Mảng thơ viết về đồng quê ngày càng thưa vắng. Mà đây lại là một bộ phận rất quan trọng trong lịch sử thi ca Việt Nam.

Vì đâu thơ đồng quê ngày càng thưa vắng?

Một Thế Giới | 15/07/2014, 06:16

Mảng thơ viết về đồng quê ngày càng thưa vắng. Mà đây lại là một bộ phận rất quan trọng trong lịch sử thi ca Việt Nam.

Những năm gần đây, thơ ca Việt Nam ngày càng phản ánh được nhiều bình diện của hiện thực xã hội. Người người làm thơ, thơ xuất hiện trên báo, trên các ấn phẩm, đâu đâu cũng thấy thơ - rất nhiều thơ. Và thơ “tự xuất bản” chuyền tay nhau nữa! Chưa nói đến chuyện mọi người làm thơ để mưu sinh, cầu danh hay giải trí và chất lượng những bài thơ ấy cao hay còn rất thấp, mà với sự xuất hiện của nhiều cây bút mới với giọng điệu mới, thì ở một khía cạnh nào đó, đấy vẫn là điều đáng mừng cho thơ. Thế nhưng có một điều dễ nhận thấy là mảng thơ viết về đồng quê ngày càng thưa vắng. Mà đây lại là một bộ phận rất quan trọng trong lịch sử thi ca Việt Nam.
Thơ đồng quê là sản phẩm tinh thần “nảy mầm” từ nền văn minh lúa nước. Nó phản ánh cuộc sống lao động, sinh hoạt, chiến đấu với một vẻ đằm thắm, mộc mạc mà tình tứ tài hoa của tâm hồn người nông dân. Những câu ca dao, câu thơ được “khai sinh” ngay trên luống cày, bến sông, vườn cây ấy đã có sức sống bền bỉ hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Thơ đồng quê đã rất gần gũi, thân thiết với tâm hồn người Việt Nam như gió đồng, nước giếng. Các nhà thơ Việt Nam hầu hết xuất thân từ nông thôn, tâm hồn được nuôi dưỡng từ bầu sữa của ca dao, dân ca, tục ngữ; của những hội hè, đình đám; những phong tục, tập quán. Nhưng họ nhanh chóng bị cuốn hút vào cuộc sống văn minh đô thị. Đô thị hoá là sự phát triển tất yếu của xã hội. Ở một mức độ nào đó, nó tạo ra cơn lốc xô bồ, bụi bặm của cơ chế thị trường, luồn lách vào mọi thôn cùng xóm vắng từ cách nhìn, cách nghĩ đến lời ăn tiếng nói. Và quá trình đô thị hoá trong thơ song hành với quá trình đô thị hoá nông thôn. Các nhà thơ đã nhàm chán với các thi liệu quen thuộc như đường phố, công viên, bờ hồ… nay huy động vào thơ cả vũ trường, bia bọt… Xu thế đô thị hoá, salon hoá thậm chí cả xu thế “giường chiếu hoá” trong thơ ngày càng lấn lướt. Tìm những câu thơ đồng quê bây giờ khó như gặp một cô thôn nữ trong siêu thị vậy!
Công bằng mà nói thì người làm thơ về đồng quê bây giờ chưa hẳn đã hết. Người đọc vẫn có thể bắt gặp đâu đó thơ viết về đề tài này hoặc dăm ba câu thơ làng quê trong một vài trang báo, tập thơ của một số ít cây bút. Trên một vài diễn đàn có người vẫn bày tỏ nỗi trăn trở về vị trí đang mất dần của thơ đồng quê. Họ hoài nghi rồi khẳng định về số phận của thơ đồng quê Việt Nam thế kỷ 21. Điều đó chứng tỏ họ còn vương vấn duyên nợ lắm với đề tài nông thôn. Nhưng mọi người lo lắng bởi vì mọi người chưa làm hoặc chưa làm được. Thơ viết về nông thôn thực tế chủ yếu là ca ngợi nông nghiệp. Có khá nhiều những cuộc thi thơ, tuyển tập thơ về nông thôn, nông dân nhưng khó mà nhận ra được cái bản sắc của nông thôn Việt Nam. Vẫn là dòng sông, cánh đồng, con đường làng, mùa màng mưa nắng đấy nhưng thơ bây giờ không khơi gợi được cái hồn quê, chất quê dân dã, trong trẻo của cái thời Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân… ngày trước. Sự đổi thay từ “chiếc thắt lưng xanh ” trong thơ Nguyễn Bính, “cái yếm thắm” trong thơ Anh Thơ đến “áo chẽn, quần bò, áo cài khuy bấm, quần bò, mũ cối” là sự đổi thay mạnh mẽ của lề thói, nếp sống tư tưởng ở người nông thôn. Trong cuộc chuyển mình của xã hội, nhà thơ vừa “van em em hãy giữ nguyên quê mùa”, vừa thu lượm và lưu giữ những giá trị văn hoá tinh thần. Đó là những người đảm nhận vai trò canh gác ngôi đền thiêng cho quá khứ. Lại có những cây bút mạnh dạn làm cuộc đổi thay xã hội nông thôn trong thơ bằng một lối viết tân kỳ dị mọ. Những câu thơ đó nhanh chóng thu hút sự chú ý của người đọc nhưng cũng nhanh chóng đi vào quên lãng. Bởi vì những câu thơ cách tân viết về nông thôn khác xa với những câu thơ - ca dao dễ đọc, dễ hiểu đã ngấm vào tâm hồn người Việt Nam như máu thịt đã bao đời nay. Những nhà cách tân hăng hái và đắc ý với lối viết đó và gọi nó là đổi mới, là khám phá. Nhưng cách tân mà xa lạ hoàn toàn với chính mình thì liệu chúng ta có nên?
Vậy vì sao mà thơ đồng quê cứ còi cọc, thưa thớt như lúa đồng gặp hạn? Phải chăng thơ viết về đồng quê đã hết màu mỡ bởi những tên tuổi chuẩn mực, là niềm ngưỡng vọng của các cây bút suốt già nửa thế kỷ qua! Người làm thơ bây giờ không dễ gì vươn ra ngoài cái bóng của những cây đại thụ ấy. Viết gì cũng sợ lặp lại người trước, đi đâu cũng chạm bóng dáng của Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ… Điều này làm cho một số cây bút trẻ bây giờ viết cầm chừng hoặc không thể viết được ở đề tài này. Nhưng nguyên nhân cũng có thể là do quá trình đô thị hoá nông thôn đã diễn ra quá mạnh mẽ. Nhiều giá trị văn hoá, đạo lý truyền thống bị đảo lộn. Nhiều chuẩn mực xưa kia không hoàn toàn còn phù hợp với xã hội hiện đại. Người ta ngày càng ít được nghe những bài mẹ ru con bằng tiếng hát ru. Lớp trẻ nhỏ quên dần những bài đồng dao, những trò chơi thuở đầu trần chân đất. Thế hệ cầm bút hôm nay và mai sau không được biết đến những tinh hoa vật chất, tinh thần của ông cha đang ngày dần mai một đi. Trước hiện thực xã hội mới, họ nhìn nhận, đánh giá và viết ra những tác phẩm khác xa với truyền thống. Và thơ đồng quê không còn vẻ đẹp của ca dao, tục ngữ nữa…
(Theo VHQN)
Bài liên quan
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến lĩnh 30 tháng tù treo
HĐXX TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt cựu Bí thư Trịnh Văn Chiến 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì đâu thơ đồng quê ngày càng thưa vắng?