Ông nghe thấy tiếng chuông nhưng hình như nó ở đâu đó, xa lắm, rất xa. Ông muốn xoay người nhìn chiếc đồng hồ để trên mặt bàn thấp ngay cạnh đầu giường nhưng  không sao mở nổi mắt. Như người bị bóng đè, nửa tỉnh nửa mê, ông cố nhúc nhích hai bàn chân, cố xoay xoay cánh tay, cố co duỗi mấy ngón tay… Rã rời vì cố gắng, ông thở dài. Ông nghe thấy tiếng thở dài của mình mà vẫn không thể tỉnh dậy. Kệ, ông nghe thấy mình nói, cũng ở đâu đó, xa lắm.

Vì có người gõ cửa

Một Thế Giới | 18/05/2014, 07:18

Ông nghe thấy tiếng chuông nhưng hình như nó ở đâu đó, xa lắm, rất xa. Ông muốn xoay người nhìn chiếc đồng hồ để trên mặt bàn thấp ngay cạnh đầu giường nhưng  không sao mở nổi mắt. Như người bị bóng đè, nửa tỉnh nửa mê, ông cố nhúc nhích hai bàn chân, cố xoay xoay cánh tay, cố co duỗi mấy ngón tay… Rã rời vì cố gắng, ông thở dài. Ông nghe thấy tiếng thở dài của mình mà vẫn không thể tỉnh dậy. Kệ, ông nghe thấy mình nói, cũng ở đâu đó, xa lắm.

Kệ, ông lặp lại rồi xoay mình, quay mặt vào tường.

