Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết văn hóa không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền” mà trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế, gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng: Văn hóa không phải lĩnh vực 'chỉ biết tiêu tiền'

Hoài Lam | 17/12/2022, 11:26

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết văn hóa không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền” mà trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế, gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Cần chính sách phát triển công nghiệp văn hóa

Tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" diễn ra ngày 17.12, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường đã mang lại nhận thức mới về vai trò, giá trị nội sinh của văn hóa.

“Đây không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận; không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền” mà là lĩnh vực trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế, nhiều giá trị gia tăng nhờ đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa là phương thức để chuyển hóa nguồn tài nguyên “mềm” văn hóa, vốn văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trên thị trường, tạo ra các nguồn lực kinh tế để tái đầu tư; làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, thực sự trở thành một trụ cột năng động trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

“Mang bản chất là những ngành sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng phát triển rất lớn và đang trở thành tâm điểm của nền kinh tế mới. Nhận thức rõ điều này, chúng ta đã đạt được sự thống nhất rằng đầu tư vào lĩnh vực văn hóa cũng chính là đầu tư phát triển”, ông Thắng nói.

thang.jpg
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng

Theo đó, ông Thắng nhấn mạnh cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số cùng với hạ tầng văn hóa - xã hội. Phát triển văn hóa sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia, các di sản văn hóa và khai phá tiềm năng du lịch văn hóa của các địa phương.

Ông Thắng cho rằng các ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa rất đa dạng, có thể kể đến như: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa... Do đó, cần xây dựng chiến lược, kế hoạch ưu tiên phát triển, tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực, ngành chủ chốt, có tiềm năng, thế mạnh trên phạm vi quốc gia cũng như ở từng địa phương.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho hay TP.HCM đã xác định ngành công nghiệp điện ảnh và công nghiệp âm nhạc là một trong 8 ngành tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Theo ông Đức, doanh thu ngành điện ảnh năm 2010 đạt 3.822 tỉ đồng, năm 2015 là 6.016 tỉ đồng, đến năm 2020 đạt 6.732 tỉ đồng. Đến nay, ngành điện ảnh đóng góp khoảng 0,35% cho GRDP của thành phố.

Đối với lĩnh vực công nghiệp âm nhạc, TP.HCM vừa là không gian, vừa là thị trường thu hút các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa quốc tế. Những năm gần đây, thành phố tập trung xây dựng những mô hình âm nhạc với kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của khát vọng Việt.

“Tỷ lệ đóng góp của ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung và âm nhạc nói riêng vào sự phát triển kinh tế của thành phố còn khiêm tốn, chưa tương xứng với vị trí vai trò của ngành. Ngành nghệ thuật biểu diễn chưa có sự phát triển đột phá, đây là một thực tế để chúng ta có các giải pháp thiết thực hơn trong những năm tới”, ông Đức nói.

Ngoại giao văn hóa làm tăng sức mạnh “mềm” quốc gia

Đề cập đến vấn đề ngoại giao văn hóa, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho hay chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 đã góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế; thu hút đầu tư, du lịch, đóng góp vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước; đồng thời góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia.

Theo đó, các lễ hội văn hóa và danh hiệu/di sản UNESCO đã góp phần thu hút mạnh mẽ khách du lịch và giúp nhiều địa phương chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa trên một trong những trụ cột là phát triển du lịch và khai thác giá trị di sản.

ngoc.jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc

Ông Ngọc dẫn chứng năm 2022 Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể. Như vậy Việt Nam lần đầu tiên hiện cùng một lúc đảm nhiệm vai trò thành viên của 3 cơ chế quan trọng của UNESCO.

Vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức đón thành công bà Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thăm Việt Nam thúc đẩy triển khai Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025, cũng như tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO về di sản văn hóa và thiên nhiên tại Ninh Bình có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội.

“Truyền thông thế giới nhân dịp này đã đưa nhiều tin, hình ảnh không chỉ về các di sản văn hóa và thiên nhiên của Hà Nội, Ninh Bình, Huế mà cả về những nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Bà tổng giám đốc có ấn tượng rất tốt với lãnh đạo và năng lực tổ chức của Việt Nam, chủ động đặt vấn đề Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức một hội nghị lớn của UNESCO tại Việt Nam (dự kiến vào năm 2025, với sự tham gia của khoảng hơn 1.100 người đến từ 130 nước)”, ông Ngọc nói.

Theo đó, ông Ngọc nhấn mạnh rằng đến nay Việt Nam đã có 57 di sản/danh hiệu UNESCO, đứng đầu các nước Đông Nam Á về số di sản được UNESCO ghi danh. 63 địa phương đều sở hữu hoặc đồng sở hữu ít nhất 1 danh hiệu UNESCO. Nhiều địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn, trở thành thương hiệu quốc tế.

“Việc tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản sẽ góp phần khơi dậy tự hào dân tộc, tạo nguồn lực và không gian mới cho phát triển bền vững ở các địa phương”, Thứ trưởng Ngọc nói.

Cũng theo ông Ngọc, lời giải cho bài toán tìm nguồn lực cho phát triển ngoại giao văn hóa chính ở phương châm “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” - họ vừa là chủ thể thụ hưởng vừa là đối tác…

Bài liên quan
Đánh thức tiềm năng văn hóa của các dân tộc thiểu số
Là một bộ phận hữu cơ của văn hóa quốc gia nhưng văn hóa của các dân tộc thiểu số vẫn mang những bản sắc riêng có, mới lạ và đầy hấp dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng: Văn hóa không phải lĩnh vực 'chỉ biết tiêu tiền'