Vấn đề cần giải quyết từ gốc là giáo dục, còn lại chỉ hy vọng vào nhận thức của mỗi người.
Hội Người mẫu Việt Nam đã ra đời cách đây nhiều năm. Cũng trăn trở và lập nên những dự án quản lý người mẫu theo kiểu cấp thẻ hành nghề cho những người thực sự làm nghề nhưng cho đến nay, đó vẫn chỉ là dự án trên giấy.
Chưa có chuẩn cho người mẫu
Với những công ty đào tạo người mẫu chuyên nghiệp, một người mẫu chuyên nghiệp không chỉ cần có đôi chân dài và hình thể đẹp, quan trọng hơn là thái độ cầu tiến và không ngừng vươn lên để hoàn thiện bản thân. “Một người mẫu chuyên nghiệp sẽ được đánh giá và phân biệt dựa trên kinh nghiệm làm việc, số lượng và chất lượng sô diễn họ tham gia, những thương hiệu nào họ đang hợp tác, những tạp chí nào họ xuất hiện, ê-kíp mà họ công tác và công ty quản lý họ là ai” - bà Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty Đào tạo và Quản lý người mẫu BeU, khẳng định.
Thế nhưng, thực tế ở Việt Nam hiện nay, chỉ cần được một lần chụp ảnh, lên báo hay trình diễn trong quán bar cũng được gọi là người mẫu. Người mẫu Phạm Anh Thư nói rằng: “Không phải bây giờ chuyện lùm xùm không hay mới xảy ra. Trước đây, người làm nghề cũng thấy bấn loạn vì những chuyện nhiều người gắn mác người mẫu làm những việc vi phạm pháp luật gây nên những ảnh hưởng không tốt cho người làm nghề thực thụ. Người mẫu tự phong nhiều quá và các danh hiệu trong các cuộc thi nhan sắc, người mẫu lớn nhỏ cũng dễ kiếm cùng với nhu cầu (hoặc sở thích) săn tìm hoặc sở hữu “kiều nữ” của “đại gia” khiến mọi thứ trở nên loạn”.
Người mẫu Thu Hằng thẳng thắn: “Những người nào có thu nhập chân chính từ nghề mới được thừa nhận là người mẫu còn không đều không phải”. Vì vậy, theo cô cần có sự phân biệt rạch ròi hơn.
Người mẫu Thúy Hạnh cũng cho rằng: “Những cá nhân gây nên tai tiếng vừa qua không đáng để nhắc đến. Nhưng cần phải có sự phân biệt rõ ràng để lấy lại sự công bằng cho những người làm nghề nghiêm túc”.
Giải quyết phải từ gốc
Cho đến nay, Việt Nam chưa có quy định nào về quản lý người mẫu ngoài Nghị định 79 (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu…) và thông tư hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, ở nghị định này nhà nước chỉ quy định điều chỉnh đối với hoạt động biểu diễn thời trang và thi hoa hậu người mẫu chứ không phải hoạt động hành nghề người mẫu. Theo bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam, Hội Người mẫu Việt Nam ra đời từ năm 2007 là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người mẫu hoạt động tốt hơn, giúp người mẫu có thể phát triển nghề và sống được với nghề bằng cách lập giáo trình đào tạo chính quy cho những người yêu thích và đủ chuẩn trở thành người mẫu. Bên cạnh đó là việc xây dựng tiêu chí để nghề người mẫu có mã số nghề nghiệp hẳn hoi (một cách thừa nhận người mẫu là một nghề chính thức) nhưng đến nay, kết quả chưa được như mong muốn. Vậy nên, “khi có chuyện xảy ra, hội không thể can thiệp vì đó là việc của một cá nhân” - bà Thanh cho biết.
Theo cựu người mẫu Thúy Hạnh, thật khó để nói đến chuyện quản lý nhưng có lẽ những người sử dụng lao động người mẫu (nhà thiết kế, khách hàng) cần có những yêu cầu rạch ròi về lao động mà họ nhắm tới: Chứng chỉ đào tạo ở đâu và ai là người được công nhận. Đối với người mẫu, nếu không có sự bảo lãnh bởi một công ty quản lý, công ty đào tạo họ sẽ không được sử dụng. “Đó có lẽ là giải pháp duy nhất để hạn chế những bê bối không hay xảy ra như thời gian qua” - Thúy Hạnh nhấn mạnh.
Người mẫu Hà Anh cũng nói rằng ngay cả khi thẻ hành nghề ra đời và người làm nghề được chứng nhận và bảo chứng bằng thẻ hành nghề thì việc quản lý được người mẫu cũng chỉ là “tham vọng”. Vấn đề của sự việc không nằm ở chỗ quản lý thế nào mà là vấn đề của nhân cách, của hành xử và của sự lựa chọn. Mà tất cả những điều đó bắt nguồn từ nền tảng giáo dục trong gia đình, trong nhà trường. Thật khó để cải thiện một người mà tư duy, nhân cách của họ đã thành hình. Thay vì có suy nghĩ làm xoay chuyển một khối bê-tông, chúng ta phải đặt vấn đề giải pháp từ khi bắt tay vào việc làm nền móng.
Thùy Trang (Theo Người lao động)
Hy vọng vào nhận thức
Theo bà Quỳnh Trang, đã đến lúc nhà nước cần có hành lang pháp lý rõ ràng và cần phải chuyên nghiệp hóa việc quản lý người mẫu thông qua các công ty người mẫu. Để làm được điều đó thì trước tiên, chính người mẫu cũng như những người hoạt động trong nghề cần phải tạo thói quen làm việc thông qua các công ty quản lý để khi có bất kỳ sự việc gì xảy ra liên quan đến công việc của người mẫu đó, trách nhiệm sẽ thuộc về các công ty quản lý.
Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nghị định 79 (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu...) sửa đổi đã được soạn thảo xong, đang được gửi đến các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố để xin ý kiến đóng góp bổ sung. Dự kiến tháng 11-2015 sẽ trình Chính phủ phê duyêt. Theo đó, khi Nghị định 79 sửa đổi được Chính phủ ban hành, không thay đổi, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật cho nghệ sĩ và thẻ hành nghề cho người mẫu.
Theo đúng lộ trình, đến quý II/2016, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ cơ bản hoàn thành việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật và người mẫu trong cả nước. Tuy nhiên, việc quản lý người mẫu bằng thẻ hành nghề có giải quyết được tình trạng loạn người mẫu như hiện nay hay không không ai dám chắc.
Mọi giải pháp đến nay vẫn chỉ là mong muốn. Nói thẳng thừng ra như bà Thế Thanh: “Chỉ hy vọng vào nhận thức của mỗi cá nhân. Nếu ai đó làm sai, họ sẽ chịu hậu quả”.