Kệ, ông lặp lại trong suy nghĩ. Thật kỳ lạ, chính cái chữ kệ trong suy nghĩ này, chứ không phải chữ kệ đã bật lên thành lời, lại khiến ông tỉnh ngủ. Ừ, thì kệ, nhưng kệ cái gì mới được chứ. Ông bật cười, nhổm dậy. 
Kệ tiếng chuông báo thức giục giã kia, kệ chiếc bánh mì của buổi sáng, kệ chỗ quần áo chưa phơi , kệ vốc thuốc trên bàn, kệ xấp báo hằng ngày… kệ thằng em vợ suốt ngày than van, hết xin lại vay, kệ tay trưởng phòng thích hoạnh họe, suốt ngày cứ chắp tay sau đít đi qua đi lại, kiểu như hắn đang giấu trong tay một thứ vũ khí hủy diệt nào đó, kệ lão giám đốc giọng the thé với những tính toán, âm mưu, kệ…
Giữa lúc ông đang  trong mớ ý nghĩ lộn xộn đó, ông nghe thấy tiếng gõ cửa. Tiếng gõ nhẹ, có vẻ rụt rè, kiểu gõ của phụ nữ hoặc trẻ nhỏ. Phụ nữ thì chắc chắn không có vì ông chẳng có người phụ nữ nào ngoài bà em gái, thỉnh thoảng ghé vào chiều chủ nhật, đem cho lúc thì nồi cá nục kho khi thì xấp bánh tráng đã nướng bọc trong túi ni-lon. Trẻ nhỏ cũng không. Các cháu ông ở cách ông hàng ngàn, hàng vạn cây số, vài ba năm mới về thăm.
Mải mê trong dòng chảy của kệ, ông định bụng, kệ luôn, không đáp lời. Vậy mà ai đó vẫn tiếp tục gõ, tiếng gõ mạnh hơn một chút, gấp gáp hơn một chút, rồi có tiếng của một đứa trẻ, ông ơi, ông ơi, cho cháu nhờ với ạ. 
Giọng nói ngập ngừng, run run của đứa trẻ khiến ông cảm thấy bất an. Lẹp xẹp đôi dép lê, ông đi về phía cửa, tra chìa vào ổ khóa. Lóng ngóng thế nào mà chiếc chìa rời khỏi tay ông, lọt qua khe cửa rồi trượt dài theo đường dốc thoai thoải trước thềm nhà. Ông nghe tiếng reo khẽ, nó đây ạ, rồi chiếc chìa lại được lòn qua khe cửa. Dây đeo chìa khóa của ông chỉ có một chiếc. 
Ông không hiểu sao người ta lại có nhiều chìa khóa đến thế. Có lần vào phòng tài vụ lãnh lương, ông thán phục nhìn bà thủ quỹ vất đánh xoẹt cả chùm chìa khóa mấy chục chiếc, đủ kích cỡ, đủ màu sắc lên mặt bàn. Thấy ông nhìn chăm chú quá, bà ta vặn hỏi, anh nhìn gì. Ông đáp, nhìn chùm chìa khóa. 
Bà ta xì một tiếng đầy nghi ngại, có mà thần kinh. Ông bỏ ra ngoài, rồi cả ngày hôm đó không dám quay lại để nhận phần tiền của mình. Có lẽ bà ta tin rằng không có người đàn ông nào đứng trước bà ta mà lại đi nhìn một chùm chìa khóa. Phụ nữ, nhất là phụ nữ có chút nhan sắc thường bị ám ảnh về hấp lực của mình, và rồi thì nhầm lẫn, trượt ngã, đổ bể…
Mải nghĩ ngợi vẩn vơ, ông mở khóa mà quên mất có người đang đợi trước cửa. Thằng bé khoảng chín, mười tuổi mặc một chiếc áo thun xanh đã cũ, mái tóc quăn dày dặn, khuôn mặt vuông vắn. Nó đỏ mặt, ấp úng, cháu xin lỗi. Tại vì… cái diều của cháu mắc trên cây xoài của ông.
Cây xoài của ông, ông lặp lại, hơi nhướn mắt nhìn nó, nhà ông làm gì có cái cây nào. Nó hướng ánh nhìn vào phía tường bên phải, kia ạ. Nhưng ngay lập tức nó nhận ra sự nhầm lẫn của mình. Nó có vẻ thất vọng, hóa ra cây xoài của hàng xóm, chỉ có cành chìa qua nhà ông thôi. Nó nói như sắp khóc rồi lại reo lên, nhưng diều của cháu nằm trên cành bên này mà.
Ông theo thằng bé ra sân, nhìn ngắm con diều hình chim phượng, nằm vắt vẻo trên cành xoài. Chà, khó đây. Cành cây cao quá, ông lại không có thang. Mà có thang, ông cũng không dám trèo, mà có trèo cũng không với tới được. 
Thằng bé ngồi phịch xuống đất, giọng chán nản, hết cách rồi, thua rồi. Ông vỗ vỗ vào vai nó, để xem xem. Cùng lắm thì mình gõ cửa nhà bên, xin vào. Thằng bé bỗng òa khóc nức nở, không được, không được đâu ạ. Nó vừa nói vừa lắc đầu quầy quậy, hai bàn tay vặn vào nhau bất lực.Ông bối rối, thôi, vào nhà ông, ăn sáng, uống nước rồi ta cùng nghĩ cách. Cháu đừng lo lắng quá.
Ông đun nước, làm hai tô mì ăn liền, cháu ăn đi. Phải no bụng rồi mới sáng suốt được chứ. Nó vừa ăn vừa thút thít, nhà đó… nhà đó là nhà cha cháu. Ông buông đũa nhìn nó, thế thì tuyệt quá rồi còn gì. Nhờ cha cháu một tiếng là có ngay con diều. Nó cũng buông đũa, lắc đầu, nhưng mà cha lâu rồi. 
Ông không hiểu rõ ý tứ của câu nói, cha lâu rồi là sao. Nó nhìn ông, là cha hồi trước thôi. Bây giờ ổng là cha của con Mai. Má nói ổng quên con rồi, ổng tệ bạc lắm. Ông nhìn thằng bé. Tự nhiên thấy nó quen quen như thể đã gặp ở đâu đó, trong một hoàn cảnh nào đó. Ông hỏi, nhà cháu trong xóm này à. Nó lắc đầu, không, cháu ở ngoài bãi sông. Mẹ con cháu về ở với ngoại. Mẹ bảo không muốn gặp mặt cha cháu nữa. Nó đứng dậy, vẻ bần thần, thôi cháu về kẻo ngoại trông.

Ông tiễn thằng bé ra cửa. Nó ngoảnh nhìn chiếc diều trên cành xoài, thôi, bỏ đi ông. Tiếc cũng chẳng được. Cái gì đã mất thì không còn là của mình. Cái giọng  già dặn trước tuổi của nó khiến ông mủi lòng, thế nếu ông lấy được nó xuống thì sao. Nó lưỡng lự, thôi, khỏi phiền ông. Cháu sẽ làm cái khác. Cháu đang nghỉ hè, cũng rảnh.

Nhìn thằng bé cúi đầu lầm lũi bỏ đi, hai chiếc xương bả vai nhô lên sau lần áo, ông không đành lòng, gọi với theo, này, thế nào ông cũng lấy được diều cho cháu.

