Dù mức tăng trưởng dự báo trong năm 2016 là 6,6% vẫn nằm trong mục tiêu tăng trưởng của chính phủ Trung Quốc, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế của nước này đang tỏ ra khó khăn hơn bao giờ hết, thậm chí là gần như vô vọng.

Vì sao Trung Quốc khó chuyển đổi mô hình kinh tế?

Nhàn Đàm | 30/08/2016, 06:24

Dù mức tăng trưởng dự báo trong năm 2016 là 6,6% vẫn nằm trong mục tiêu tăng trưởng của chính phủ Trung Quốc, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế của nước này đang tỏ ra khó khăn hơn bao giờ hết, thậm chí là gần như vô vọng.

Dù vẫn còn khoảng 4 tháng nữa mới kết thúc năm 2016, nhưng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục phá kỷ lục trong việc có tốc độ tăng trưởng trung bình năm thấp nhất trong vòng ba thập kỷ. Báo cáo mới nhất của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 sẽ chỉ đạt 6,6%, thấp hơn mức 6,9% trong năm 2015 vốn được xem là mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Dù mức tăng trưởng 6,6% này vẫn nằm trong mục tiêu tăng trưởng của chính phủ Trung Quốc (6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020), nhưng ý nghĩa thực sự của nó thì không dừng lại ở mặt chữ số. Những gì diễn ra trong 8 tháng đầu năm 2016 đang cho thấy một thực tế khắc nghiệt với Trung Quốc: quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế của nước này đang tỏ ra khó khăn hơn bao giờ hết, thậm chí là gần như vô vọng.

Năm 2016 có thể không phải là một năm thất bại với Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế, khi mức tăng trưởng dự báo khoảng 6,6% vẫn nằm trong mục tiêu 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020, nhưng có lẽ sẽ là một năm thất bại xét về mục tiêu dài hạn là chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Từ cuối năm 2014 mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa đã được chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố trước truyền thông, và ngay lập tức Trung Quốc đã trải qua một năm 2015 đầy khó khăn khi chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 6,9% - thấp nhất kể từ năm 1990.

Tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong năm 2015 (và có thể là cả năm 2016) có thể được bào chữa bằng lý do: đó là cái giá cần thiết cho việc đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới. Nhưng, điều đó là có chính xác?

Về cơ bản, mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa đồng nghĩa với việc, Trung Quốc sẽ phải giảm mạnh quy mô hoạt động của các ngành sản xuất để xuất khẩu chủ lực của nước này như các ngành công nghiệp nặng (sản xuất sắt thép, than đá) trong khi thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, công nghiệp không khói,… nhưng chính quy mô quá khổng lồ của các ngành xuất khẩu của nước này là lý do cho sự khó khăn trong việc chuyển đổi đó.

Năm 2016 chứng kiến một sự thoái trào và suy tàn không thể ngăn cản của các tỉnh được xem là trung tâm công nghiệp nặng của Trung Quốc mà điển hình là Liêu Ninh khi phần lớn các nhà máy sản xuất thép của vùng này đã giảm quy mô hoạt động đáng kể. Khoảng 2-3 triệu công nhân hoạt động trong các ngành sản xuất thép và than đá đã bị sa thải trong năm nay, trong khi nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm tốc còn quá trình đô thị hóa cũng đã ngưng lại với số lượng người dân từ các đô thị quay trở lại vùng nông thôn đang tăng lên đáng kể.

Nói cách khác, các ngành sản xuất truyền thống và là thế mạnh của Trung Quốc trong nhiều năm qua đang thoái trào với tốc độ rất nhanh, trong khi các ngành công nghệ cao được kỳ vọng sẽ thế chỗ để trở thành mũi nhọn cho nền kinh tế lại chưa có những bước tiến cần thiết. Đó là lý do vì sao các nhà đầu tư Trung Quốc vung tiền để thâu tóm các doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài và thực sự tạo thành một làn sóng trên khắp thế giới. Sự thiếu hụt trầm trọng về công nghệ trong khi yêu cầu phát triển các lĩnh vực công nghệ cao lại quá cấp bách với nền kinh tế, khiến cho Trung Quốc buộc phải sử dụng biện pháp bỏ tiền ra mua. Trên thực tế, năm 2016 cũng chứng kiến Trung Quốc đạt được những bước tiến nhất định trong việc đạt được nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, điển hình là các lĩnh vực như sản xuất điện thoại thông minh hay đóng tàu, nhưng chỉ có thế thì vẫn là quá ít.

Khó khăn trong việc chuyển đổi mô hình kinh tếcòn đến từ tình trạng phát triển lệch lạc của Trung Quốc trong nhiều năm qua. Về lý thuyết, điều kiện cần thiết để chuyển sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng nội địa là một xã hội có thu nhập bình quân đầu người cao và đồng đều, nhưng ở Trung Quốc thì rõ ràng là chưa. Một nghiên cứu mới nhất của đại học Bắc Kinh về thu nhập trong xã hội Trung Quốc đang cho kết quả, trong đó Trung Quốc hiện đang là một trong những nước bất bình đẳng nhất trên thế giới, với sự chênh lệch thu nhập lớn lao và phân nửa dân số có thu nhập ở mức trung bình thấp. Cụ thể, những người giàu nhất Trung Quốc hiện chiếm 1% số hộ gia đình trong xã hội, nhưng lại sở hữu 1/3 tổng tài sản của nước này.

Năm 2015, Trung Quốc chiếm 90% số triệu phú mới nổi của thế giới và vượt qua cả Mỹ về số lượng triệu phú lớn nhất toàn cầu. Trong khi đó, có tới 44% dân số Trung Quốc (khoảng 600 triệu người) đang sinh sống ở các vùng nông thôn với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ là 1.620 USD/năm – ngang bằng với các nước có thu nhập trung bình thấp, dù trên danh nghĩa thu nhập bình quân đầu người trong xã hội Trung Quốc là khoảng gần 8.000USD.

Nói cách khác, nếu tính theo tỷ lệ dân cư trong xã hội có thu nhập bình quân đầu người thuộc diện trung bình thấp chiếm tới 44%, thì Trung Quốc hiện nay vẫn có thể xem chỉ là một nước đang phát triển mà thôi. Trong khi điều kiện để một quốc gia chuyển sang mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên tiêu dùng nội địa là có thu nhập bình quân đầu người qua mức trung bình (trên 11.000 USD/người/năm).

Những khó khăn gần như nan giải trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc thời điểm hiện tại là lý do khiến các tổ chức quốc tế như IMF hay Ngân hàng Thế giới (WB) đều hạ mức dự đoán tăng trưởng của nước này trong tương lai gần. Theo đó, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ đạt khoảng 6% vào năm 2017 và giảm dần xuống mức dưới 5% ở thời điểm năm 2020. Tốc độ tăng trưởng càng giảm, ngược lại sẽ càng khiến cho việc tích tụ các điều kiện cần thiết để chuyển đổi mô hình tăng trưởng càng trở nên khó khăn hơn với Trung Quốc.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Trung Quốc khó chuyển đổi mô hình kinh tế?