Theo VEPR, hiện tại lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực đã được cảm nhận rõ hơn trong những tháng cuối năm. Dự báo lạm phát trong nước năm 2022 sẽ ở mức 3,5 - 3,8%.

VEPR dự báo lạm phát năm 2022 sẽ ở mức từ 3,5 - 3,8%

Hoài Lam | 16/09/2022, 14:50

Theo VEPR, hiện tại lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực đã được cảm nhận rõ hơn trong những tháng cuối năm. Dự báo lạm phát trong nước năm 2022 sẽ ở mức 3,5 - 3,8%.

Áp lực lạm phát hiện hữu

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong 8 tháng đầu năm 2022, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giá cước vận chuyển quốc tế liên tục tăng cao.

“Các đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giá hàng hóa thô toàn cầu tăng cao khiến chi phí vận tải và đầu vào sản xuất của Việt Nam tăng, đẩy áp lực lạm phát tăng cao. Giá xăng dầu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm đẩy giá cả nhóm giao thông vận tải tăng sốc”, báo cáo nêu.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng tới 45,33% so với cùng kỳ năm trước, tác động trực tiếp làm CPI toàn phần tăng 1,63 điểm phần trăm. Nhìn chung, áp lực lạm phát vẫn đang hiện hữu, song Việt Nam vẫn đang kiểm soát khá tốt tình hình.

Ngoài ra, CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,67% của bình quân 8 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 8 tháng các năm từ 2018 - 2020.

Trong khi đó, lạm phát ở châu Âu tăng kỷ lục vào tháng 6.2022. Lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6.2022 là 8,6%. Kết quả này là một thành công trong kiểm soát giá cả của Chính phủ, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã đề ra trong năm 2022.

VEPR cho biết trong 8 tháng đầu năm 2022, lạm phát toàn cầu tăng rất mạnh, bên cạnh nguyên nhân cầu kéo và chi phí đẩy còn do hệ quả của việc nới lỏng các biện pháp tài khóa, tiền tệ trong giai đoạn dịch COVID-19, kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.

lp-2.jpg
VEPR dự báo lạm phát năm 2022 sẽ ở mức 3,5 - 3,8%

Để chủ động ứng phó với rủi ro lạm phát, với các yếu tố nguy cơ cả từ bên trong và bên ngoài, thời gian qua, Chính phủ đã có những động thái chính sách được đánh giá là khá linh hoạt, phù hợp tình hình hiện tại như NHNN liên tục sử dụng các biện pháp “bơm - hút” tiền đan xen; kết hợp linh hoạt với các chính sách tài khóa như thực hiện miễn-giảm thuế, phí đối với nhiều nhóm hàng thiết yếu; “hạ nhiệt” giá xăng dầu…

Các biện pháp ổn định giá cả và nguồn cung đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu khác cũng đã giúp ổn định mặt bằng giá cả.

Dự báo lạm phát trong nước năm 2022 sẽ ở mức từ 3,5 - 3,8%

VEPR cho rằng trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi rất tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất lớn:

Cụ thể là thách thức lớn nhất là cân bằng giữa mục tiêu ổn định vĩ mô, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát với các mục tiêu duy trì tăng trưởng; bất ổn địa chính trị toàn cầu, các quốc gia hiện thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất dẫn đến các khó khăn cho sản xuất lẫn tiêu dùng do đó có nguy cơ dẫn đến mất việc làm, giảm đầu tư và rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế.

Ngoài ra, giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Một vấn đề khác là điều hành tăng trưởng tín dụng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát, nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.

Xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản… đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm; tồn kho gia tăng.

Theo VEPR, mặc dù hiện tại lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực lạm phát đã được cảm nhận rõ hơn và sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm.

Căng thẳng chính trị tại Ukraine vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với lạm phát và giá cả hàng hóa của Việt Nam. Xu hướng thắt chắt thặt tiền tệ toàn cầu có thể giúp giảm nhẹ áp lực lạm phát từ bên ngoài. Chính sách "Zero COVID" tại Trung Quốc kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát toàn cầu.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát dự báo có thể giảm bớt trong các tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và giá lương thực thế giới giảm, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện.

Tổng hợp tác động của các yếu tố cả trong và ngoài nước, dự báo lạm phát trong nước năm 2022 sẽ ở mức từ 3,5 - 3,8%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VEPR dự báo lạm phát năm 2022 sẽ ở mức từ 3,5 - 3,8%