***

Ông  quyết định sang gõ cửa nhà “cha lâu rồi” của thằng bé. Dọn về đây cả năm trời nhưng ông gần như chẳng quen biết, chẳng chuyện trò với ai, ngoài cô bé đưa báo thi thoảng giáp mặt. Thường thì khi ông trở dậy, mấy tờ báo đã nằm gọn trong thùng thư. Lần gần đây gặp cô bé, trông cô mệt mỏi, xanh xao. Cô bảo, vì đang đi thực tập, đêm thức khuya, sáng lại phải dậy sớm. Ông hỏi, điều cháu mong muốn nhất bây giờ là gì, cô bé cố ngăn một cái ngáp, được ngủ, ngủ vài ngày, không cần ăn uống, không cần tắm gội.

Cùng với ngày tháng, ông mất dần những mối quan hệ, lúc thì tại người, lúc lại do mình, nhiều khi chẳng vì ai. Có hôm ông ngồi tỉ mẩn xóa  những tên người không còn quan hệ trong cuốn danh bạ. Gạch, gạch mãi, đến khi xong việc thì chỉ còn vài mươi người, trong đó có ông xe ôm, ông thợ nước, ông thợ điện, ông thợ nề. 
Có hôm ông dọn tủ, bỏ hết những quần áo, chăn mền  không thường dùng, chỉ để lại ba bốn bộ, lỏng lẻo trong khoang trống. Có hôm, ông lại lôi hết sách trên kệ xuống, ngồi lọc lựa từng cuốn một, cuối cùng chỉ còn lại vài trăm cuốn trên cái giá rộng thênh. Mỗi lần, ông mệt lử, có hôm bỏ luôn bữa cơm chiều, có hôm ra phố uống cà-phê, ngồi nghe bọn trẻ hò hét xem những trận bóng đá buồn tẻ giữa hai đội hạng nhì.
Tiếng là nhà giáp tường nhưng phải đi vòng qua hẻm bên cạnh mới đến được nhà “cha lâu rồi” của thằng bé. Càng đến gần nhà hắn ông càng lúng túng. Lẽ nào một ông già hai thứ tóc lại đường đột gõ cửa nhà hàng xóm chỉ để tìm một con diều đứt dây. Đến sát cánh cổng sắt khép hờ, ông định tháo lui, tự nhủ lòng, thằng bé có nhờ mình đâu, nó chẳng bảo sẽ làm cái khác đó sao…Đúng lúc dợm quay người thì ông nghe thấy tiếng đằng hắng ngay sau lưng mình, chào bác, bác tìm tôi ư. 
Ông đỏ mặt, nhìn sững gã đàn ông. Thay vì một gã say sưa bét nhè hoặc một tay râu ria bặm trợn, trước mặt ông là một người đàn ông trạc bốn mươi, nước da rám nắng, khuôn miệng rộng, ánh nhìn thẳng thắn, tay đang cầm chiếc bay thợ nề. Ông lúng búng, vâng, tôi xin lỗi, chả là, nhà tôi ở sát hông nhà anh. Hắn vui vẻ, tôi biết, tôi biết, mời bác vào nhà xơi nước.

Phòng khách của hắn đơn sơ, chỉ có một bộ bàn ghế gỗ sẫm màu kê sát cửa sổ. Trên tường treo một tấm lịch tờ, có cảnh biển với những con sóng bạc đầu. Đã ngồi xuống mà ông vẫn không sao tìm ra nguyên cớ cho cuộc viếng thăm bất ngờ và có phần bất nhã của mình. Nhưng hắn có vẻ không quan tâm đến điều đó. Hắn thay áo, bưng ra một khay trà nhỏ, chuyên nước ra chén, mời bác. Ở thành phố có cái dở là chẳng ai biết đến ai. Bác sang chơi, tôi mừng lắm. Thực tình, biết bác làm báo làm văn, tôi cũng muốn qua bác để hóng chuyện nhưng bận tối mắt tối mũi, về tới nhà là mệt phờ người, chẳng nhúc nhích được nữa. Lúc nào cũng thèm ngủ bác ạ.

