Trực tiếp quan sát để họa hình thân xác, nội tạng người chết hẳn không phải trãi nghiệm dễ chịu cho bất kì ai. Tuy nhiên, vẽ tử thi lại là bài học gây hứng thú, thậm chí rất bổ ích đối với một số sinh viên chuyên ngành hội họa. Thực tế, xác người chết từ lâu đã được xem như nguồn cảm hứng kì dị nhưng lôi cuốn, và đặc biệt khó ‘tiếp cận,’ trong lịch sử mỹ thuật.
Bên trong lớp Lịch sử Mỹ thuật Căn bản, đại học Wesleyan Ohio (bang Ohio, Mỹ), nam sinh Herbert Danielson cùng nhóm bạn đang tìm hiểu hàng loạt tác phẩm tiêu biểu của lịch sử hội họa phương Tây. Suốt tiết học, mọi thứ dường như không có gì mới mẻ, đến khi người giáo viên hướng dẫn nhắc về một câu chuyện kì lạ.
‘Biểu tượng’ trào lưu Phục hưng, danh họa Leonardo da Vinci, từng có thói quen mổ tử thi, nhằm rèn luyện kĩ năng vẽ cơ thể người. Nhiều sinh viên tỏ ra kinh sợ vì những gì được nghe. Chàng thanh niên Danielson thì ngược lại.
“Từ lúc ấy, tôi biết mình muốn được theo học lớp vẽ với chủ đề ‘trực tiếp’ là tử thi.” Danielson, nay đã có bằng thạc sĩ chuyên ngành mỹ thuật, chia sẻ trên tạp chí nghệ thuật Artsy. “Như thể đấy luôn là điều tôi cần làm".
Tạm gác qua vài băn khoăn ở phương diện đạo đức, lớp họa sĩ trẻ như Danielson, những ai nghĩ đến việc tiếp cận xác người chết để luyện tập họa hình, không dễ hiện thực hóa mong mỏi này.
Phác thảo tử thi của Michael Fusco. Học viện nghệ thuật New York.
“Trước thế kỉ 20, bộ môn nghiên cứu chuyên sâu về giải phẫu và sinh lý học là một phần bắt buộc trong đề cương giảng dạy của gần như mọi học viện đào tạo nghệ thuật.” Họa sĩ Michael Grimaldi, thành viên sáng lập một chương trình vẽ chuyên đề giải phẫu tại đại học tư Drexel (Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ), cho biết.
Xưa kia, những khóa học liên quan đến giải phẫu tử thi từng được xem như chương trình giáo dục nền tảng tại nhiều ngôi trường mỹ thuật danh giá trên thế giới, từ học viện nghệ thuật Florence (Ý) đến đại học mỹ thuật quốc gia Paris (Pháp).
“Tuy nhiên, hiện thời, đề tài vẽ tử thi gần như biến mất hoàn toàn khỏi nội dung đào tạo mỹ thuật đương đại. Sự đi lên của chủ nghĩa hội họa cách tân, đổi mới, là nguyên nhân chính khiến hình thái vẽ giải phẫu dần lụi tàn.” Grimaldi lý giải.
Danielson, người có lúc khao khát được nâng trình hội họa bằng cách tham gia lớp vẽ giải phẫu, bổ sung, “Ngày nay những khóa giảng dạy mỹ thuật loại này quả thật rất hiếm. Vấn đề quyết định là bạn quen biết ai hay nắm bắt cơ hội từ đâu".
Danielson cuối cùng đã tìm ra chương trình học phù hợp, lớp ‘Vẽ giải phẩu Nâng cao’ tổ chức bởi học viện nghệ thuật New York, bao gồm chuỗi bài thực hành vẽ chuyên đề về cơ thể - nội tạng tử thi, đôi khi kéo dài 12 giờ liền. Ở phòng giải phẫu, anh và 5 học viên khác cùng ngành dành thời gian tỉ mỉ nhìn ngắm, phác họa hàng loạt tử thi, vốn trước đó là đối tượng nghiên cứu của những sinh viên y khoa. Mỗi tuần nhóm họa sĩ tập trung họa lại từng bộ phận khác nhau trên cơ thể người chết.
Hình ảnh lớp vẽ tử thi do học viện nghệ thuật New York tổ chức.
Ngoài học viện New York, thời điểm hiện tại, chỉ có 3 trường mỹ thuật chính quy trong khu vực Hoa Kỳ đang duy trì chương trình vẽ chuyên ngành giải phẫu học. Và tương tự điều Danielson đề cập, để có thể nghiên cứu, họa hình xác người chết, họa sĩ cần sự hỗ trợ từ đúng nơi, đúng người.
Ở tuổi 17, bậc thầy hội họa người Ý - Michelangelo, ‘cha đẻ’ của trường phái Phục hưng, đã làm quen với hoạt động mổ xẻ tử thi. Ông xem đấy như phương pháp tuyệt vời giúp nâng cao kĩ thuật vẽ. Bất chấp việc hệ thống nhà thờ thời bấy giờ nghiêm cấm giải phẫu xác người, Michelangelo vẫn thuyết phục được trưởng tu viện Santo Spirito (một nhà dòng nằm trong thủ đô Florence, Ý), cho phép ông tiến hành mổ và họa hình tử thi.
