“Nếu không có một nền sản xuất mạnh mẽ thì không bao giờ có một ngành công nghiệp bán lẻ phát triển vững chắc và đủ sức cạnh tranh được” – ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói.

Do đâu doanh nghiệp nước ngoài ‘làm mưa làm gió’ trên thị trường bán lẻ Việt?

Trí Lâm | 25/09/2016, 11:09

“Nếu không có một nền sản xuất mạnh mẽ thì không bao giờ có một ngành công nghiệp bán lẻ phát triển vững chắc và đủ sức cạnh tranh được” – ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói.

Thay vì khởi sự từ đầu, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đã chọn cách mua lại cổ phần của các công ty trong nước, nhờ đómặc nhiên họ đã có sẵn trong tay một hệ thống mạng lưới tốt mà các doanh nghiệp Việt phải mất nhiều thời gianđể xây dựng. Thị trường M&A cũng từ đó mà nở rộ, không ngừng gia tăng trong những năm gần đây.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A trong 5 năm qua đạt 18 tỉ USD và riêng 7 tháng đầu năm nay đã vượt con số 3,2 tỉ USD. Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới hoạt động này sẽ bùng nổ ở lĩnh vực như bán lẻ, địa ốc, hàng tiêu dùng…

Cuộc chơi này có sự góp mặt của nhiều quốc gia, nổi bật nhất vẫn là Thái Lan và Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong quá trình này, các nhà đầu tư của Thái Lan hiện chiếm ưu thế, quy mô M&A của nhà đầu tư Thái Lan chiếm 24,8% giá trị M&A trong năm 2015 và nửa đầu 2016.

Những thương vụ đáng chú ý nhất gần đây là Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,14 tỉ USD; Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1,1 tỉ USD thông qua nắm giữ 25% cổ phần Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Berwery; Nguyễn Kim đã được Power Buy, công ty trực thuộc tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group mua lại 49% cổ phần với giá trị thương vụ không được tiết lộ; AEON mua 49% của Citimart và 30% của Fivimart; Nojima nắm giữ 31% cổ phần của Điện máy Trần Anh…

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng thị trường bán lẻ sẽ còn phát triển mạnh bởi Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người, đa số là dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, năm 2014 đạt 2.070 USD, dự báo đến năm 2020 phấn đấu đạt3.200 đến 3.500 USD. Trong khi đó, thị phần bán lẻ hiện đại của siêu thị và trung tâm thương mại so với tổng doanh số bán lẻ đạt khoảng 20% nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn rất thấp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt lại không tận dụng hết được thị trường này mà phải chia sẻ “miếng bánh” béo bở đó với các doanh nghiệp ngoại. Theo ông Phú, hiện nay chỉ có một số ít các nhà bán lẻ Việt Nam còn tiếp tục trụ vững và phát triển, còn lại đa số các thương hiệu nội phần thì bán bớt cổ phần hoặc hợp tác kinh doanh, phần thì rút bớt địa điểm do làm ăn khó khăn hoặc thua lỗ, một phần co cụm lại, ít phát triển để củng cố thương hiệu, trụ vững ở thị trường, chấp nhận cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Lý do các doanh nghiệp nước ngoài áp đảo nhiều doanh nghiệp Việt ngay trên thị trường Việt, ông Phú cho rằng do các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có kinh nghiệm kinh doanh lâu năm, có thương hiệu, tiềm lực tài chính mạnh. Họ sẵn sàng chịu lỗ vài năm để tiếp tục đầu tư mở rộng chuỗi phân phối với tốc độ nhanh hơn, quy mô lớn hơn, hiện đại hơn so với các doanh nghiệp trong nước.

“Họ đảm bảo các tiêu chuẩn hàng hóa chất lượng kinh doanh, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm chuẩn mực hơn, giá bán ngày càng giảm, do họ vận doanh theo chuỗi, họ có chiến lược giá rẻ, khuyến mại liên tục” – ông Phú nói.

Theo Boston Consulting Group, tầng lớp trung và thượng lưu tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và con số này sẽ tăng gấp đôi vào giữa năm 2014 và 2020, từ 12 triệu lên đến 33 triệu. Ngườitiêu dùngthuộc tầng lớp này với thu nhập trên 15 triệu VND/tháng (714USD) chính là những khách hàng tiềm năng cho các nhà bán lẻ..

Bà Trang Lê, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển, JLL Việt Nam nhận định rằng, ngoài yếu tố dân số trẻ thì công nghệ cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ. Theo báo cáo của Nielsen, 9/10 người tiêu dùng tại Việt Nam (91%) sở hữu điện thoại thông minh khiến thương mại điện tử phát triển mạnh hơn, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng với xu hướng chuyển dịch nhu cầu tiêu thụ hàng hóa qua mạng.

“Số lượng người sở hữu thẻ tín dụng gia tăng cũng là yếu tố làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, khiến họ sẵn sàng xuống tiền mua nhiều hàng hóa hơn. Lượng du khách quốc tế ngày càng tăng và yếu tố cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiệncũng làm cho Việt Nam trở thành miếng bánh hấp dẫn đối với nhiều nhà bán lẻ”- bà Trang Lê cho hay.

Theo ông Vũ Vinh Phú, muốn cạnh tranh được với các doanh nghiệp ngoại, nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh thương mại minh bạch, công khai, bình đẳng và thông thoáng, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các bộ luật liên quan. Đồng thời, cần tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng, đủ cung ứng cho thị trường bán lẻ.

“Bởi vì nếu không có một nền sản xuất mạnh mẽ thì không bao giờ có thể có một ngành công nghiệp bán lẻ phát triển vững chắc và đủ sức cạnh tranh được” – ông Phú nói.

Theo đó, nhà nước cần tạo điều kiện cho các hiệp hội hoạt động một cách chủ động, hiệu quả, góp phần hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương và trung ương.

Ông Phú cũng cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần tự thân khắc phục những điểm yếu bằng năng lực vốn có của mình, kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận mà cònvì lợi ích của xã hội thay vì chụp giật. Chú trọng đào tào nguồn nhân lực, vận hành các siêu thị một cách chuyên nghiệp và có văn hóa, học tập những điểm mạnh của các doanh nghiệp FDI…

Hoàng Long
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Do đâu doanh nghiệp nước ngoài ‘làm mưa làm gió’ trên thị trường bán lẻ Việt?