Vấn đề ổn định mặt bằng lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn 2016, do nhiều lo ngại về lạm phát và tỷ giá tăng, nợ xấu chưa xử lý triệt để, các tổ chức tín dụng tiếp tục phải cân đối nguồn vốn...

Việc ổn định lãi suất từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều thách thức

Phan Diệu | 11/05/2017, 15:00

Vấn đề ổn định mặt bằng lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn 2016, do nhiều lo ngại về lạm phát và tỷ giá tăng, nợ xấu chưa xử lý triệt để, các tổ chức tín dụng tiếp tục phải cân đối nguồn vốn...

Chưa có sự thay đổi đáng kể

Theo ghi nhận của báo điện tửMột Thế Giới, từ tháng 4 đến nay, thị trường chưa ghi nhận sự thay đổi đáng kể nào về lãi suất. Trên thị trường liên ngân hàng, sau khi lãi suất huy động tăng từ 0,1-0,5% tại một số ngân hàng thương mại kể từ tháng 3, sang tháng 4.2017, thị trường chưa ghi nhận thêm mức điều chỉnh nào.

Hiện tại, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng dao động lần lượt ở mức 4,52%/năm, 4,73%/năm và 5,06%/năm. Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giao dịch ở mức 0,99%/năm; 1,19%/năm và 1,43%/năm.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Tại thời điểm cuối tháng 4, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn trên 12 tháng dao động quanh mức 7%.

Mặt bằng lãi suất cho vay cũng tiếp tục ổn định khi phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Nhưng còn nhiều thách thức

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, việc ổn định mặt bằng lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn 2016 bởi 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay. Lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm 2017 hiện ở mức khá cao, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Về nguyên nhân này, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS), nếu trần lãi suất tiền gửi USD trong nước vẫn duy trì ở mức 0%, có thể dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp sẽ có sự đảo chiều ở mức nhất định. Mặc dù vậy,quan sát của công ty này cho thấynhững tác động trong đợt điều chỉnh lãi suất mới đâycủa Fed là không lớn và có xu hướng nhẹ bớt so với lần trước.

Thứ hai, nợ xấu chưa được xử lý triệt để tiếp tục là rào cản lớn cho việc hạ mặt bằng lãi suất. Do đó, lãi suất huy động có sức ép tăng cao hơn mức tăng của năm ngoái (năm 2016, lãi suất huy động bình quân tăng 0,37 điểm phần trăm).

Thứ ba,các tổ chức tín dụng tiếp tục phải cân đối nguồn vốn để đảm bảo theo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% kể từ 1.1.2018. BVS đánh giá dưới áp lực của quy định này, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn về thanh khoản hơn do tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn trước đây của nhóm này thường cao hơn các ngân hàng lớn.

Ngay cả đối với các ngân hàng thuộc tầm trung, mặc dù có thể chưa chịu sức ép về thanh khoản nhưng nếu vẫn muốn phát triển mạnh tín dụng thì vẫn phải lựa chọn: một là tăng lãi suất các kỳ hạn dài để thu hút thêm vốn trung và dài hạn; hai là điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn ngắn để tăng giá trị tuyệt đối cho tổng nguồn vốn ngắn hạn. Cả hai cách này đều gây ra áp lực tăng lãi suất huy động, hoặc ở kỳ hạn ngắn hoặc ở kỳ hạn dài.

Đồng quan điểm, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếucho rằng quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 50% từ 1.1.2017 và từ 1.1.2018 xuống 40% sẽkhiến các ngân hàng phải cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn, đẩy lãi suất huy động vốn trung, dài hạn lên cao hơn để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay trung, dài hạn.

Quyết tâm cao của Chính phủ

Nếumuốn giảm lãi suất, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khẳng địnhchỉ dựa vào chính sách tiền tệ là không đủ, mà phải cả phụ thuộc vào chính sách tài khóa. Để bù đắp thiếu hụt về chi ngân sách nhà nước, Chính phủ phát hành lượng lớn trái phiếu chính phủ với hệ số rủi ro gần như bằng không, tính thanh khoản và lãi suất cao. Chính phủ cần điều chỉnh giảm lãi suất trái phiếu thấp hơn; đồng thờiđiều chỉnh chi tiêu ngân sách, thắt chặt kỷ luật tài khóa.

Trong khi đó, nếu muốnổn định mặt bằng lãi suất cho vay như trong năm 2016 (lãi suất cho vay bình quân chỉ tăng khoảng 0,1 điểm phần trăm), Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nói rằng cần đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng.

Cơ quan này đánh giá:Động thái chính sách gần đây cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ thông qua dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng và hoàn thiện cơ cấu nhân sự cho quá trình này. Thêm vào đó, cần giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý, với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng 2-4%. Hiện tại, lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7% vẫn đảm bảo có lợi cho VND. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất cho vay USD và VND khoảng 5,2%, lợi ích nghiêng về vay bằng VND.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc ổn định lãi suất từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều thách thức