Lại một người thèm ngủ, ông nghĩ thầm, nhìn người đàn ông, tôi  xin lỗi, vậy chứ anh làm nghề gì ạ. Hắn cười, khoe một lúm đồng tiền rất sâu bên má phải, làm thợ mộc. Làm thuê thôi bác ạ. Hắn vỗ vỗ tay vào thành ghế, bộ này do tôi làm đây. Bộ bàn ghế có kiểu dáng đơn giản, thanh thoát, các đường lượn ở tay ghế mềm mại, những chỗ ghép kín đáo Ông chúa ghét những bộ bàn ghế chạm trổ cầu kỳ, hoa hòe hoa sói đang là mốt của đám trọc phú…
Ông trầm trồ, đẹp quá, đẹp quá. Rồi ngồi im, ngượng nghịu. Một lần nữa, người đàn ông hồn nhiên giải vây cho ông, lúc nào bác cần gì đến nghề mộc bác cứ ới tôi một tiếng. Ông thở ra, thật may, tôi mới về, cũng cần nhiều thứ lắm. Tôi cũng định nhờ anh đóng cái kệ sách. 
Hắn đáp vâng rồi rót thêm nước, vẻ bồn chồn như muốn kết thúc câu chuyện. Ông đứng dậy, nấn ná, thế chị và các cháu đi vắng ạ. Người đàn ông phẩy tay, bồng bế về nhà ngoại rồi. Giận dỗi, ghen tuông, bà nào cũng giống bà nào. Đường vợ con của tôi tệ lắm. Lời thú nhận của hắn đã thực sự đẩy ông vào chân tường. Kể như chẳng còn cơ hội nào để có thể nhắc tới con diều.

Hắn tiễn ông ra đến cổng, giọng ân cần, dạo này gió máy ghê lắm, bác để ý kẻo bệnh. Ông sững người vì mừng nhưng chỉ nói hờ hững, vâng, gió dữ quá, chỉ có bọn trẻ là khoái chí, tha hồ mà diều với sáo. Nhân tiện, lúc nào rỗi, anh lấy giúp tôi con diều mắc trên cành xoài. Không mảy may thắc mắc, hắn hồ hởi, bác đợi chút nhé. Hôm nay tôi được nghỉ, ở xưởng hết việc rồi. Bây giờ chẳng mấy ai xây cất nhà cửa, thợ nề thợ mộc gì cũng ế chỏng ế trơ.

Hắn quày quả ra vườn, bước đi quả quyết. Ông bước theo hắn, phân vân, không biết có nên nói với hắn về thằng bé hay không. Thế nhưng vừa nhìn thấy con diều, hắn đã nói như reo, của thằng con tôi đây mà. Thằng bé khéo tay lắm, sáng trí lắm. Hồi bé nó cứ ngồi nhìn tôi làm, mó máy làm theo, rồi tự mình làm những con diều nhỏ, trông thật xinh xắn. 
Hắn thở ra, nó lớn thật rồi, làm được hẳn một con diều thế này cơ mà. Mẹ nó cũng hờn dỗi, ghen tuông rồi bỏ tôi mà đi, còn không cho thằng bé gặp tôi nữa. Trông thấy tôi đằng xa nó đã chạy như ma đuổi. Tội nghiệp. Hắn chợt dừng lời, đỏ mặt vì sự thổ lộ của mình, quày quả bỏ đi tìm thang rồi leo thoăn thoắt lên cây xoài, nhẹ nhàng gỡ con diều khỏi cành cây cao vươn tán sang tận nhà ông.. Hắn giao con diều cho ông mà không nói thêm câu nào.

***

Ông móc con diều lên chiếc đinh ở  ngoài hiên, nơi mùa mưa dùng để treo chiếc ô màu đen, món quà duy nhất ông còn giữ lại của người vợ. Trên nền tường trắng, con diều lớn hơn và đẹp hơn  khi nhìn từ xa. Hai cánh chim phượng dang rộng, màu sắc thắm tươi, rực rỡ, những chiếc tua mềm mại, đong đưa nhè nhẹ. 
Thằng bé hẳn là có gen của người cha, có đôi tay khéo léo của người cha, có tình yêu những con diều bay lượn trên khoảng không rộng rãi, tự do. Nhưng thằng bé không trở lại. Nó không tin ông có thể lấy được con diều hay nó không muốn nhờ cậy người cha. Nó không bao giờ có ý muốn gặp cha mình sao. Mẹ nó là người như thế nào. Cuộc đời của họ ra sao… Trở tới trở lui với những câu hỏi, ông bồn chồn không yên.

Đến xế chiều thì ông quyết định ra bãi sông.

