Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ngày 27.9 đưa tin cho biết, phía Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 9.9 vừa qua đã ban hành kết quả sơ bộ cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ 2 (thực hiện 5 năm/lần) đối với sản phẩm tôm Việt Nam để xác định liệu việc dỡ bỏ Lệnh áp thuế chống bán phá giá có dẫn tới khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá hay không.

Vì sao Mỹ chưa dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam?

tuyetnhung | 28/09/2016, 05:42

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ngày 27.9 đưa tin cho biết, phía Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 9.9 vừa qua đã ban hành kết quả sơ bộ cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ 2 (thực hiện 5 năm/lần) đối với sản phẩm tôm Việt Nam để xác định liệu việc dỡ bỏ Lệnh áp thuế chống bán phá giá có dẫn tới khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá hay không.

Trước đó, ngày 1.3.2016, theo pháp luật về chống bán phá giá của WTO cũng như của Mỹ, DOC đã ban hành thông báo khởi xướng cuộc điều tra rà soát trên. Liên quan tới kết quả sơ bộ của đợt rà soát, DOC đưa ra quan điểm đối với 2 vấn đề: Thứ nhất, việc dỡ bỏ lệnh áp thuế có dẫn tới việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá hay không. Thứ hai, biên độ phá giá mang tính phổ biến trong các đợt rà soát là bao nhiêu?

Đối với vấn đề thứ nhất, DOC đã dựa trên biên độ phá giá trong các đợt rà soát hành chính thuộc cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ 2, cũng như lượng nhập khẩu tôm vào Mỹ trước và sau khi Lệnh áp thuế được ban hành.

Trong bản đệ trình của mình, các doanh nghiệp Việt Nam đã lập luận rằng nếu DOC không áp dụng phương pháp quy về 0 (zeroing) trước và trong khi áp dụng phương pháp định giá phân biệt thì họ sẽ nhận được biên độ phá giá không đáng kể (de minimis) trong tất cả các đợt rà soát kể từ sau cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ 1.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng dẫn chiếu đến kết luận mới đây của Cơ quan Phúc thẩm trong vụ việc DS464 của Hàn Quốc (Hàn Quốc kiện Mỹ tại WTO) theo đó phương pháp zeroing là không phù hợp với quy định của Hiệp định Chống bán phá giá ngay cả khi áp dụng phương pháp định giá phân biệt.

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng nếu lệnh áp thuế được dỡ bỏ thì biên độ phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam (nếu không sử dụng zeroing) cũng sẽ ở mức không đáng kể. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng họ vẫn có thể xuất khẩu với lượng tương đươngmức trước khi lệnh áp thuế được ban hành (2005) mà không bán phá giá.

Tuy nhiên, DOC đã bác bỏ lập luận này và cho rằng Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ (CAFC) đã quy định rằng báo cáo của Ban hội thẩm/Cơ quan phúc thẩm WTO không có hiệu lực đối với pháp luật Mỹ “trừ khi và cho đến khi báo cáo đó được thông qua theo quy trình cụ thể” quy định trong Đạo luật về thực thi các hiệp định của Vòng đàm phán Uruguay (URAA) của Mỹ.

Do vụ việc DS464 vẫn chưa đến giai đoạn thực thi và Mỹ chưa triển khai thủ tục để thực thi các phán quyết này, báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm trong vụ việc DS464 sẽ tạm thời chưa ảnh hưởng tới quyết định của DOC trong vụ việc này. Vì vậy, DOC cho rằng biên độ phá giá trong các đợt rà soát hành chính gần đây, sử dụng phương pháp định giá phân biệt, vẫn phù hợp với quy định của WTO.

Ngoài ra, DOC cũng đã dựa trên số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) để xem xét lượng nhập khẩu tôm trước và sau khi ban hành lệnh áp thuế. Các số liệu này cho thấy mặc dù lượng nhập khẩu có sự biến động sau khi Lệnh áp thuế được ban hành, tuy nhiên, lượng nhập khẩu gần đây vẫn duy trì ở mức bằng hoặc cao hơn trước khi có Lệnh áp thuế.

DOC cho rằng do vẫn tồn tại biên độ phá giá trong đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 8 và 9 (POR 8 và 9) nên các doanh nghiệp bị đơn Việt Nam sẽ không thể bán với lượng nhập khẩu như trước khi có Lệnh áp thuế mà không phá giá. Do vậy, DOC kết luận rằng việc bán phá giá có thể tiếp tục nếu Lệnh áp thuế bị dỡ bỏ.

Đối với vấn đề thứ hai, DOC cho rằng ngoại trừ các đợt rà soát hành chính gần đây nhất (POR7, 8, 9, 10) thì trong các đợt rà soát còn lại trước đây, DOC đã sử dụng phép so sánh thông thường (bình quân gia quyền giá trị thông thường và bình quân gia quyền giá xuất khẩu W-W) và áp dụng zeroing. Tuy nhiên, thuế suất toàn quốc của Việt Nam vẫn duy trì ở mức 25.76% trong tất cả các đợt rà soát kể từ cuộc điều tra ban đầu và bị tính toán dựa trên các dữ liệu sẵn có bất lợi.

Do những dữ liệu sẵn có bất lợi này xuất phát từ đơn kiện nên không liên quan đến phương pháp zeroing. Vì vậy, DOC kết luận rằng đây là biên độ phá giá phù hợp mang tính đại diện và là biên độ cao nhất mà việc phá giá có thể tiếp tục hoặc tái diễn.

Tóm lại, về sơ bộ DOC kết luận rằng việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm của Việt Nam có thể dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá và việc tiếp tục hoặc tái diễn bán phá giá có thể lên tới 25.67%.

Tuyết Nhung
Bài liên quan
Apple lên tiếng khi xóa TikTok, CapCut và Lemon8 khỏi App Store ở Mỹ, lượng tìm kiếm VPN tăng vọt
TikTok đã ngừng hoạt động tại Mỹ vào đêm 18.1 và biến mất khỏi cửa hàng ứng dụng của Apple, Google trước khi luật có hiệu lực hôm 19.1 yêu cầu đóng cửa nền tảng được hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Mỹ chưa dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam?