.

Một hợp đồng đầu tư trị giá 6 tỉ USD giữa Saudi Aramco và Pertamina đã được ký kết để mở rộng một nhà máy lọc dầu ở Indonesia. Tại Malaysia, một thỏa thuận trị giá 7 tỉ USD đã được hoàn tất để phát triển một nhà máy lọc dầu có thể cung cấp khoảng 70% nhu cầu. Đây được xem là dự án đầu tư lớn nhất của Saudi Aramco ở nước ngoài từ trước đến nay.

Tuy nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa là Saudi sẽ phớt lờ hoặc giảm tầm quan trọng của các quốc gia đồng minh cũ.

Khi vua Salman thăm Trung Quốc lần này, thì vị Phó vương là hoàng tử Mohammed bin Salman đã tới Mỹ để gặp Tổng thống Donald Trump. Một khoản đầu tư trị giá khoảng 200 tỉ USD trong vòng 4 năm tới vào Ả Rập Saudi đã được Nhà Trắng tuyên bố.

Phần lớn các dự án tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, cơ sở hạ tầng và công nghệ. Với Saudi, cả Mỹ lẫn châu Á đều đóng một vai trò quan trọng riêng trong chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế của mình để khỏi phụ thuộc vào dầu lửa trong tương lai của nước này.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tương lai dầu lửa: Khi Ả Rập Saudi hướng Đông