Ông đi tìm thằng bé.

***

Bãi sông cách nội thị không xa. Dù biết ở đó có  xóm chài nhỏ nhưng ông chưa khi nào đặt chân tới. Dường như cả xóm chài đã đổ hết ra sông hoặc vào nội thị kiếm việc. Ông lang thang qua các căn nhà nhỏ nhoi, cửa nẻo sơ sài, cỏ cây xơ xác, như một kẻ đi lạc đang dò tìm  lối ra. Mãi đến cuối xóm ông mới trông thấy một cụ già đang ngồi vá lưới trước cửa nhà. Nghe tiếng chân, cụ ngẩng lên, đôi mắt mờ đục, vẫn không dừng tay, ai đấy. 
Ông ngồi xuống bên cụ, dạ, cháu đi tìm đứa trẻ trong xóm ạ. Cụ già bật cười khan, khoe đôi hàm trơ lợi, thật hử. Trẻ xóm này đàn đàn lũ lũ  như kiến báo mưa ấy. Vậy ông tìm đứa nào. Ông  ngập ngừng, dạ, cái đứa hay chơi diều ạ. 
Trời ơi, cụ già bật kêu lên, đứa nào mà chẳng chơi diều. Sểnh một cái là cả lũ chúng nó ùa ra, chạy nhông như lũ chó hoang, hò hét đinh tai nhức óc, đến bữa gọi cũng chẳng buồn về. Thấy ông im lặng, cụ già có vẻ áy náy, vậy chứ thằng nhỏ có chi đặc biệt không. Ông đành phải nói đến bí mật của thằng bé, dạ, cha mẹ nó bỏ nhau ạ. 
Cụ già dừng tay, vẻ như cố nhớ ra điều gì rồi lại kêu lên, giọng nghèn nghẹn, không rõ là cười hay khóc, nói ông bỏ quá, gái góa, gái bị chồng bỏ, gái bỏ chồng, gái không chồng mà có con… đầy ngay ra đó, nào ả nào em, tìm sao cho xuể. 
Ông đứng dậy, tự nhiên thấy chân rã rời như chỉ chực khuỵu xuống, thôi đành vậy, cám ơn cụ. Khi ông đã gần tới đầu ngõ, cụ già gọi với theo, hay là thằng cu Tý nhỉ, rồi lại nói, mà cũng có cả chục  thằng cu Tý chứ chả chơi.

Ông bước chậm rãi dọc theo mép nước, ngược hướng với những người về xóm.

Họ đi thành từng tốp nhỏ, có thể đó là một gia đình, có thể  chỉ là những bạn cùng nghề. Họ lặng im đi bên nhau, đầu hơi cúi xuống, mệt mỏi.  Một tốp năm, sáu người phụ nữ khăn vắt vai, đầu đội nón, líu ríu trò chuyện  khi ngang qua ông, một cô cất lời, anh ơi, anh tìm em hử, rồi cả bọn cười rú lên. Tiếng cười của họ không phá tan nổi không khí nặng nề của thời khắc giao hòa giữa ngày và đêm.

Không gặp đứa trẻ nào.

Có thể còn những xóm chài khác chăng. 

***                                                                                             

Cửa nhà ông mở rộng, đèn đang bật sáng và nghe như có tiếng chuyện trò rôm rả. Có phần hoang mang, ông bước lui lại, nhìn thấy con diều đang dán chặt mình vào bờ tường ngoài hiên nhà, không còn rõ màu sắc. Ông  ho khẽ như để đánh tiếng rồi bước vào.

Ông đứng giữa nhà, nhìn sững vào đám thanh niên trên ti-vi đang mải mê chơi trò Thoát khỏi ngôi nhà đã bị khóa.

Thay vì một chùm chìa khóa đủ màu sắc, đủ kích cỡ, họ chỉ có những mật mã, những ký hiệu.Họ chụm đầu vào nhau, lúc thì thầm, lúc kêu to lên, lúc đập bàn, lúc vỗ tay lúc lại lặng im nghĩ ngợi. Vẻ mặt người nào cũng lộ nét lo âu căng thẳng,  

Ông tắt ti vi, tắt đèn, nhắm mắt, tựa mình vào thành ghế xa lông.  

Chẳng phải suốt đời mình, chúng ta vẫn đang sống với những mật mã những ký hiệu đó sao.

Không rõ đó là ý nghĩ của ông hay ông đã  bật nói nên lời...

