Ngày 15.7 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Việc triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đang chậm tiến độ

15/07/2019, 14:07

Ngày 15.7 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Hội nghị triển khai thi hành Luật Quy hoạch - ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, Luật Quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng, bao trùm nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, Luật Quy hoạch có nhiều khái niệm, quy định lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam như Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập cho thời kỳ 10 năm. Trước đây chỉ có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước mà hiện nay đang xây dựng cho thời kỳ 2021-2030. Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch vừa mang tính vật thể, vừa mang tính chiến lược, lần đầu tiên được triển khai lập.

Trong hơn một năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, qua đó cũng đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, thực tế một số khái niệm còn có cách hiểu và vận dụng khác nhau dẫn đến việc lúng túng trong áp dụng.

Theo Bộ KH-ĐT, việc ban hành Luật Quy hoạch đã tạo ra khung pháp lý quan trọng nhằm đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch theo hướng tổng hợp, đa ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả về công tác quy hoạch trước đây.

Đây chính là công cụ để xử lý, giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Đặc biệt, Luật Quy hoạch có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Luật Quy hoạch là luật mới, khó, có phạm vi điều chỉnh rộng, khối lượng công việc cần thực hiện lớn, nguồn lực cần để triển khai nhiều. Do vậy việc triển khai luật đòi hỏi sự quyết tâm của các cấp các ngành, sự vào cuộc của các địa phương.

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, sau hơn một năm triển khai thực hiện, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 luật và 1 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 52 luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch.

Như vậy, nếu tính cả việc sửa đổi, bổ sung tại Luật Quy hoạch, thì đã sửa đổi, bổ sung 73 luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch.

Về thực hiện chuyển tiếp các quy hoạch, đến nay, có 2 bộ (Công Thương, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) đã ban hành quyết định bãi bỏ 58 quy hoạch sản phẩm và 17 địa phương đã ban hành quyết định bãi bỏ 238 quy hoạch sản phẩm; có 2 bộ (Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư) đang triển khai nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện quản lý nhà nước khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Đức Trung, hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP cho thấy việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn chậm và có những vướng mắc, khó khăn do việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và còn có cách hiểu chưa thống nhất về một số quy định của Luật.

Vì vậy, việc triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều lúng túng, nhất là việc triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu.

Cụ thể, do các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch chậm được ban hành nên các bộ, ngành, địa phương chưa có cơ sở để triển khai xây dựng, trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và dự toán kinh phí lập quy hoạch (hiện nay còn 3 nghị định chưa được ban hành).

Bên cạnh đó, còn có cách hiểu khác nhau về các quy hoạch được thực hiện chuyển tiếp tại điều 59 Luật Quy hoạch, nên một số bộ ngành và địa phương còn lúng túng khi xác định các quy hoạch thuộc phạm vi áp dụng tại điểm a, điểm c khoản 1 điều 59 Luật Quy hoạch. Các quy hoạch nào sẽ được phép điều chỉnh và được điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành cũ hay phải điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

Đối với các quy hoạch được tích hợp theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 59 Luật Quy hoạch chỉ được thực hiện cho đến khi quy hoạch mới được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch. Nghị quyết số 74/2018/QH14 của Quốc hội về kỳ họp thứ 6 chỉ quy định việc tiếp tục thực hiện các quy hoạch nói trên đến hết thời kỳ quy hoạch và chỉ được điều chỉnh kéo dài thời hạn quy hoạch mà không được điều chỉnh về nội dung.

Do vậy, một số bộ ngành và địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện quy hoạch, nhất là việc bổ sung các dự án cần thiết, cấp bách phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thực tiễn.

“Việc bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm còn chậm so với thời hạn 31.12.2018 tại Luật Quy hoạch, đã gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và cản trở việc huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển”, ông Trung nói.

Hiện nay, theo ông Trung, do chưa có văn bản hướng dẫn việc thanh quyết toán đối với vốn lập quy hoạch cũng như việc bố trí vốn để lập hoặc điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và để xử lý các quy hoạch thuộc đối tượng phải dừng do không còn phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch hiện hành cũng gây khó khăn cho các bộ ngành, địa phương khi triển khai trong thực tế.

Để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, ông Trung cho rằng các bộ ngành và địa phương cần khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và xử lý dứt điểm quy định chuyển tiếp quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Trong đó cần tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch để thống nhất cách hiểu trong thực hiện. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành 3 nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Cùng với đó, khẩn trương rà soát, ban hành danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực thuộc thẩm quyền phê duyệt của các bộ, địa phương. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thay thế việc quản lý nhà nước khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực.

Tập trung triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch để phục vụ điều hành của các bộ, ngành và địa phương và làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong vận hành.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đang chậm tiến độ