Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý gửi Bộ Công Thương về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật Nhà nước ngành Công Thương.
VCCI cho rằng, giá xăng và giá điện là những thông số đầu vào rất quan trọng để các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu biết sớm các quyết định điều chỉnh giá xăng, giá điện từ phía Nhà nước.
“Việc bí mật phương án giá xăng có thể được suy đoán là nhằm tránh tình trạng đầu cơ như đã diễn ra cách đây nhiều năm. Đã từng có hiện tượng trước mỗi thời điểm tăng giá thì các cây xăng lấy lý do kỹ thuật để dừng bán xăng, gây ảnh hưởng đến nhu cầu xăng dầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ việc kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đầu mối nên hiện nay đã giảm rất nhiều và gần như không còn tái diễn trong vài năm trở lại đây”, VCCI nêu.
VCCI cho rằng hiện nay, cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu và phương pháp tính giá đã được quy định khá chi tiết tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Dựa vào các quy định này, việc tiên đoán thời điểm điều chỉnh giá và mức giá tương đối dễ dàng. Thực tiễn cũng cho thấy, các dự báo này không gây tác động gì lớn đến hoạt động mua bán xăng dầu bình thường trên thị trường.
Đối với mặt hàng điện, do đặc tính sản xuất và tiêu dùng đồng thời, nên nguy cơ đầu cơ mặt hàng này rất khó có thể xảy ra. Có chăng chỉ là hiện tượng gia tăng sử dụng điện trước mỗi dịp tăng giá có thể gây ảnh hưởng đến khả năng truyền tải của hệ thống đường dây. Tuy nhiên, nguy cơ này không cao và dễ dàng được xử lý thông qua các biện pháp kỹ thuật và điều hành (ví dụ chọn thời điểm điều chỉnh giá khi công suất phụ tải thấp).
Với những lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại các hiệu ứng tiêu cực và tích cực và cân nhắc loại bỏ quy định phương án giá xăng, phương án giá điện thuộc Danh mục bí mật Nhà nước của Dự thảo.
Cũng trong văn bản gửi Bộ Công Thương, VCCI đề nghị không cần đưa vào diện bí mật nhà nước, như tài liệu về điều hành xuất nhập khẩu hàng hoá, các hợp đồng, đề án mang tính chiến lược, tài liệu, địa điểm, trữ lượng các mỏ than và khoáng sản, các mỏ kim loại, phi kim loại quý hiếm, đá quý, các mỏ phóng xạ, các phát hiện dầu khí tại Việt Nam chưa công khai…
Điều 2.14 của Dự thảo quy định: “Tài liệu, địa điểm, trữ lượng các mỏ than và khoáng sản, các mỏ kim loại, phi kim loại quý hiếm, đá quý, các mỏ phóng xạ, các phát hiện dầu khí tại Việt Nam chưa công khai” thuộc diện bí mật nhà nước.
VCCI cho rằng, theo pháp luật về khoáng sản, mỗi khi có phát hiện khoáng sản mới là cơ sở để sửa đổi quy hoạch khoáng sản, và quy hoạch là cơ sở để cấp phép. Qua thực tiễn nhiều năm qua, việc sửa đổi quy hoạch khoáng sản trong lĩnh vực công thương diễn ra liên tục, mỗi lần sửa đổi thường bổ sung một hai mỏ vào quy hoạch và ngay sau đó đã có một doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép.
Việc các doanh nghiệp nộp hồ sơ sớm như vậy đặt ra nghi vấn về việc các doanh nghiệp đó có biết trước thông tin về mỏ trước khi được đưa vào quy hoạch hay không, bởi thông thường, để quyết định có đầu tư vào một mỏ hay không thì doanh nghiệp cần có thời gian để nghiên cứu hồ sơ, khảo sát thực tế và tính toán thị trường.
Nếu duy trì chế độ bí mật nhà nước đối với thông tin về các phát hiện mỏ khoáng sản và phải đợi đến khi đưa vào quy hoạch mới công bố, thì sẽ tạo kẽ hở khiến một số doanh nghiệp biết thông tin trước và chiếm ưu thế khi xin cấp phép.
Việc giữ bí mật thông tin mỏ khoáng sản mới trước khi đưa vào quy hoạch được suy đoán là nhằm tránh việc các cá nhân, tổ chức có được thông tin và khai thác khoáng sản lậu. Tuy nhiên, việc ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép cần được thực hiện bằng các biện pháp khác (như kiểm tra, xử lý vi phạm) chứ không nên giữ bí mật thông tin về tài sản thuộc sở hữu toàn dân như vậy. Hơn nữa, khi một mỏ khoáng sản đã được bổ sung vào quy hoạch, nhưng chưa cấp phép thì nguy cơ bị khai thác lậu cũng không khác gì khi công bố thông tin về mỏ đó mà chưa đưa vào quy hoạch.
Một nội dung khác được VCCI nhắc tới là Điều 2.20 Dự thảo quy định “Kế hoạch và biện pháp điều hành thị trường trong nước bảo đảm cung cầu, ổn định thị trường chưa công khai” thuộc diện bí mật nhà nước.
VCCI cho rằng, nếu biện pháp điều hành thị trường chỉ dừng lại ở việc mua bán hàng hoá thuộc sở hữu của Nhà nước (nghiệp vụ thị trường mở) thì việc giữ bí mật các kế hoạch và biện pháp điều hành thị trường là phù hợp. Tuy nhiên, nếu biện pháp điều hành thị trường liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức khác cần được hạn chế và phải được công khai.
VCCI phân tích, hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước là cam kết xây dựng thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại. Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ cung cầu cần được vận hành dựa trên cơ sở giá cả và quy luật cung cầu.
Hiến pháp đã có quy định bảo hộ quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp cũng đã có quy định về các quyền của doanh nghiệp. Pháp luật về đầu tư và thương mại của Việt Nam chỉ hạn chế quyền này bằng hình thức đầu tư kinh doanh có điều kiện. Pháp luật giá của Việt Nam chỉ cho phép một số biện pháp rất hạn chế để Nhà nước can thiệp vào thị trường như bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá. Theo Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Giá thì các biện pháp này đều được thực hiện một cách công khai.
Lam Thanh