Quá trình cổ phần hoá CIENCO 1, các cổ đông chỉ "tạm thời" bỏ tiền ra thâu tóm doanh nghiệp, gần như tay không sở hữu gần 90% vốn của CIENCO 1
Cùng thời điểm cổ phần hoá CIENCO 1 và thay đổi cổ đông, trong những năm 2015-2017 xuất hiện hàng loạt khoản vay tài chính lớn giữa các cổ đông và CIENCO 1, có dấu hiệu cổ đông lớn rút tiền từ CIENCO 1 tương ứng giá vốn sử dụng mua cổ phần ban đầu. Việc này được diễn ra với cách thức sử dụng ưu thế biểu quyết của cổ đông lớn để thông qua các giao dịch vay tiền của cổ đông hoặc đơn vị có liên quan với CIENCO 1.
Vai trò của HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban điều hành khi CIENCO 1 bị rút vốn?
Với hình thức nói trên, các cổ đông chỉ "tạm thời bỏ tiền" ra "thâu tóm" doanh nghiệp, sau đó rút lại vốn bằng các hợp đồng vay, tay không sở hữu gần 90% vốn của CIENCO 1.
Câu hỏi đặt ra là: Vai trò của HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban điều hành CIENCO 1, khi để các cổ đông thâu tóm doanh nghiệp vốn Nhà nước, gây thất thoát vốn của Nhà nước khi triển khai cổ phần hóa CIENCO 1?
Tại thời điểm 2016, cơ cấu cổ đông của CIENCO 1 gồm:
Các tài liệu cho thấy, các cổ đông lớn của CIENCO 1 gồm: Yên Khánh, Cái Mép, Khánh An đã thực hiện bảo lãnh và thông qua việc cho các công ty: Công ty Cổ phần An Hiền, Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình vay tổng số tiền gần 200 tỉ đồng và một số khoản vay/khoản nợ các tổ chức khác. Tổng giá trị khoản nợ gần bằng giá trị vốn góp vào CIENCO 1.
Đồng thời các cổ đông lớn này (Yên Khánh, Cái Mép, Khánh An) đã thế chấp toàn bộ cổ phần góp tại CIENCO 1 tại các ngân hàng (Yên Khánh thế chấp: 7.403.534 cổ phần ngày 09.12.2015 và 12.600.000 cổ phần ngày 06.11.2017). Nhưng lại đồng thời nhận bảo lãnh (chỉ thể hiện bằng việc đồng ý trong phiếu lấy ý kiến cổ đông của CIENCO 1) cho khoản vay của các tổ chức khác mà không có biện pháp bảo đảm cụ thể.
Điều này cho thấy, việc HĐQT, BKS, TGĐ cùng một số cổ đông lớn đã vi phạm nghĩa vụ của người quản lý, có dấu hiệu buông lỏng với cổ đông lớn và bên vay để thông qua các giao dịch không đúng quy định dẫn đến CIENCO 1 có nguy cơ mất vốn. Hoạt động của bên vay cũng đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cổ đông khác.
Cụ thể: Đối với Công ty Cổ phần An Hiền (An Hiền): Ngày 01.09.2016, An Hiền có văn bản đề nghị CIENCO 1 ký hợp đồng cho vay hạn mức tối đa không quá 100 tỉ đồng, thời hạn vay 24 tháng kể từ ngày 01.09.2016 với sự đồng ý bảo lãnh của các cổ đông lớn: Yên Khánh, Cái Mép, Khánh An;
Ngày 03.09.2016, Tổng Giám đốc CIENCO 1 có văn bản số 0821/TCT-TGĐ xin ý kiến HĐQT về việc chấp thuận chuyển tiền cho An Hiền vay;
Ngày 05.09.2016, HĐQT CIENCO 1 gửi Phiếu xin ý kiến cổ đông lớn (Yên Khánh, Cái Mép, Khánh An) về việc cho An Hiền vay tiền với hạn mức 100 tỉ đồng và nhận được sự tán thành của 3 cổ đông trên (thể hiện tại phiếu ý kiến);
Ngày 01.09.2016, CIENCO 1 ký hợp đồng cho vay với An Hiền. Tổng số tiền đã chuyển cho An Hiền là 97 tỉ đồng (96,5 tỉ đồng chuyển qua uỷ nhiệm chi và 500 triệu đồng tiền mặt).
Ngày 03.01.2017, An Hiền trả nợ 15 tỉ đồng, cho tới thời điểm hiện tại, An Hiền còn nợ CIENCO 1 số tiền 82 tỉ đồng. Hiện An Hiền không đối chiếu công nợ, không gia hạn hợp đồng vay tiền, không có kế hoạch trả nợ cho CIENCO 1.
Ngày 01.09.2016 khi chưa có ý kiến biểu quyết của cổ đông, nhưng việc ông Đinh Văn Thanh - Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của CIENCO 1 đã ký hợp đồng cho An Hiền vay tiền. Như vậy, việc lấy ý kiến cổ đông (lớn) dễ bị hiểu là nhằm hợp thức hoá việc cho An Hiền vay tiền?