Đáng ngạc nhiên là, Michelangelo yêu thích vẽ tử thi đến mức nhiều lần phác họa người chết xuyên suốt sự nghiệp cầm cọ. Ascanio Condivi, trợ lý và tác gia ghi chép tiểu sử về vị danh họa, từng viết: “Không có loài vật nào mà Michelangelo chưa từng thử giải phẫu. Và ông tự mình quan sát, mổ xẻ xác người nhiều đến mức những nhân viên tang lễ, y sĩ hay bất kì ai dành cả đời cố sức nghiên cứu giải phẫu học cũng khó có khả năng hiểu biết sâu rộng như ông.”
Dẫu không dễ kiểm chứng mức độ thông tuệ chính xác của Michelangelo so với những danh y cùng thời, vẫn có một sự thật khó chối bỏ ở đây. Carmen Bambach, giám tuyển bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (bảo tàng nghệ thuật lớn nhất nước Mỹ, tọa lạc tại thành phố New York), đưa ra ghi nhận: kiến thức xoay quanh giải phẫu học tích lũy nhờ thế hệ họa sĩ trong kỉ nguyên Phục hưng, đã tạo ra nền tảng giảng dạy quý giá cho rất nhiều trường đào tạo y khoa, suốt hàng thế kỉ tiếp theo.
Trước giai đoạn mỹ thuật Phục hưng, kiến thức nhân loại tích góp được về đặc trưng sinh lý loài người còn mang nét tổng quát, sơ khai. Mất hàng trăm năm để chúng ta đi đến quyết định ‘tái dựng’ công cuộc nghiên cứu giải phẫu học, với tiêu chí tìm hiểu sâu hơn vào bên trong cơ thể.
Ngành y và nghệ thuật hội họa, vì lẽ đó, cùng ‘gặp gỡ’ quanh bàn mổ.
‘Portrait of Dr. Samuel D. Gross’(1875) của danh họa Thomas Eakins.
Góp mặt nơi khán phòng đông đúc, giới họa sĩ Phục hưng từng lặng lẽ quan sát, tái hiện trên giấy những buổi mổ tử thi công khai của nhiều y bác sĩ, từ khoảng thế kỉ 15-16. Tác phẩm mỹ thuật họ tạo ra phản ánh trung thực, chi tiết cơ quan nội tạng, hình ảnh người chết, là sự thay thế tuyệt vời cho dòng tranh minh họa vụng về trong sách y trước kia.
Không dừng ở khuôn khổ sổ vẽ hay khung tranh, người họa sĩ mở rộng nghiên cứu giải phẫu học bằng dự án điêu khắc đồ sộ và bích họa sống động. Bên cạnh ấn tượng ‘nghệ thuật hóa,’ tất cả chúng đồng thời trở thành công cụ đào tạo hữu ích, lý tưởng với vô số sinh viên y khoa.
Đỉnh cao của loại hình vẽ tử thi là tập hợp những tác phẩm sách minh họa đặc sắc về giải phẫu học, thực hiện bởi một số danh họa tên tuổi tại châu Âu giai đoạn thế kỉ 19-20.
Một trang trong quyển sách y khoa‘De humani corporis fabrica’(xuất bản năm 1543) của Andreas Vesalius. Bức vẽ minh họa bởi họa sĩ bậc thầy người Ý Titian.
Người họa sĩ, tuy nhiên, nhìn về cái chết theo cách hoàn toàn khác biệt, so với một y sĩ.
Roberto Osti, giáo viên hướng dẫn chuyên đề vẽ giải phẫu tại học viện nghệ thuật New York, nhận xét: “Trong y khoa, bạn muốn biết chính xác vị trí mọi bộ phận cơ thể, chúng được gọi là gì, đóng vai trò gì. Nhưng bác sĩ không mấy hứng thú với yếu tố hình họa".
“Ngược lại, họa sĩ ấn tượng trước thế giới của giải phẫu học, dựa trên cảm quan nghệ thuật riêng. Cách họa sĩ chúng tôi quan sát hình ảnh, nội tạng người chết, do đó, cũng rất khác".
Xây dựng, phát huy giá trị mỹ học nơi chủ thể thường gây khiếp sợ như tử thi, vô tình giúp người làm nghệ thuật đóng góp tài năng cho mục đích giáo dục cao cả. Tựa sách ‘gối đầu giường’ với mọi sinh viên khoa y hiện nay, tác phẩm nghiên cứu tiêu biểu về giải phẫu học, ‘Atlas of Human Anatomy’(xuất bản lần đầu năm 1989), được viết và vẽ minh họa bởi Frank H. Netter, một bác sĩ giải phẫu kiêm họa sĩ xuất chúng người Mỹ - là minh chứng điển hình.
Phác thảo của Herbert Danielson và Michael Fusco. Học viện nghệ thuật New York.
Bắt đầu trên trang giấy phác thảo của Leonardo da Vinci, Michelangelo, và rất nhiều họa sĩ bậc thầy khác, qua bao thế kỉ, vẽ tử thi vẫn tiếp tục mang đến những trãi nghiệm nghệ thuật độc đáo lẫn lợi ích thiết thực trong ngành y. Bất kể say mê điều gì về giải phẫu học, người họa sĩ hay y sĩ luôn chia sẻ cùng một chủ thể nghiên cứu. Như lời họa sĩ Roberto Osti, “cơ thể con người là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho sáng tạo.”
Như Ý (theo Artsy)