Ở Việt Nam, cơ cấu dự trữ xăng dầu quốc gia được đến từ 3 nguồn.
Bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, tại Việt Nam, cơ cấu dự trữ xăng dầu đến từ 3 nguồn: dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia. Hiện nay, dự trữ sản xuất đến từ 2 nhà máy lọc dầu. Dự trữ thương mại nằm ở các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối. Cuối cùng là nguồn dự trữ quốc gia.
Hiện nguồn dự trữ quốc gia Việt Nam tương đối mỏng, khoảng 5-7 ngày sử dụng, nhưng để đảm bảo an ninh năng lượng, mức này không đủ.
Theo bà Hiền, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án nâng mức dự trữ quốc gia và trình Chính phủ đề án này. Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong tương lai, Bộ Công Thương sẽ cùng các các Bộ ngành có liên quan sẽ tham mưu để nâng mức dự trữ này lên. Mục tiêu là phải đáp ứng được 1-2 tháng. Việt Nam có dự trữ quốc gia về xăng dầu, theo Nghị định 83 trước đây, và hiện theo Nghị định 95, lúc nào các đầu mối xăng dầu cũng phải có dự trữ về lưu thông ít nhất là 20 ngày.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, về xăng dầu dự trữ quốc gia, do chúng ta hiện chưa có hệ thống kho riêng cho nên đang giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu mối.
Bộ Công Thương dự kiến tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3, dự kiến nhu cầu mỗi quý khoảng 5,2 triệu m3. Trong quý 2, dự kiến nguồn cung khoảng 7,2 triệu m3 (gồm sản xuất trong nước là 3,2 triệu m3, nhập khẩu khoảng 2,5 triệu m3, tồn kho Quý trước chuyển sang là 1,5 triệu m3). Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý 2 và tồn kho gối đầu sang quý 3 khoảng 2 triệu m3.
6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân, mặc dù sản xuất trong nước, đặc biệt là ở nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang gặp khó khăn và việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài cũng không dễ. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định, luôn ưu tiên nguồn xăng dầu trong nước nhưng doanh nghiệp phải có cam kết rõ ràng và phải công bố. Phần còn lại sẽ bổ sung từ nguồn nhập khẩu.
Chính phủ mới đây đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ động điều hành đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu; theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho quý 3 và cuối năm 2022.