Công ty TNHH Grabtaxi được cấp phép mở văn phòng đại diện từ năm 2016 tại Đà Nẵng dù UBND TP này năm lần bảy lượt ra văn bản từ chối cho Grab hoạt động. Một năm qua, Sở GTVT Đà Nẵng đã xử phạt số tiền hơn 1 tỉ đồng liên quan việc Grabcar chạy chui.
Theo tìm hiểu, văn phòng đại diện của Công ty TNHH Grabtaxi được Sở Kế hoạch – Đầu tư Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận lần đầu vào ngày 17.10.2016. Văn phòng này đăng ký thay đổi lần 1 vào ngày 26.1.2018 và hiện đóng tại số 324 đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).
Theo ghi nhận, văn phòng này hiện tại hoạt động rất rầm rộ. Mỗi ngày có cả trăm lượt người đến tìm hiểu, đăng ký hoặc giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động của grabcar, grabbike.
Nếu muốn, mọi tài xế đều được nhân viên văn phòng này hướng dẫn rất cụ thể, với nhiều bước phải hoàn tất để được tham gia dịch vụ của Grab.
Cụ thể nếu ô tô là đăng ký cá nhân, chủ phương tiện trước tiên phải lắp hộp đen, đăng kiểm lại sang hình thức kinh doanh. Bảo hiểm cũng được nâng cấp lên bảo hiểm kinh doanh.
Ngoài ra, hồ sơ của chủ phương tiện còn phải có giấy khám sức khỏe, lý lịch tư pháp (gồm CMND, hộ khẩu). Đáng chú ý là nhân viên văn phòng Grab sẽ hướng dẫn chủ phương tiện đến các địa điểm ở TP.Đà Nẵng để làm các giấy tờ này nhanh nhất có thể.
Đặc biệt, chủ phương tiện sẽ phải làm giấy xác nhận xã viên, tham gia vào một hợp tác xã do văn phòng đại diện này giới thiệu.
Mỗi ngày có cả trăm lượt người đến tìm hiểu, đăng ký lần đầu hoặc giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động của Grabcar, Grabbike
Không thể cấm mở văn phòng đại diện
Lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KHĐT Đà Nẵng xác nhận đã cấp phép cho Grab mở văn phòng đại diện tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, Sở này cho rằng văn phòng này chỉ có chức năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm chứ hoàn toàn không được triển khai hoạt động kinh doanh, không được tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký chạy Grab của người dân. Chỉ khi nào Grab được mở chi nhánh tại Đà Nẵng thì mới đủ điều kiện hoạt động các ngành nghề.
“Văn phòng đại diện chỉ được giới thiệu sản phẩm của công ty chứ hoàn toàn không được kinh doanh ở đó. Nếu Grab triển khai các hoạt động ở đây thì đó là hoạt động chui. Thực tế Sở GTVT cũng không đồng ý cho Grab triển khai hoạt động ở Đà Nẵng”, lãnh đạo phòng đăng ký kinh doanh, Sở KHĐT Đà Nẵng khẳng định.
Người này cho rằng, dù UBND TP.Đà Nẵng không cho phép Grab hoạt động ở địa bàn, nhưng không có cơ sở nào để cấm doanh nghiệp này mở văn phòng đại diện.
“Doanh nghiệp đã được vào Việt Nam, đăng ký trụ sở tại TP.HCM, do đó họ có quyền đề nghị mở văn phòng đại diện. Có thể không cho Grab hoạt động tại Đà Nẵng chứ không có cơ sở nào để cấm họ mở văn phòng đại diện. Tuy nhên phải khẳng định lại là văn phòng này chỉ có chức năng quảng bá cho công ty, nếu có các hoạt động kinh doanh thì đó là sai, trái với chức năng của văn phòng theo giấy phép do sở cấp”, lãnh đạo Sở KHĐT Đà Nẵng cho biết.
Sở KHĐT Đà Nẵng khẳng định văn phòng đại diện chỉ là nơi để quảng bá nhưng Grab đang tiến hành các hoạt động kinh doanh rầm rộ
Sở này cũng cho rằng, chức năng quản lý hoạt động vận tải là của Sở GTVT. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP cấm Grabcar hoạt động, nếu phát hiện văn phòng đại diện Grab hoạt động không đúng ngành nghề hoặc kinh doanh ngành nghề không đủ điều kiện thì Sở GTVT có văn bản đề nghị để Sở KHĐT tạm dừng giấy phép kinh doanh.
Thực tế Sở GTVT cũng chưa từng có văn bản nào gửi Sở KHĐT Đà Nẵng dù một năm qua, Sở GTVT đã xử phạt số tiền hơn 1 tỉ đồng liên quan việc Grabcar chạy chui.
Có cần đóng thuế tại Đà Nẵng?
Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng Nguyễn Đình Ân cho biết, do Grab chỉ có văn phòng đại diện ở Đà Nẵng nên 2 năm qua doanh nghiệp này không đóng thuế ở đây.
Liên quan chuyện đóng thuế của Grab, luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN) cho biết, theo pháp luật về thuế thì hoạt động thu thuế sẽ thu trên chủ thể đóng thuế là nơi đặt trụ sở công ty hoặc chi nhánh của công ty mà có hình thức kê khai thuế độc lập. Nếu chỉ hình thức văn phòng đại diện thì việc thu thuế tại đầu mối trụ sở chính.
Tuy nhiên, nếu nói đến dịch vụ như Grab đang triển khai thì Grab dưới danh nghĩa một nhà cung cấp hệ thống phần mềm, công nghệ phục vụ cho hoạt động giao kết hợp đồng vận tải qua hình thức đặt chỗ, tính phí thì luật pháp về thuế hiện nay cần phải xem xét lại cách tính thuế để xem có thất thu về thuế hay không.
Ông cho rằng cần hoàn thiện pháp luật để tránh mất thuế bởi điều kiện hiện nay, cảm nhận rằng pháp luật chưa theo kịp, chưa điều chỉnh hết các quy định, chưa bao quát được các trường hợp người ta giao kết hợp đồng vận chuyển qua phương thức điện tử thông minh, do đó thuế vẫn bị mất.
“Có hiện tượng là hoạt động của Taxi truyền thống đang bị kiểm soát theo cách truyền thống và phải chịu thuế, chịu chi phí vận hành kinh doanh nhiều hơn, do đó hiện nay đang có giá cao hơn khi thu từ khách hàng. Trong khi đó, khách hàng lại sẽ chọn phương thức vận chuyển nào rẻ hơn. Do đó, nếu hoàn thiện pháp luật để đảm bảo thu thuế bình đẳng giữa hai bên thì có sẽ giá cả được điều chỉnh”, luật sư Lê Cao cho biết.
Bài, ảnh: Thạch Châu