Các trại giam của Việt Nam đang giam giữ trên 600 phạm nhân nước ngoài (thuộc 28 quốc tịch và một số không xác định được quốc tịch).

Việt Nam đang giam giữ hơn 600 phạm nhân nước ngoài

Lam Thanh | 02/07/2021, 15:07

Các trại giam của Việt Nam đang giam giữ trên 600 phạm nhân nước ngoài (thuộc 28 quốc tịch và một số không xác định được quốc tịch).

Ngày 2.7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021.

dac-xa.jpg
Công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải nêu rõ: Đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2007 và nay là Luật Đặc xá năm 2018. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tiến hành nhiều đợt đặc xá tha tù cho những phạm nhân có quá trình cải tạo lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng và xã hội.

Theo quyết định này, Chủ tịch nước quyết định thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2.9). Thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 31.8.2021.

Đối tượng đặc xá bao gồm: người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Thứ trưởng Bộ Công an, thiếu tướng Lê Quốc Hùng cho biết đặc xá theo quyết định của Chủ tịch nước được thực hiện trên nguyên tắc dân chủ, khoa học, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và đúng pháp luật.

Ngay sau cuộc họp báo công bố quyết định hôm nay, Hội đồng Tư vấn đặc xá và các cơ quan chức năng sẽ tiến hành tổ chức các khâu để xét duyệt đề nghị đặc xá. Do đó, đến thời điểm này, chưa có thống kê số lượng người được đặc xá trong đợt đặc xá năm 2021.

Theo thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành các chính sách về tái hòa nhập cộng đồng đối với những người chấp hành xong bản án, trong đó quy định các phạm nhân được đặc xá cũng nằm diện được thụ hưởng các chế độ chính sách này.

Ông Hùng cho hay hiện nay, các trại giam của Việt Nam đang giam giữ trên 600 phạm nhân nước ngoài (thuộc 28 quốc tịch và một số không xác định được quốc tịch). Những phạm nhân có quốc tịch nước ngoài cũng được đối xử bình đẳng như đối với các phạm nhân quốc tịch Việt Nam trong đợt đặc xá lần này nếu đủ điều kiện.

Thiếu tướng Lê Quốc Hùng cho biết đây là lần đầu tiên quyết định đặc xá được áp dụng theo Luật Đặc xá năm 2018 và luật này có nhiều điểm mới, điểm khác so với trước đây.

Tại điều 2 Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, đối tượng đặc xá bao gồm: Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Do đó, người thụ án tử hình không thuộc đối tượng được đặc xá.

Thiếu tướng Lê Quốc Hùng cũng cho biết hiện nay Việt Nam có khoảng trên 100.000 phạm nhân đang thi hành án tại các cơ sở cải tạo. So với các nước xung quanh Việt Nam có sự tương đồng về dân số, địa lý thì tỷ lệ phạm nhân của Việt Nam thấp hơn rất nhiều.

Về điều kiện được đề nghị đặc xá, quyết định nêu rõ: Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:

Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là một phần hai thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn. Nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.

Người đang chấp hành án tù đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù...

Ngoài ra, để được đề nghị đặc xá, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí; đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng.

Người đang chấp hành án tù đã thi hành xong hoặc thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm không phải là tội phạm tham nhũng...

Trước đó, vào ngày 4.5 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan tố tụng Trung ương và Bộ Công an về thi hành Luật Đặc xá.

Tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cần phải thực hiện nghiêm đạo luật này nhằm thể hiện sự ưu việt của chế độ ta. Các đợt đặc xá vào những dịp đặc biệt, ngày lễ hay sự kiện lớn của đất nước được tổ chức nhằm khuyến khích người chấp hành hình phạt tù phấn đấu cải tạo tốt để đủ điều kiện hưởng chính sách đặc xá.

Thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, Chủ tịch nước đã 7 lần quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Sau 10 năm thực hiện luật, tổng số phạm nhân được Chủ tịch nước quyết định đặc xá là hơn 87.000 người. Nhờ công tác hỗ trợ người được đặc xá được thực hiện tốt nên số người tái phạm tội rất thấp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đang giam giữ hơn 600 phạm nhân nước ngoài