Doanh nghiệp cần nhận thấy được tầm quan trọng của Chứng nhận Halal để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng Halal toàn cầu, được người Hồi Giáo tin tưởng mua.

Vào thị trường Trung Đông doanh nghiệp phải hiểu Chứng nhận Halal

Anh Đủ | 25/09/2018, 17:35

Doanh nghiệp cần nhận thấy được tầm quan trọng của Chứng nhận Halal để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng Halal toàn cầu, được người Hồi Giáo tin tưởng mua.

Hiện nay, khu vực Trung Đông (GCC) được đánh giá là thị trường tiềm năng của hàng hóa xuất khẩu Việt, bởi tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait là 2 trong 6 quốc gia (gồm UAE, Saudi Arabia, Quatar, Bahrain, Kuwait, Oman) thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council– GCC) đã và đang mở ra nhiều cơ hội thương mại, đầu tư đối với Việt Nam.

Yêu cầu chứng nhận sản phẩm

Trong những năm gần đây, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Kuwait như trái cây, hải sản đông lạnh, gạo, giày dép, vật liệu xây dựng, than củi, mỹ phẩm, nước uống giải khát, kẹo bánh… Trong thời gian tới, Kuwait mong muốn hàng hóa của Việt Nam có mặt ngày càng nhiều hơn nữa tại thị trường Kuwait nói riêng và thị trường các nước GCC nói chung.

Song song đó, những sản phẩm, hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam đối với thị trường Kuwait gồm: dệt may, giày dép, hải sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, cà phê, linh kiện điện tử, điện thoại di động, rau củ, hạt tiêu, gốm sứ… Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng cho các nhu cầu sản phẩm phong phú và đa dạng từ nền tảng Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, khí hậu ưu đãi, có trình độ chuyên môn, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí cạnh tranh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường UAE, Kuwait hay thị trường GCC nói chung, doanh nghiệp đều cần phải chú trọng yêu cầu về Chứng nhận tiêu chuẩn Halal. Chứng nhận Halal là chương trình đánh giá để xác nhậnrằng những sản phẩm, dịch vụ cụ thể không sử dụng các thành phần Haram và điều kiện sản xuất đáp ứng yêu cầu của luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal. Tùy theo thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp tìm hiểu quy định về Chứng nhận Halal.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng – Văn phòng chứng nhận Halal nhận định, thị trường Hồi giáo có sức mua lớn và nhu cầu cao đối với các sản phẩm Việt Nam, không có nhiều các rào cản kỹ thuật và thuế quan, nhưng thường yêu cầu sản phẩm phải có Chứng nhận Halal. Các thị trường Hồi giáo tập trung ASEAN (42% dân số ), GCC, Bắc Phi… Nền công nghiệp Halal cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, dự báo sẽ có doanh thu khoảng 3.600 tỷ USD vào năm 2021 (2.000 tỷ USD chi tiêu cho ăn uống).

Cụ thể, điều kiện cơ bản để được Chứng nhận Halal là sản phẩm không phải Haram (bị cấm, người Hồi giáo không sử dụng) hoặc sử dụng những thành phần không phải Haram. Bên cạnh đó, có sự tách biệt và quản lý chặt chẽ giữa sản phẩm Halal và không Halal; có hệ thống quản lý chất lượng và có đội ngũ nhân sự quản lý hệ thống Halal. Từ đó, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe người tiêu dùng và sản xuất…

Doanh nghiệp cần nhận thấy được tầm quan trọng của Chứng nhận Halal để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng Halal toàn cầu, được người Hồi Giáo tin tưởng mua, sử dụng mà không phải do dự. Đồng thời, được người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới lựa chọn vì đáp ứng cả các yêu cầu về kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mặt khác, Chứng nhận Halal cho sản phẩm Việt Nam sẽ tăng cơ hội canh tranh với sản phẩm khác, tăng đối tượng sử dụng. Đồng thời, tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản phẩm Halal trên thế giới, tiết kiệm thời gian cho việc xem nhãn nguyên liệu, thuận lợi trong việc marketing, chào hàng và tiếp cận thị trường Hồi giáo.

Mở cửa cho nhiều ngành hàng

Thống kê nhiều mặt hàng Việt Nam đang có triển vọng tại UAE như thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, rau quả, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng… Còn nhóm hàng vật liệu xây dựng của Việt Nam đã bước đầu có mặt tại thị trường UAE và trong những năm tới sẽ là nhóm hàng có mức tăng trưởng tốt ở UAE do nhu cầu xây dựng tại UAE đang ngày càng tăng cao. Số lượng dự án tại UAE chiếm khoảng 30% tổng số các dự án đang được triển khai tại Trung Đông.

UAE cũng là thị trường tiêu dùng khá tốt và là trung tâm tái xuất nông sản của cả GCC và châu Phi. Do đó, nhóm nông, thủy sản Việt Nam, gồm: gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cá tra, cá ba sa, tôm đông lạnh… là những mặt hàng có lợi thế, nhiều tiềm năng xuất khẩu sang UAE. Đặc biệt, các sản phẩm thuỷ sản Việt Nam bước đầu đã có chỗ đứng tại thị trường UAE, đặc biệt là mặt hàng cá da trơn, đây là mặt hàng được đánh giá là tiềm năng của Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ cá ở UAE là rất lớn.

Ngoài ra, UAE có nhu cầu nhập khẩu lớn nhóm hàng thực phẩm và rau quả tươi, nông sản truyền thống có thế mạnh của Việt Nam như hạt tiêu (tiêu đen), cà phê… Thị trường UAE có đặc điểm riêng là mọi hoạt động giao thương, tiếp cận đối tác được tiến hành thông qua các hội chợ triển lãm chuyên ngành được tổ chức thường xuyên và diễn ra sôi động quanh năm, chủ yếu tập trung tại Dubai.

Ông Jasem Abomarzouq – Phó Tổng lãnh sự Nhà nước Kuwait tại TP.HCM cho biết, kim ngạch thương mại song phương giữa Kuwait và Việt Nam cả năm 2017 chỉ đạt 350 triệu USD, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch song phương đã tăng gấp 4 lần so với cả năm 2017, đạt khoảng 1,43 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Kuwait khoảng 54 triệu USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Kuwait đạt 1,37 tỷ USD.

Với chính sách kinh tế mở với tất cả các nền kinh tế trên thế giới, hàng hóa nhập khẩu vào Kuwait từ các nước trên thế giới ngoài GCC, (trừ xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ Israel) thường chịu mức thuế nhập khẩu từ 0 – 5% CIF. Các mặt hàng nhập khẩu vào Kuwait được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% có thể kể đến là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, động thực vật tươi sống, vàng khối, hàng tiêu dùng thiết yếu, vật liệu in ấn, các sản phẩm công nông nghiệp có hàm lượng 40% giá trị sản xuất trong khối GCC, nguyên liệu thô hay bán thành phẩm và thiết bị phụ tùng phục vụ các ngành sản xuất mới.

Kuwait không áp dụng các loại thuế đánh vào doanh thu cá nhân, doanh nghiệp khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, không đánh thuế VAT. Nhà nước chỉ đánh 15% thuế lợi tức đối với pháp nhân có yếu tố nước ngoài không thuộc quốc tịch khối GCC.

Nhân Phương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vào thị trường Trung Đông doanh nghiệp phải hiểu Chứng nhận Halal