Các cổ đông nhỏ tuyên bố sẽ nhờ pháp luật bảo vệ quyền lợi tại buổi đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 5.5. Theo đó, các cổ đông này cho rằng nhóm cổ đông lớn cố tình làm trì trệ dẫn đến kiệt quệ công ty bằng hàng loạt quyết định bất hợp tác.
Khai mạc căng thẳng
Ba năm là quãng thời gian mà các cổ đông của PNC chưa đạt được bất kỳ một biểu quyết nào, dù đã tiến hành rất nhiều lần đại hội. Tất cả các lần đại hội của PNC luôn chứa đựng căng thẳng, xung đột lập trường…
Mở đầu cho không khí căng thẳng là đại diện của Công ty Trường Phát, đơn vị nắm giữ hơn hai triệu cổ phiếu nêu ý kiến tạm ngưng đại hội cổ đông. Lý do được đưa ra là phải chờ phán quyết của tòa án với nghị quyết 01 của hội đồng quản trị PNC và tốn kém. Vị đại diện này cũng phủ nhận tính hợp pháp của báo cáo hội đồng quản trị và báo cáo tài chính của PNC.
Đáp lại, cổ đông Phạm Văn Hải phản biện, đại hội cổ đông không đáng bận tâm tốn kém vì các cổ đông cùng làm việc với nhau. Thực tế là trong ba năm qua, dù không thông qua bất kỳ văn bản nào nhưng PNC vẫn hoạt động bình thường. Khủng hoảng pháp lý chỉ đến khi có sự can thiệp của các cổ đông lớn. Lần nào đại hội, nhóm cổ đông lớn cũng tìm cách tranh cãi về thủ tục.
Ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng giám đốc PNC và cũng là cổ đông cho biết, ông đang rất bức xúc vì lần lượt các văn bản bị phủ quyết. Trong khi đó tất cả các báo cáo đều được công ty kiểm toán độc lập tiến hành đúng quy định và chuyên môn. Trong ba năm qua, các mục tiêu của công ty đều bị thất bại. Các nhà đầu tư nhỏ trông chờ cái gật đầu của cổ đông lớn nhưng hầu như mọi thứ đang bị cản trở.
“Công ty lâm vào kiệt quệ chỉ vì sự cố chấp của cổ đông lớn. Chúng ta đều là cổ đông mà cản trở nhau thì không khác gì tự bắn vào chân mình. Tôi không thể hiểu được vì sao sản phẩm của công ty là bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, nhưng anh Phạm Uyên Nguyên là thành viên Hội đồng quản trị lại có thể chống lại bằng cách viết trên mạng xã hội kêu gọi công chúng đừng xem”, một cổ đông lên tiếng.
Đóng nhà sách, bán online là điên rồ
Đại hội tiếp tục sau khi nhiều cổ đông biểu quyết và tiến hành thông qua nghị quyết bầu bổ sung một thành viên hội đồng quản trị. Tuy nhiên, trước đó, các tờ trình và báo cáo của hội đồng quản trị như: báo cáo hoạt động của hội đồng quản trị, báo cáo tài chính, tờ trình thù lao của ban quản trị, danh sách thành viên ban kiểm toán đều không lấy được số phiếu tán thành của nhóm cổ đông lớn (chiếm hơn 6 triệu cổ phiếu).
Về thông tin cổ đông lớn là ông Phạm Uyên Nguyên muốn đóng cửa hệ thống nhà sách Phương Nam, ông Ngô Lê Huấn, Giám đốc Công ty PNR (công ty thành viên PNC) cho rằng đây là ý tưởng điên rồ.
Theo ông Huấn, nhiều năm qua, kể từ khi thương mại điện tử manh nha tại Việt Nam đã có rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ hàng trăm tỉ đồng. Thương mại điện tử đem lại nhiều bài học đắt giá cho các doanh nghiệp kinh doanh.
Trong khi đó, hệ thống nhà sách Phương Nam đang đóng góp đến 90% doanh thu của PNC. Nhà sách Phương Nam trải dài từ Bắc đến Nam và là nơi làm việc của khoảng 1.000 người.
“Tại sao chúng ta chạy theo cái lỗ vốn trước mắt mà bỏ đi cái lợi nhuận hiện đang có. Nếu chuyển hướng kinh doanh online thì đề án online thuyết phục thế nào đến giờ vẫn chưa ai thấy”, ông Huấn nói.
Ông Phạm Văn Hải nói thêm: “Ngày trước ông Phạm Uyên Nguyên mua cổ phiếu chỉ hơn 6.000 đồng/cổ phiếu, bây giờ đã hơn 14.000 đồng/cổ phiếu là có lời rồi. Nếu PNC kinh doanh tốt thì cổ tức chia lớn và quan trọng nhất là giá cổ phiếu lên cao có lời cao hơn. Nếu đóng cửa nhà sách Phương Nam thì PNC không còn gì nữa. Các nhà đầu tư mạnh vốn sẽ mua lại hệ thống nhà sách ngay. Chúng tôi sẽ tập hợp cổ đông nhỏ lại để nhờ pháp luật bảo vệ quyền lợi của mình nếu các cổ đông lớn còn cản trở nữa”.
Như vậy, sau nhiều giờ căng thẳng, cổ đông PNC chỉ đạt được điểm chung là thông qua nghị quyết bầu bổ sung một thành viên hội đồng quản trị. Bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNC cho biết sẽ tiếp tục tiến hành đại hội cổ đông trong thời gian tới.
Thanh Nhã