Sài Gòn tháng 4.2014.                                                                                                  

Trò chuyện cùng tác giả:
Nếu tuổi thơ thiếu vắng những cánh diều... 

Bắt đầu từ câu chuyện về một cánh diều bị thất lạc dẫn đến chuyện của một cậu bé con, một gia đình, và mở rộng ra, đến toàn xã hội, toàn cuộc sống với vô vàn những câu bé khác, con người khác.

Thâm trầm và nhiều lắng đọng là những gì người đọc tìm thấy trong truyện ngắn này của Ý Nhi. 

Vi co nguoi go cua
Nhà văn Ý Nhi

*Truyện ngắn của chị là câu chuyện về một cậu bé và một người già, đó có phải là một đối thoại/ nối kết giữa hai thế hệ?

-Cũng có thể nghĩ như thế. Nhưng thực ra đây là cuộc đối thoại của hai người đồng cấp. Cậu bé chưa đầy mười tuổi đi tìm con diều của mình, do hoàn cảnh riêng, đã có vẻ từng trải khi thốt lên: Cái gì đã mất thì không còn là của mình, đã có thể quyết định: Thôi bỏ đi, tiếc cũng chẳng được… Cháu sẽ làm cái khác… Trong khi đó ông già, tưởng đã trải qua mọi nỗi của cuộc đời lại ngơ ngác nhận ra cuộc sống luôn là một bí ẩn, như những mật mã, ký hiệu.

Họ cách xa nhau về tuổi tác, kinh nghiệm, hoàn cảnh sống nhưng có một mối tương đồng giữa những con người .

*Một người đã “thây kệ” mọi thứ, nhưng chỉ cần rời khỏi chiếc ghế trong ngôi nhà đóng kín cửa là đã có thể thấy bao nhiêu thứ đang vận động trong cuôc đời bên ngoài. Chị có phải là một người lạc quan?

-Vâng. Tôi là một người lạc quan, do bản tính và cũng là kinh nghiệm sống. Không một ai có thể và được quyền thờ ơ trước những thân phận khác quanh mình. Không ít khi ta chỉ muốn đóng chặt cửa ngôi nhà của mình, cuộc sống của mình, thế nhưng đó là điều bất khả, nếu anh còn muốn sống đúng như một con người.

*Chị có tin rằng khi ta gõ thì cửa sẽ mở, như cậu bé trong truyện đã làm?

-Người ta không thể không mở cửa trước những tiếng gõ khẩn thiết, kiên trì. Tất nhiên, với điều kiện người bên trong cánh cửa phải là, bắt buộc là, một người còn tình yêu thương con người, còn lòng trắc ẩn, dù ít ỏi.

*Chị nhìn thấy con diều của tuổi thơ Việt Nam đang bay ở đâu?

-Các con tôi thuở nhỏ có nhiều trò chơi tự tạo, tự lập và mang tính tập thể cao. Chúng tìm gỗ tự đẽo những con quay, tìm chạc cây làm súng cao su, tự lên chợ Mơ mua cá vàng về nuôi, chúng trèo cây hái sấu, hái me, chúng chơi trốn tìm, bắn bùm, bịt mắt bắt dê…cùng nhau. Nhưng các cháu của tôi hiện nay chỉ hiện diện bên cạnh mọi người trong bữa cơm gia đình. Chúng ở trong phòng riêng, học bài, làm bài, xem phim, trò chuyện với bạn bè trên máy tính... Các đồ chơi đều tận dụng tối đa tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin, điều khiển bằng remote…Chúng không có những cánh diều thực, không có khoảng không để chạy nhảy, không có tiếng reo vui khi nhìn ngắm con diều của mình bay lên theo gió và cũng không âu lo đi tìm con diều bị mắc trên cành cây nhà ai đó…

Tôi e rằng chúng cũng thiếu vắng những cánh diều trong tâm tưởng

*Văn xuôi có khiến chị gần hơn với thời cuộc?

-Đúng ra là gần hơn với cuộc sống đời thường. Còn thời cuộc thì lúc nào tôi cũng quan tâm. Tuy nhiên, cũng nên nói thêm rằng, đời sống mà người viết văn quan tâm, thâu lượm và chiêm nghiệm chắc chắn phải được quan sát, tìm hiểu, tích lũy… từ rất nhiều năm tháng, chứ không phải chỉ trong ngày một ngày hai.

Ngô Thị Kim Cúc. Ảnh: NVCC 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì có người gõ cửa