Tại Hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ” ngày 11.5, các nhà nghiên cứu chỉ ra nhiều điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn trong công nghiệp văn hóa

Lam Thanh | 11/05/2022, 12:25

Tại Hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ” ngày 11.5, các nhà nghiên cứu chỉ ra nhiều điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, mặc dù năm 2019, các ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp 3,61% GDP của cả nước, nhưng nhìn một cách tổng thể, điều này chưa phản ánh được thực lực của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ tiềm năng các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa. Tuy nhiên các khảo sát thực tế cho thấy, ngoài sự khởi sắc về doanh thu điện ảnh, du lịch văn hóa, thời trang, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”.

Ðặc biệt trong thời kỳ "cơ cấu vàng" chiếm tỷ lệ cao, khoảng 69% tổng dân số, Việt Nam chưa khai thác hiệu quả khả năng sáng tạo của giới trẻ - nguồn lực quyết định sự phát triển mang tính đột phá của các ngành công nghiệp văn hóa.

Điều này dẫn đến thực tế, thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc sức mạnh mềm văn hóa cùng khu vực châu Á với Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

“Việc chưa xem xét công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực có sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bản quyền đã làm cho nguồn tài nguyên này chưa tạo được ấn tượng thu hút đối với cảm nhận của người nước ngoài”, bà Phương nêu.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Công ước 2005 xác định các quốc gia có quyền chủ quyền về văn hóa và khuyến khích các quốc gia xây dựng các chính sách, hệ thống luật pháp để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của mình.

“Công ước nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một công cụ để bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Khi đó, các quốc gia bừng tỉnh khi thấy văn hóa là yếu tố quan trọng. “văn hóa còn, dân tộc còn””, ông Sơn nói.

bui-hoai-son.jpg
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu - Ảnh: Trí Lâm

Ông Sơn dẫn nghiên cứu của Hội đồng Anh cho biết, từ năm 2014 đến năm 2018, số lượng không gian sáng tạo ở Việt Nam tăng từ 60 đến 140 trung tâm. Nhiều trung tâm, không gian sáng tạo đã có những bước phát triển mới, mang tính đột phá.

Tuy vậy, Việt Nam có khá nhiều điểm nghẽn trong khai thác công nghiệp văn hóa.

Đầu tiên chính là nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa chưa đầy đủ. Chúng ta ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc... là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế thị trường đã thấm sâu vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, thì văn hóa nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hóa của mình.

Đồng thời, thiếu sự phối hợp trong phát triển công nghiệp văn hóa. Đến thời điểm này, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hoá còn gặp khó khăn vì chưa thực sự có đầu mối đủ mạnh để định hướng sự phát triển này. hiệu của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo.

Ngoài ra, sự phối hợp công – tư cũng chịu nhiều cản trở, trong đó có cả việc thiếu niềm tin lẫn nhau và sự hỗ trợ chính sách. Những mô hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đa phần là tự phát, đến từ niềm đam mê của các cá nhân yêu thích sáng tạo, mong muốn tìm ra điều mới mẻ cho cuộc sống và công việc kinh doanh.

“Nhưng bầu nhiệt huyết của họ sẽ gặp khó khăn khi thiếu đi sự hỗ trợ từ chính quyền hay của chính các doanh nghiệp tương tự trong mạng lưới sáng tạo”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, hệ thống giáo dục của Việt Nam có một số điểm chưa tương thích đối với hoạt động đổi mới sáng tạo; khối lượng kiến thức cần học quá lớn, khiến cho các môn học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật chưa được coi trọng đúng mức.

Trong khi đó, các môn học về nghệ thuật chẳng hạn, giúp học sinh, sinh viên rất nhiều trong việc hoàn thiện nhân cách, các kỹ năng mềm, và nhất là tinh thần sáng tạo. Thiếu đi tinh thần sáng tạo ấy ở các cấp học, ngay từ nhỏ, việc hình thành những công dân sáng tạo, những khách hàng tương lai của thị trường nghệ thuật sẽ gặp khó khăn.

Không những thế, việc giảng dạy ở các trường nghệ thuật cũng nảy sinh những bất cập trong việc cập nhật với nền kinh tế thị trường. Tài năng nghệ thuật mới chỉ là yếu tố cần và phải cần đến kiến thức, hiểu biết về kỹ năng kinh doanh để tạo nên sự thành công của một nghệ sĩ. Đó chính là lý do tại sao các môn học về marketing nghệ thuật, kỹ năng kinh doanh, quan hệ công chúng lại nên được xem là những môn học chính ở các trường nghệ thuật (mà hiện nay chúng ta đang rất yếu).

Ngoài ra, những điểm nghẽn về chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hoá như địa vị pháp lý cho các doanh nghiệp sáng tạo, sử dụng đất, thuế, luật về bảo trợ và hiến tặng,... cũng là những rào cản khác khiến các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa thể cất cánh được.

Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm cho rằng đã đến lúc xem xét sửa đổi chính sách để mở rộng không gian sáng tạo nội dung, đa dạng hóa các hình thức biểu đạt của người Việt; kích thích sự đổi mới, sáng tạo, để nội dung hay và giá trị tốt đẹp có khả năng tự lan tỏa.

Theo đó, đưa công nghiệp nội dung số trở thành một ngành tạo nhiều công ăn việc làm, trở thành động lực thúc đẩy công nghiệp sáng tạo và kinh tế số; đưa nội dung số trở thành một phần quan trọng của kinh tế số, có thể quan sát, đo đếm được, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách và cho tăng trưởng.

Bài liên quan
Đánh thức tiềm năng văn hóa của các dân tộc thiểu số
Là một bộ phận hữu cơ của văn hóa quốc gia nhưng văn hóa của các dân tộc thiểu số vẫn mang những bản sắc riêng có, mới lạ và đầy hấp dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn trong công nghiệp văn hóa