Phương án xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ vừa được Bộ Công Thương công bố đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh số tiền thua lỗ của từng dự án, dư luận còn đặc biệt chú ý tới số nợ phải trả, tổng số tiền đầu tư... đổ vào 12 dự án này.
Tổng tài sản hơn 57.000 tỉ, nợ phải trả hơn 55.000 tỉ
Trong số 12 dự án, tới thời điểm hiện nay, có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón, DQSvà Nhà máy thép Việt Trung); 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam); 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ - PVTex).
Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43.673,63 tỉ đồng,sau đó được phê duyệt điều chỉnh lên 63.610,96 tỉ đồng (tăng 45,65%). Trong đó, vốn chủ sở hữu là14.350,04 tỉ đồngchiếm 22,56%; vốn vay là: 47.451,24 tỉ đồngchiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.
Trong tổng số vốn vay, vốn vay các ngân hàng trong nước là 41.801,24 tỉ đồng, vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là 16.858,63 tỉ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỉ đồng.
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31.12.2016 là16.126,02 tỉ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985,14 tỉ đồng. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỉ đồng
Đáng lưu ý, tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỉ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là: 10.633,43 tỉ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là: 4.299,83 tỉ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.614 tỉ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.066 tỉ đồng.
Tới thời điểm hiện tại, phương án xử lý cụ thể từng dự án đã được Bộ Công Thương đề xuất để gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị. Song có thể thấy, 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ này đang "ngốn" không ít tiền ngân sách nhà nước. Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến 12 dự án trên lâm cảnh như hiện nay một phần là do những ưu đãi của Nhà nước về vốn, thuế, đất đai... và đây chính là những vấn dề cần được nhìn nhận lại thời gian tới.
Tăng tốc cổ phần hóa, đổi mới quản trị DNNN
Nhận định về phương án xử lý và tình trạng của từng dự án, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bày tỏ quan điểm đồng tình và hướng giải quyếtđược Bộ Công Thương đề ra trong từng dự án.
Tuy nhiên, TSHồ cho rằng tinh thần là dự án nào còn có thể làm tiếp sau khi chấn chỉnh quản lý, có thể có hiệu quả nhất định như 4 nhà máy sản xuất phân bón, sẽ cố làm rồi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn... Đối với những dự án không có triển vọng phát triển nữa như 3 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học cần chuyển nhượng vốn/thoái vốn ngayhoặc từng bước, cả với Nhà máy sản xuất sơ xợi Đình Vũ.
Đối với các dự án không thể cứu vãn được như Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất thì cho phá sản hoặc chuyển đổi sở hữu nếu có thể, hoặc bán đấu giá công khai như dự án sản xuất bột giấy Phương Nam.
Với 2 nhà máy thép ở Thái Nguyên và Lào Cai cũng đã có phương án giải quyết thỏa đáng để tiếp tục như ở Lào Cai, hoặc thoái vốn và tái cơ cấu như với Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO)
Qua 12 dự án trên, TS Hồ nhận định vấn đề quản lý đầu tư bằng nguồn vốn có xuất xứ từ nhà nước và vay nợ cả trong nước và nước ngoài để đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần phải kiên quyết chấn chỉnh để thực hiện theo đúng các luật về đầu tư, về doanh nghiệp, quản lý nợ công,xây dựng và đấu thầu... Thực tế này cũng cho thấy việc thực hiện cổ phần hóa và đổi mới quản trị DNNN phải được tăng tốc càng sớm càng tốt để chấm dứt tình trạng bê bối, kém hiệu quả của khu vực DNNN.
Trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn, phải cân đối từng đồng, việc xảy ra thua lỗ là không thể chấp nhận, TS Hồ đề xuất phải làm rõ và chấm dứt tiêu cực, tham nhũng, thiếu trách nhiệm hoặc vô trách nhiệm, qua đó sẽ xử lý nghiêm những sai phạm.
"Có thể nói 12 dự án này đều nhằm đáp ứng những nhu cầu quan trọng của nền kinh tế, sản xuất những sản phẩm công nghiệp thiết yếu hoặc cần thiết. Một khối lượng vốn và tài sản vô cùng lớn đã được sử dụng không có hiệu quả và đưa đến tình trạng như hiện nay, tiến thoái đều khó, đó là điều thật đáng tiếc", vị chuyên gia này cho hay.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng về bản chất xử lý 12 dự án trên chính là cơ cấu lại tài chính và Nhà nước nên để thị trường xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả.
Cụ thể, những dự án nào mà nhà đầu tư quan tâm tham gia thì họ sẽ cơ cấu lại nợ, tài chính của các dự án. Và chính các nhà đầu tư này sẽ quyết định chiến lực nhân sự và kinh doanh tiếp theo của các dự án này.
Trong khi đó, quan điểm của Bộ Công Thương và việc xử lý 12 dự án trên là kiên quyết:
Xử lý theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, Nhà nước không tiếp tục cấp thêm tiền vào các dự án.
Tập trung thực hiện tái cơ cấu các dự án, ưu tiên các phương án bán/chuyển nhượng/thoái vốn, đồng thời xem xét thực hiện phá sản/giải thể các doanh nghiệp/dự án không có điều kiện phục hồi theo qui định của pháp luật.
Kiên quyết xử lý các dự án, không để kéo dài gây hệ lụy cho nền kinh tế nhưng phải trên nguyên tắc thận trọng, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, người lao động, an sinh - xã hội, an ninh - quốc phòng, môi trường.
Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để xác định và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.
Bảo đảm phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm các giải pháp về thể chế, chính sách, tăng cường quản trị doanh nghiệp.