Chiều 15.8, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, về phạm vi đối tượng áp dụng, đại đa số đồng tình không mở rộng phạm vi đối tượng cảnh vệ, không tăng biên chế, không tổ chức lực lượng cảnh vệ cấp dưới, chỉ tổ chức ở Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không tăng thêm đối tượng được cảnh vệ

Trí Lâm | 15/08/2016, 18:56

Chiều 15.8, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, về phạm vi đối tượng áp dụng, đại đa số đồng tình không mở rộng phạm vi đối tượng cảnh vệ, không tăng biên chế, không tổ chức lực lượng cảnh vệ cấp dưới, chỉ tổ chức ở Trung ương.

Không tăng đối tượng được cảnh vệ

Tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình dự thảo Luật Cảnh vệ. Theo đó, so với Pháp lệnh hiện hành, dự thảo Luật Cảnh vệ đã mở rộng đối tượng cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, bao gồm: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng và Nhà nước cần phải được xem xét cẩn thận trên các tiêu chí: Đối tượng cảnh vệ phải là người có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh chính trị, lợi ích quốc gia, dân tộc, cần có chế độ bảo vệ đặc biệt.

Thực tiễn hoạt động của hệ thống chính trị nước ta là lãnh đạo Đảng, Nhà nước gắn bó mật thiết với nhân dân; Cân đối với yêu cầu bảo vệ các đối tượng khác trong hệ thống chính trị; Môi trường chính trị - xã hội ở nước ta; Phân biệt rõ giữa “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ” để bảo đảm phát huy hiệu quả và phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác, tránh chồng chéo, tổ chức cồng kềnh.

Qua thảo luận, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành.

Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, đa số ý kiến Thường trực UBQPAN nhất trí giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành vì khi bổ sung các đối tượng cảnh vệ mới thì một số chức danh Bộ trưởng khác như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an… cũng có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng phải được bổ sung.

"Như vậy sẽ tăng biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ và làm cho dư luận quốc tế hiểu lầm vì an ninh, trật tự ở Việt Nam phức tạp nên phải mở rộng đối tượng cảnh vệ" - ông Việt nói.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung chi tiết các quy định về quyền tự do cá nhân và trách nhiệm của đối tượng cảnh vệ; Có đánh giá sâu sắc hơn về tầm quan trọng, đóng góp của lực lượng cảnh vệ đối với việc đảm bảo an ninh quốc gia; Rà soát từng nội dung của dự thảo Luật để tránh mâu thuẫn với các Luật khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho biết, về phạm vi đối tượng áp dụng, đại đa số đồng tình không mở rộng phạm vi đối tượng cảnh vệ. Đại đa số nhất trí không tăng biên chế, không tổ chức lực lượng cảnh vệ cấp dưới, chỉ tổ chức ở Trung ương. Tuy nhiên, rà soát thêm những nơi, khu vực trọng yếu để lựa chọn đúng để đưa vào trong luật.

Quy định chặt chẽ trường hợp được nổ súng

Liên quan đến việc quy định các trường hợp được nổ súng của lực lượng cảnh vệ được quy định tại Điều 19, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm cho rằng, nếu quy định quá khắt khe với các trường hợp được nổ súng thì lực lượng cảnh vệ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, sợ vi phạm pháp luật, và thậm chí không dám sử dụng súng thì sẽ rất nguy hiểm cho việc bảo vệ các đối tượng cảnh vệ, trong đó có các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đều đồng tình và cho rằng việc quy định cụ thể về các trường hợp lực lượng cảnh vệ được nổ súng bảo vệ đối tượng cảnh vệ tại Luật này là cần thiết. Cụ thể, ngoài việc thực hiện các quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Luật này cần quy định cụ thể những trường hợp được nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối, an toàn đối tượng cảnh vệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc quy định các trường hợp được nổ súng cần phải được quy định hết sức chặt chẽ, bởi nó liên quan đến quyền sống chết của con người. Tuy nhiên, quy định về các trường hợp nổ súng tại dự thảo Luật còn quá sơ lược, do vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thiết kế lại để quy định bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng.

Ông Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh, về sử dụng vũ khí khi thi hành nhiệm vụ, đại đa số đều cho rằng quy định là cần thiết nhưng phải đúng nguyên tắc và không trái với luật khác.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, về việc sử dụng vũ khí, cần cân nhắc quy định một số trường hợp được nổ súng. Đây là lực lượng làm nhiệm vụ, được sử dụng trong trường hợp cấp bách như thế nào cần phải quy định rõ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ, việc quy định việc các chiến sỹ cảnh vệ được nổ súng để thực hiện nhiệm vụ phải được liệt kê chi tiết trong từng trường hợp cụ thể, lực lượng cảnh vệ cần phải được huấn luyện chặt chẽ trong từng tình huống, tùy vào tình thế, cân nhắc cẩn thận mức độ nguy hiểm mà sử dụng vũ khi, nổ súng theo trình tự cảnh cáo, gây thương tích và tiêu diệt.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không tăng thêm đối tượng được cảnh vệ