Đối với khoản vay của Công ty CP Tập đoàn Đức Bình (Đức Bình), tương tự như An Hiền, ngày 10.12.2016, Đức Bình gửi công văn đề nghị CIENCO 1 cho vay với hạn mức 100 tỉ đồng. 4 ngày sau, Tổng Giám đốc CIENCO 1 Đinh Văn Thanh có Tờ trình xin ý kiến HĐQT về việc chấp thuận chuyển tiền cho Đức Bình vay tiền.
Ngày 16.12.2016, HĐQT CIENCO 1 gửi Phiếu xin ý kiến cổ đông lớn (Yên Khánh, Cái Mép, Khánh An) về việc đồng ý bảo lãnh và cho Đức Bình vay tiền với hạn mức 100 tỉ đồng. Sau khi 3 cổ đông lớn là Yên Khánh, Cái Mép, Khánh An đồng ý cho Đức Bình vay (thể hiện trên phiếu xin ý kiến cổ đông (lớn)), ngày 25.12.2016 CIENCO 1 ký hợp đồng cho Đức Bình vay số tiền 100 tỉ đồng. Đến nay đã quá hạn thanh toán nhưng Đức Bình vẫn chưa thực hiện thanh toán và không có phương án trả tiền lại cho CIENCO 1.
Việc làm này đã vi phạm quy định tại Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2014. Cụ thể, đã vi phạm quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định thông qua giao dịch, đặc biệt là các giao dịch với những bên liên quan dẫn đến hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quy định tại Điều 162.4 Luật Doanh Nghiệp 2014: “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, gây thiệt hại cho công ty; người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên HĐQT hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó”.
Nguy cơ mất trắng hơn 841 tỉ đồng
Đối với toàn bộ hoạt động của CIENCO 1 từ thời điểm cổ phần hóa đến nay thể hiện rõ sự yếu kém của bộ máy quản trị nhiệm kỳ 2014-2019. Hàng loạt công nợ liệt vào diện "khó" có khả năng thu hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ngày càng đi xuống, nguy cơ mất vốn ngày càng hiện hữu khi một số cổ đông của CIENCO 1 vướng vào vòng lao lý (Yên Khánh, Cái Mép, An Hiền). Các cổ đông này đang chiếm dụng một lượng lớn vốn của CIENCO 1 và hiện nay tài sản của các cổ đông/bên vay đang bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành phong tỏa, tịch thu phục vụ điều tra trong các vụ án có tính chất nghiêm trọng thu hút sự quan tâm của dư luận. Nguy cơ các khoản công nợ này không thể thu hồi là rất lớn.
Với tình hình hiện tại, các cổ đông có khả năng mất vốn khi các khoản phải thu xấu (phải thu khó đòi), đã nợ hơn 03 năm nhưng không có thay đổi liên quan đến cổ đông lớn và các bên liên quan với tổng các khoản phải thu cả gốc, lãi là hơn 602 tỉ. Tỷ lệ nợ xấu phải thu trên tổng nợ phải thu là 30,19%. Tổng các khoản phải thu thuộc diện khó đòi của CIENCO 1 là hơn 841 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 43.10% tổng nợ phải thu. Đây là một tỷ lệ cao gây ảnh hưởng đến vốn lưu động của công ty.
Qua đó, có thể thấy trách nhiệm của Ban kiểm soát khi để xảy ra tình trạng này kéo dài là rất lớn khi không đảm bảo chức năng: “…thực hiện giám sát HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty. Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính”.
Trong hơn 4 năm qua, kể từ thời điểm phát sinh các giao dịch cho vay tài chính, CIENCO 1 đang tồn tại các khoản nợ xấu với tổng các khoản phải thu khó đòi là hơn 841 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 43.10% tổng nợ phải thu. BKS đã không có những cảnh báo phù hợp đối với các rủi ro về tài chính của CIENCO 1 liên quan đến các hoạt động này dẫn đến tình trạng nguy cơ mất vốn như hiện nay.
Như vậy, bằng hình thức ký các hợp đồng vay, thế chấp cổ phần sở hữu tại CIENCO 1, các cổ đông lớn của CIENCO 1 đã nhanh chóng rút hết số vốn đã đầu tư vào DN đồng thời để lại 1 công ty với các khoản nợ xấu khó đòi. Việc này có biểu hiện của việc xoay vòng vốn, chiếm dụng vốn chủ sở hữu của DN ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của CIENCO 1. Các giao dịch này phát sinh trong các năm từ 2016 đến nay chưa được giải quyết và có khả năng không thể giải quyết, dẫn đến nguy cơ mất vốn của cổ đông, chiếm dụng vốn chủ sở hữu của DN.
Có thể nói, HĐQT, Ban điều hành đã thiếu cẩn trọng trong công tác điều hành, quản lý, không có biện pháp xử lý khi các công nợ lớn ảnh hưởng đến hoạt động của công ty đến hạn mà không được thanh toán và không có giải pháp phù hợp, kịp thời dẫn đến cả gốc và lãi không thể thu hồi.
Các cơ quan chức năng cần xem xét các hoạt động cho vay tài chính gây rủi ro, khó khăn cho CIENCO 1 trong công tác nguồn vốn, tài chính phục vụ hoạt động của DN.