Bộ Tài chính khẳng định đề xuất bỏ miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng bán qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) là phù hợp thực tế thị trường và thông lệ quốc tế.
Tài chính và đầu tư

Vì sao nên bỏ quy định miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng?

Tuyết Nhung 09/11/2024 16:46

Bộ Tài chính khẳng định đề xuất bỏ miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng bán qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) là phù hợp thực tế thị trường và thông lệ quốc tế.

Đã rất nhiều nước bãi bỏ thuế đó

Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời thắc mắc về quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, bộ nêu quan điểm rõ ràng về lý do bỏ quy định miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng qua sàn TMĐT và việc kê khai thuế đối với những sản phẩm giao dịch trên các sàn này.

tmdt.jpeg
Khoảng 70% hàng chuyển phát nhanh vào Việt Nam trị giá khoảng 1 triệu đồng - Ảnh: IT

Theo Bộ Tài chính, trước đây cơ quan này đã báo cáo Thủ tướng quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT) qua dịch vụ chuyển phát nhanh với hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng qua các sàn TMĐT. Điều này căn cứ vào Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (công ước Kyoto) mà Việt Nam đã ký kết.

Bối cảnh thực tế Việt Nam giai đoạn đó cũng đặt ra các yêu cầu cần phải có các chính sách phù hợp để đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo thuận lợi cho thương mại phát triển, trong đó có hàng hóa gửi qua chuyển phát nhanh có trị giá không lớn nhưng số lượng nhiều.

Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định quy định về định mức hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT, không áp dụng với thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vì những mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB là mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu (như thuốc lá, rượu, bia...).

Về trị giá hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế, qua tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mức miễn thuế trung bình tại thời điểm xây dựng văn bản quyết định rơi vào khoảng 130 USD.

Theo thống kê, trị giá hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh vào Việt Nam thời điểm đó có trị giá lớn không nhiều, đa phần vào khoảng 1 triệu đồng (chiếm 60 - 70% tổng số lượng hàng hóa chuyển phát nhanh nhập khẩu).

Nhằm đơn giản thủ tục hải quan và thực hiện cam kết quốc tế, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng áp dụng định mức miễn thuế là 1 triệu đồng (tương đương 50 USD).

Tuy nhiên, gần đây, hoạt động thương mại quốc tế đã có nhiều thay đổi. Các nước EU đã xóa bỏ quy định miễn thuế GTGT với các lô hàng từ 22 euro trở xuống. Vương quốc Anh cũng bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có tổng trị giá dưới 135 bảng Anh từ năm 2021.

Tương tự, Singapore từ năm 2023 cũng bắt đầu bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa trị giá thấp, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT. Thái Lan cũng thu thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, không phân biệt trị giá từ ngày 1.5.

Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ trong đó đề xuất bãi bỏ việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng.

"Nội dung này đã được xin ý kiến các tổ chức, cá nhân theo quy định, đã được Bộ Tư pháp thẩm định và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng", Bộ Tài chính nhấn mạnh. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết việc ban hành và thực hiện Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT cần được thực hiện đồng bộ với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin nên cần phải có thêm thời gian để chuẩn bị.

Để phù hợp với các yêu cầu mới đang đặt ra và trên cơ sở kiến nghị của một số cơ quan trong quá trình xây dựng dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Bộ Tài chính đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật bãi bỏ Quyết định số 78 theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh các hoạt động TMĐT qua biên giới có xu hướng ngày càng phát triển.

Cơ sở nào đề xuất các sàn giao dịch TMĐT nộp thay thuế?

Thời gian gần đây, dư luận đặt câu hỏi về việc quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký cấp phép và cơ sở nào đề xuất các sàn giao dịch TMĐT nộp thay thuế?

Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay, hoạt động kinh doanh sàn TMĐT Việt Nam là hoạt động kinh doanh phải được cấp phép và chịu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa (trong đó có khoản thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT), trên cơ sở các quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80, các nhà quản lý sàn thương mại điện tử có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Nếu phát hiện nhà cung cấp nước ngoài kê khai chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu, đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ. Đồng thời cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.

Ngoài ra, đối với người bán là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nói chung, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức là nhà quản lý các sàn TMĐT (bao gồm cả sàn TMĐT trong và ngoài nước) có chức năng thanh toán phải khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn.

Nội dung này được hiểu là khi sàn TMĐT có chức năng thanh toán khấu trừ, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh trên sàn thì thực hiện khai với cơ quan thuế thông tin số thuế của hộ, cá nhân kinh doanh mà sàn đã khấu trừ, nộp thuế thay. Thông tin mà sàn TMĐT đã khai với cơ quan thuế là căn cứ, cơ sở dữ liệu để cơ quan thuế quản lý nghĩa vụ thuế của hộ, cá nhân kinh doanh.

Quy định này góp phần giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho toàn xã hội, do chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch TMĐT khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho hàng chục, hàng trăm nghìn cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn.

Để triển khai quy định này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ, phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa cơ quan thuế và các tổ chức quản lý sàn TMĐT, nền tảng số, thống nhất về phạm vi trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức quản lý sàn, nền tảng khi thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay và khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT trên cơ sở tổ chức làm việc, trao đổi trực tiếp với một số sàn TMĐT.

Quy định này được đề xuất trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn quản lý như: Chính sách quản lý chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế; việc cung cấp thông tin của sàn giao dịch TMĐT còn chưa đầy đủ và chưa sát thực tế phát sinh, khiến việc định danh, quản lý, kiểm soát doanh thu trên sàn gặp khó khăn...

Ngoài ra, về triển khai cơ chế sàn TMĐT khai, nộp thuế thay cho người bán, Bộ Tài chính nhấn mạnh, đây là nội dung rất được khuyến nghị triển khai trong các tài liệu, nghiên cứu của OECD, các tổ chức quốc tế cũng như đã chứng minh thực tế hiệu quả triển khai của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực.

Bài liên quan
Mỹ nhắm vào nền tảng thương mại điện tử lớn Trung Quốc, muốn cắt giảm miễn thuế các mặt hàng nhập khẩu giá trị thấp
Chính quyền Biden đã công bố các biện pháp mới, chủ yếu nhắm vào các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu và Shein, để giảm phạm vi các mặt hàng nhập khẩu giá trị thấp đủ điều kiện được miễn thuế.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lễ đón Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Cộng hòa Peru
29 phút trước Theo dòng thời sự
Chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Lương Cường là dấu mốc quan trọng, phản ánh sự phát triển tích cực của mối quan hệ song phương từ lĩnh vực chính trị-ngoại giao đến kinh tế-thương mại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao nên bỏ quy định miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng?