Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe. Vì vậy, cần quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua sàn thương mại điện tử.
Theo dòng thời sự

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Cần quy định chặt chẽ kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử

Lam Thanh 22/10/2024 13:25

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe. Vì vậy, cần quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua sàn thương mại điện tử.

Sáng 22.10, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Quy định chặt chẽ bán thuốc qua thương mại điện tử

Cho ý kiến vào khoản 3, Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 6 về hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) đề nghị nghiên cứu bổ sung vào quy định cấm đối với hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đúng với danh mục được Bộ Y tế cho phép.

Theo bà Ánh, điều này nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc được chặt chẽ hơn, bởi vì thuốc và nguyên liệu làm thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.

Bà Ánh cho hay hiện nay, hoạt động thương mại điện tử diện diễn ra phong phú, đa dạng và phức tạp. Khác với những loại hàng hóa khác, thuốc được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng nếu không được quản lý tốt thì sẽ gây hậu quả rất nặng nề và khó khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe và bức xúc trong dư luận. Vì vậy, đại biểu tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử.

Đại biểu Hiếu nêu quan điểm, các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

duoc-1-hieu.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định)

Ngoài ra, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử. Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép.

Đại biểu Hiếu cho rằng sau khi luật được thông qua, Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay.

Theo đại biểu, dự thảo luật cũng cần có điều, khoản cụ thể quy định rằng Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.

Quản lý giá thuốc không kê đơn thế nào?

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về dự thảo quy định tại Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Vậy đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc. Dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc.

Như vậy, theo bà Hà, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến việc mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau, và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn tỉnh thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ rất khác nhau.

duoc-3-ha.jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội)

Hơn nữa, với với một số tỉnh, thành phố có quy mô lớn như Hà Nội gần 10.000 cơ sở bán lẻ và gần 1.500 cơ sở bán buôn, quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc. Vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.

Băn khoăn trách nhiệm cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài

Góp ý về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết tại Điều 32 khoản 1 của Luật Dược qui định hoạt động “kinh doanh bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc” là một hoạt động kinh doanh dược độc lập.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc cũng được liệt kê tại khoản 2 điều 32 như một cơ sở kinh doanh dược độc lập với cơ sở bán buôn hay cơ sở bán lẻ thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Vì vậy, theo bà Thu, khi khoản 4 Điều 53a quy định các cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện các hoạt động bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không nêu rõ là các hoạt động này gắn với bán hàng thì vô hình chung đã loại trừ quyền kinh doanh của các doanh nghiệp FIE đối với một hoạt động kinh doanh độc lập không có liên quan đến phân phối thuốc được qui định trong luật.

duoc.jpg
Quốc hội thảo luận về Luật Dược

Đại biểu tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, theo các hiệp định thương mại tự do như WTO, CPTTP, EVFTA… Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho phân phối dược phẩm nhưng không bảo lưu quyền tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics.

Theo cam kết trong WTO, Việt Nam đã bỏ hạn chế về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics sau 7 năm kể từ khi gia nhập – tức là kể từ năm 2014, Việt Nam đã không còn hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

“Nếu mở rộng thêm quyền cho các doanh nghiệp FIE sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp đã tập trung đầu tư xây dựng, cung cấp dịch vụ cho thuê kho bãi, logistics trong hoạt động kinh doanh phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian qua”, bà Thu nói.

Ngoài ra, theo đại biểu tỉnh này, phần lớn các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển như Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, đều thực hiện chính sách mở cửa trong lĩnh vực phân phối và logistic dược phẩm và những chính sách này đã có tác động tích cực trong việc huy động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.

Từ đó, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi điểm a và b khoản 4, điều 53a như sau:

a) Bán, giao nhận, vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nếu các hoạt động giao nhận, vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc gắn với bán hàng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và 3 Điều này;

b) Nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc không phải do chính cơ sở nhập khẩu hoặc sản xuất, nếu dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc gắn với bán hàng.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa, nhưng cần ý thức rõ vị trí của ngành dược trong nước, tránh việc các hãng dược lớn của thế giới không thể tiếp cận được thị trường, trong khi dược phẩm trong nước chưa đảm bảo được chất lượng, người dân không sử dụng được dược phẩm đạt chất lượng như mong muốn.

Việt Nam có hơn 800 hoạt chất và 22.000 số đăng ký thuốc, là quá nhiều so với các quốc gia khác, đồng thời số đăng ký thuốc trong nước đang bị trùng lặp rất nhiều. Do đó cần có chủ trương hạn chế số lượng đăng ký thuốc để quá trình cấp số đăng ký được hoàn chỉnh, minh bạch hơn và cần phải quy định nội dung này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Về vấn đề đấu thầu thuốc, Luật Đấu thầu hiện nay chỉ tập trung vào mục tiêu chọn thuốc giá rẻ, gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và phát triển bền vững của ngành công nghiệp dược. Do đó, cần xem xét lại quy định về đấu thầu thuốc để đảm bảo cung cấp đủ thuốc, vắc xin cho người dân và phát triển bền vững ngành dược.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Cần quy định chặt chẽ kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử