Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, nếu bàn đến vấn đề bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu thì cũng cần biện pháp để đảm bảo hạn chế mức tăng giá mặt hàng này.

Bộ Công Thương nói gì về việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Tuyết Nhung | 16/06/2022, 19:44

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, nếu bàn đến vấn đề bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu thì cũng cần biện pháp để đảm bảo hạn chế mức tăng giá mặt hàng này.

Liên quan đến việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) cần phải tiếp tục được nghiên cứu, sau đó sẽ có góp ý với Bộ Tài chính trong việc có nên bỏ hay không.

binh_on.jpeg

Theo bà Nga, việc điều hành giá này đã có sự tham gia quan trọng từ các giải pháp vĩ mô của kinh tế Việt Nam cũng như có vai trò của quỹ bình ổn giá xăng dầu. Mức tăng này cũng giúp kiềm chế đà tăng của CPI chỉ với 2,25% sau 5 tháng đầu năm, trong khi các nước lân cận, mức lạm phát cao hơn nhiều.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, quỹ BOG giống như "hồ điều hòa" - một giải pháp tiết kiệm, "của để dành" để lúc cần thì bỏ ra. Thời gia vừa qua, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh nhưng ở trong nước nhờ quỹ này nên mức tăng vẫn thấp hơn. Tuy vậy, quỹ BOG có mức độ, do vậy không thể lạm dụng quỹ, bởi có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, nếu bàn đến vấn đề bỏ quỹ thì cũng cần biện pháp khác để đảm bảo hạn chế mức tăng giá tác động đến người dân và doanh nghiệp. "Nếu nói bỏ thì đơn giản, nhưng vấn đề tác động như thế nào thì phải xem xét. Bởi lẽ, nếu bỏ quỹ có thể khiến giá tăng sốc. Đơn cử lần gần đây, giá tăng từ 4.000-5.000 đồng/lít nếu không có quỹ thì thế nào?" ông Hải đặt câu hỏi.

Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cần tính toán các biện pháp khác để đảm bảo hạn chế mức tăng giá có thể tác động đến người dân và doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ này cho rằng các hình thức định giá (giá cụ thể, khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu) chưa đáp ứng được những phát sinh trong thực tiễn gần đây, như đối với giá xăng dầu... vẫn chưa hoàn toàn có sự cạnh tranh hoàn hảo cần phải có biện pháp quản lý, điều hành gián tiếp.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá, hiện nay chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Bộ Tài chính cho biết, tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) đến hết quý 1/2022 còn âm 169,920 tỉ đồng. Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng phải đối mặt với việc bị âm quỹ BOG do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao.

Giá xăng dầu trên thế giới tăng liên tiếp thời gian qua gây lo ngại về tình hình lạm phát. Giới chuyên gia lo rằng với xu hướng tăng giá xăng dầu thế giới như hiện nay, quỹ BOG trong nước khó có thể "chống đỡ" được.

Ông Bùi Ngọc Bảo - quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, giá xăng dầu trong nước chịu tác động từ giá xăng dầu thế giới. Vì vậy, việc điều chỉnh cần phải linh hoạt theo thị trường, cân đối các yếu tố như: thị trường, nguồn cung, giá thế giới, quỹ bình ổn. Đặc biệt, cần phải kết hợp với những yếu tố vĩ mô, đó là xem xét đến việc giảm thuế phí để kìm giá xăng dầu tăng phi mã, thay vì cứ phụ thuộc vào quỹ BOG vốn đã cạn kiệt như hiện nay thì không khả thi.

"Khi giá xăng dầu trên thế giới tăng mạnh thì giá trong nước cũng không thể không tăng. Quỹ BOG đang vận hành đúng theo tinh thần là tránh để giá xăng dầu trong nước tăng sốc. Nhưng quỹ cũng không thể mãi bình ổn giá xăng dầu được", ông Bảo nói.

Bài liên quan
Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, quỹ bình ổn 'đuối sức'
Giá xăng dầu tăng mạnh liên tục đang đặt áp lực lớn lên Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
13 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công Thương nói gì về việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?