Đó là nhận định của TS Võ Trí Thành tại diễn đàn “Hiệp định TPP - Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam” tại Hà Nội sáng 1.3.

Việt Nam đang ở thời điểm quyết định chuyển đổi mô hình phát triển

Một Thế Giới | 01/03/2016, 15:02

Đó là nhận định của TS Võ Trí Thành tại diễn đàn “Hiệp định TPP - Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam” tại Hà Nội sáng 1.3.

Doanh nghiệp Việt đang bị “li ti hóa”

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thực tế hiện nay, doanh nghiệp Việt hiện nay đang không lớn lên được cả về năng lực hoạt động lẫn quy mô.
Dẫn đến thực trạng này có nhiều nguyên nhân, theo TS Thành, đó là vấn đề các doanh nghiệp tư nhân đang mắc phải như: Bất bình đẳng trong cạnh tranh với doanh nghiệp Nhà nước, vấn đề quyền tài sản, khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn lực như lao động, đất đai, công nghệ, vốn… Tiếp theo đó là mối quan hệ, sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chưa thực sự khăng khít và dường như có sự “đối địch”.

“Có một điều đáng buồn là chúng ta có 1 cách nhìn rất đối địch giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Cạnh tranh là có, chiến đấu là có, nhưng dù yêu, dù ghét cũng phải bắt tay để học hỏi, kết nối với họ, bởi vì các doanh nghiệp FDI là công nghệ mới, tiêu chuẩn mới, có mạng, chuỗi … cần thiết cho chúng ta”, TS Thành nhấn mạnh.

Vì thế, theo TS Thành, doanh nghiệp Việt  không thể nào tách họ ra. Dù có phê phán hay không thiện cảm với họ cũng phải bắt tay họ. Cái bắt tay chưa chắc đã đem lại thành công, nhưng không bắt tay chắc chắn không thành công.

“Tôi cũng đã nói ở nhiều hội thảo, kinh nghiệm của các đoàn đàm phán FTA cho thấy rằng, đã chơi thì nên chơi với người giỏi nhất, tốt nhất. Vấn đề là cách chơi thế nào, năng lực của chúng ta ra sao. Đã chơi là phải tự tin nhưng cần phải có có sở, không tự tin thì chắc chắn thua”, TS Thành nói.

Ngoài ra, một lý do nữa khiến các doanh nghiệp Việt nhỏ đi chính là việc thuế, phí quá nhiều, dẫn đến môi trường kinh doanh có phần không thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh.

Phải có một lực đẩy cho cải cách

Theo TS Võ Trí Thành, Việt Nam hiện nay đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách thiết lập nền tảng vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. TS Thành cho hay, Việt Nam cần phải có một lực đẩy mới cho cải cách. Tác động qua lại giữa cải cách trong nước và hội nhập (TPP, RCEP, FTA Việt Nam-EU…) trở nên sâu sắc hơn nhiều.

“Vấn đề chủ chốt là phải hiện thực hóa các tiềm năng của người dân, cải cách thể chế và thúc đẩy đổi mới (cùng với tận dụng lợi thế và tối thiểu hóa rủi ro trong bối cảnh hội nhập sâu sắc và một thế giới, một khu vực đang đổi thay)”, TS Thành nhấn mạnh.

Một trong những cải cách được quan tâm đó là cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, trong TPP có một chương về cải cách doanh nghiệp Nhà nước, về mua sắm Chính phủ. Chương này bảo đảm môi trường cạnh tranh của các doanh nghiệp trong TPP, khi các nước đầu tư vào nước ta mà ta vẫn giữ những ưu đãi lớn cho DNNN thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng.

“Thông điệp này của TPP hiện đang rất cần đối với chúng ta, khiến chúng ta phải đẩy nhanh cải cách DNNN. Xưa nay chúng ta ưu đãi DNNN chính vì tư cách của nó, vì nó là DNNN, còn với TPP thì tư cách doanh nghiệp là bình đẳng, chỉ có chức năng là khác biệt. Ông DNNN cũng bình đẳng như DN tư nhân trên sân chơi thị trường”, ông Thiên nói.

Để hiện thực hóa những vấn đề trên, theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho rằng sắp tới Việt Nam cần thực hiện một số cải cách.

Về thể chế, để thực thi cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường... 

Về mặt xã hội, với cơ hội mới có được từ TPP, Việt Nam sẽ có điều kiện để tạo công ăn việc làm mới, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành nước ta thực sự có lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có các các biện pháp trợ giúp để chủ động xử lý kịp thời các tác động tiêu cực có thể xảy ra trong đó có việc tổ chức đào tạo lại đội ngũ lao động. Với thời gian, thu hút đầu tư nước ngoài tăng lên, cơ cấu sản xuất sẽ được điều chỉnh và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra.

Việc chấp nhận các tiêu chuẩn cao trong TPP cũng là một trong những cách để gây sức ép đối với quá trình đổi mới, hoạch định chính sách, sửa đổi pháp luật theo hướng minh bạch hơn.

Hoàng Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
31 phút trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đang ở thời điểm quyết định chuyển đổi mô hình phát triển